Từ khóa: đổi mới công nghệ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Summary

Technology plays an important role in the production and business process of enterprises, helping to ensure competitiveness through reducing production costs. However, the technology capacity of small and medium-sized enterprises (SMEs) in the Southern Key Economic Region is generally at a lower average level, while the level of mechanization, electrification and the need for human operators are still large, and the level of computer-controlled automation is modest, etc. This has a significant impact on the competitiveness of businesses in the Region. The article evaluates the current state of technological innovation of SMEs in the Southern Key Economic Region, thereby proposing some recommendations for the coming years.

Keywords: technological innovation; small and medium enterprises; Southern key economic region

GIỚI THIỆU

Vùng KTTĐPN là vùng kinh tế năng động nhất của cả nước, tiếp tục khẳng định được vai trò đầu tàu kinh tế, chiếm 45,4% GDP của cả nước. Vùng KTTĐPN được mệnh danh là “bát giác kim cương”, nằm ở vị trí địa kinh tế thuận lợi, nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước, khu vực và quốc tế. Vùng tập trung đủ các điều kiện và lợi thế phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trình độ công nghệ của các DNNVV ở vùng KTTĐPN nhìn chung ở mức trung bình thấp. Trong giai đoạn 2012-2022, các DNNVV trong Vùng đã có sự quan tâm đến đổi mới công nghệ, tuy nhiên, năng lực đổi mới công nghệ còn hạn chế do phải đối mặt với những trở lực, nhất là công nghệ đã đầu tư với giá trị lớn, nhưng lạc hậu khi chưa thu hồi vốn, kiến thức và kỹ năng của lao động chưa thích ứng với bối cảnh mới. Do đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ cho DNNVV ở Vùng trong thời gian tới.

KHÁI NIỆM ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

Theo Chumpeter (934), đổi mới công nghệ là quá trình đưa ra một sản phẩm mới hoàn toàn hoặc cũng có thể là quá trình cải tiến các sản phẩm đang có, đổi mới cũng có thể là việc phát hiện ra những ngành sản xuất mới, những thị trường mới, hoặc là phát triển các nguồn cung cấp nguồn nguyên nhiên vật liệu mới, hoặc là sự thay đổi quy trình sản xuất trong nội bộ các DN. Trong khi đó, OECD lại quan niệm rằng, đổi mới công nghệ là quá trình thiết kế ra các sản phẩm hoàn toàn mới hoặc cải tiến các sản phẩm hiện có, cải tiến quy trình sản xuất và cách thức tiếp thị sản phẩm, hoặc là thay đổi phương thức quản lý theo hướng mới (cũng có thể là cải thiện quy trình quản lý hiện có) của các DN, hoặc là các hoạt động liên kết công nghệ với nước ngoài hướng đến đổi mới công nghệ. Như vậy, đổi mới công nghệ là quá trình đổi mới hoàn toàn hoặc cải tiến khá nhiều so với chính bản thân DN đó chứ không phải so với toàn ngành hay so với cả nước hay so với cả thế giới. Hoạt động đổi mới công nghệ là hoạt động mang tính chất bao trùm gồm cả các mặt về khoa học, công nghệ, cách thức tổ chức, tài chính và cả hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Nghiên cứu của Freeman (2013) cho rằng, đổi mới là việc đưa ra các ý tưởng sáng tạo, đổi mới cũng có thể là một quá trình hoặc một kết quả sau khi đã hoàn thành. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc phân biệt giữa đổi mới và phát minh, vì một phát minh có thể không đưa đến bất cứ sự đổi mới nào, ông phân tích như sau: một phát minh xuất phát là một ý tưởng, một bản phác thảo cơ bản hay một mô hình của một sản phẩm, một thiết bị mới hoặc một quy trình hay hệ thống mới, còn đổi mới là quá trình mang lại ý nghĩa về mặt kinh tế, khi nó được thực hiện ở giao dịch lần đầu là một sản phẩm, thiết bị hoặc quy trình, hệ thống hoàn toàn mới.

Như vậy, có thể hiểu, đổi mới công nghệ là quá trình đổi mới tập trung vào công nghệ và ứng dụng công nghệ vào hoạt động của DN để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và quy trình sản xuất tối ưu hơn. Quá trình đổi mới công nghệ có thể cải tiến một phần hoặc toàn bộ các công nghệ đang được sử dụng để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ đang có hoặc để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới hoàn toàn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

THỰC TRẠNG ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ CỦA DNNVV Ở VÙNG KTTĐPN

Công nghệ được áp dụng ở các DNNVV ở vùng KTTĐPN chủ yếu là được sản xuất trong giai đoạn 2001-2010 chiếm 53,41%, thậm chí công nghệ trước năm 2000 vẫn chiếm 5,46%; công nghệ được sản xuất trong giai đoạn 2011-2015 cũng chiếm tới 25,57% và chỉ có 13,56% công nghệ được sản xuất trong giai đoạn 2016-2019. Quốc gia cung cấp máy móc chủ yếu cho DNNVV trong Vùng là Trung Quốc chiếm 26,95%, Nhật Bản là chiếm 16,85%, Việt Nam chiếm 22,34%, Đài Loan là 15,3% và một số quốc gia khác, như: Hàn Quốc (6,12%), Đan Mạch (2,64%), Mỹ (1,41%) và các quốc gia khác là 8,39% (Hình 1). Nhìn chung, trình độ công nghệ được sử dụng ở các DNNVV ở vùng KTTĐPN còn rất lạc hậu.

Hình 1: Các quốc gia cung cấp và năm sản xuất máy móc cho DNNVV ở vùng KTTĐPN

Đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: Thực trạng và giải pháp
Đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: Thực trạng và giải pháp

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Để cải thiện tình hình công nghệ của DNNVV, thì hoạt động đổi mới sáng tạo và tổ chức cải tiến công nghệ có vai trò rất quan trọng. Theo số liệu khảo sát của tác giả đối với 400 DNNVV ở 8 tỉnh, thành phố ở vùng KTTĐPN, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang, năm 2012 có 10,03% DN thực hiện điều chỉnh các công nghệ hiện có để thích ứng và nâng cao năng lực sản xuất, giảm xuống 3,42% năm 2019 và 4,98% năm 2022; năm 2015 có 13,05% DN cho rằng, có thực hiện điều chỉnh các công nghệ, đến năm 2019 là 8,8% và năm 2022 là 9,08%. Trong khi đó, hoạt động phối hợp nghiên cứu của DNNVV ít được thực hiện; năm 2012 chỉ có 1,31%; năm 2019 là 0,41 và 0,60% năm 2022 (Bảng 1). Như vậy, có thể thấy, các DNNVV ở vùng KTTĐPN đã có sự quan tâm đến hoạt động đổi mới, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, khi hầu hết các đổi mới đều là “đổi mới tiết kiệm” (frugal innovation) với việc tập trung điều chỉnh các công nghệ hiện có.

Bảng 1: Đổi mới và cải tiến công nghệ của DNNVV vùng KTTĐPN giai đoạn 2012-2022

Đơn vị: %

Năm

Hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ

Phối hợp nghiên cứu

Điều chỉnh các công nghệ

2012

10,03

1,31

7,67

2013

8,78

0,4

5,48

2014

5,31

0,68

4,63

2015

4,57

0,56

13,05

2016

2,78

0,67

11,12

2017

2,46

0,3

11,03

2018

2,43

0,4

10,01

2019

3,42

0,41

8,8

2022

4,98

0,60

9,08

Nguồn: Tính toán của tác giả

Mục tiêu đổi mới công nghệ của DNNVV ở vùng KTTĐPN chưa đủ tầm vóc để có thể cạnh tranh với thế giới. Theo đó, năm 2012, số DNNVV có mục tiêu đổi mới công nghệ là mới so với thế giới chiếm tỷ trọng rất thấp là 2,68% và giảm xuống 0% từ năm 2016 đến năm 2022; Mục tiêu đổi mới công nghệ của các DN chủ yếu là mới đối với thị trường tăng từ 57,38% năm 2012 lên 72,73% năm 2019 và 80,23% năm 2022; Mục tiêu đổi mới công nghệ mới đối với DN trong giai đoạn 2012-2015 ở mức 39,93% đến 42,86%, giảm xuống trong giai đoạn 2016-2022, nhưng vẫn duy trì ở mức 19,77% đến 37,5%. Điều này cho thấy, hoạt động đổi mới sáng tạo diễn ra rất sôi động với mục tiêu là: mới đối với DN và mới đối với thị trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đổi mới của các DNNVV trong bối cảnh trình độ công nghệ đã có bước phát triển vĩ đại về công nghệ sản xuất và chế tác sản phẩm.

Hình 2: Mục tiêu đổi mới công nghệ của DNNVV vùng KTTĐPN giai đoạn 2012-2022

Đơn vị: %

Đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: Thực trạng và giải pháp
Nguồn: Tính toán của tác giả

Đối với nguồn kinh phí đổi mới công nghệ cho DNNVV ở vùng KTTĐPN, trong giai đoạn 2012-2015, nguồn kinh phí chủ yếu là từ vốn tự có của DN (năm 2012 chiếm 79,87%; năm 2015 chiếm 83,67%), bởi lẽ DNNVV không có tài sản đảm bảo, nên việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng khá khiêm tốn (năm 2012 là 16,11% và năm 2015 là 12,24%); nguồn vốn hỗ trợ từ phía Nhà nước và nguồn vốn liên doanh rất ít ỏi, năm 2012 lần lượt là 1,68%; 1,34% và năm 2015 đều chiếm tỷ lệ là 2,04%. Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế từ năm 2016 (bắt đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII). Do vậy, khung chính sách, pháp luật về tín dụng và hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV đã và đang từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển trong tiếp cận nguồn vốn vay. Có thể kể đến như: Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg, ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua ngày12/06/2017; Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV. Song song với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN, ngày 28/12/2018 hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vay vốn. Cùng với việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước còn tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng – DN tại nhiều địa phương nhằm thúc đẩy nguồn vốn tín dụng hỗ trợ DNNVV phát triển sản xuất, kinh doanh. Kết quả đã được cụ thể hóa khi nguồn kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ cho DNNVV từ ngân sách nhà nước tăng nhanh từ 2,04% năm 2015 lên 41,38% năm 2016 và 44,45% năm 2022. Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ vốn tự có của DN cho đổi mới công nghệ đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, cụ thể năm 2016 chiếm 51,72%, năm 2022 là 52,78%, trong khi đó nguồn kinh phí từ liên doanh và nguồn khác là không còn từ năm 2016 (Bảng 2).

Bảng 2: Nguồn kinh phí cho đổi mới công nghệ của DNNVV giai đoạn 2012-2022

Đơn vị: %

Năm

Ngân sách nhà nước

Vốn tự có

Vay tín dụng

Liên doanh

Khác

Cộng

2012

1,68

79,87

16,11

1,34

1,00

100

2013

2,13

84,04

12,41

0,71

0,71

100

2014

2,47

84,57

11,73

0,62

0,62

100

2015

2,04

83,67

12,24

2,04

0

100

2016

41,38

51,72

6,9

0

0

100

2017

44,00

49,85

6,15

0

0

100

2018

50,00

45,83

4,17

0

0

100

2019

42,42

51,1

6,48

0

0

100

2022

44,45

52,78

2,77

0

0

100

Nguồn: Tính toán của tác giả

Như vậy, mặc dù các DNNVV ở vùng KTTĐPN đã có sự quan tâm đến đổi mới công nghệ trong DN nhằm nâng cao năng suất lao động, tuy nhiên, năng lực đổi mới công nghệ của DNNVV ở vùng KTTĐPN còn hạn chế, do phải đối mặt với những trở lực, nhất là công nghệ đã đầu tư với giá trị lớn nhưng lạc hậu khi chưa thu hồi vốn, kiến thức và kỹ năng của lao động chưa thích ứng với bối cảnh mới.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ CHO DNNVV Ở VÙNG KTTĐPN

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy đổi mới công nghệ cho DNNVV

Cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ DNNVV đánh giá, định giá công nghệ để phục vụ cho việc thu hút, nhập và chuyển công nghệ, đặc biệt, trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của Vùng. Song song với đó, cần cải thiện thể chế nhằm tăng cường liên kết công nghệ giữa DNNVV trong Vùng với khách hàng/nhà cung cấp trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận công nghệ hiện đại, cải thiện trình độ công nghệ của DNNVV. Đồng thời, đẩy mạnh khu vực dịch vụ hiện đại, một đầu vào quan trọng cho ngành chế biến, chế tạo và cải thiện kết nối giữa các trung tâm chuỗi cung ứng ở vùng KTTĐPN với các đối tác thương mại bên ngoài; Tạo mối liên hệ giữa các DN lớn và DN nhỏ, DN trong nước và DN nước ngoài. Cần xác định các mối liên kết công nghệ giữa các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường thực chất cũng vẫn là mối quan hệ bạn hàng, giữa người bán và người mua trên cơ sở thực thi các hợp đồng mua bán có kèm theo chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, phát triển tài chính, tín dụng để đổi mới công nghệ cho DNNVV

Nguồn vốn đầu tư cho hoạt động đổi mới, cải tiến khoa học – công nghệ chủ yếu là nguồn vốn tự có của các DNNVV, trong khi đó quy mô vốn của DN rất nhỏ. Do đó, cần thực hiện những giải pháp nhằm đa dạng hóa các kênh tài chính đầu tư cho đổi mới, cải tiến công nghệ cho DNNVV như: (i) Xây dựng và phát triển thị trường vốn hoạt động một cách hiệu quả; (ii) Hoạt động đổi mới công nghệ luôn gắn với yếu tố rủi ro, nên các kênh huy động vốn, như: tín dụng ngân hàng, vốn huy động của DN thường khó đáp ứng yêu cầu. Kinh nghiệm của các nước đi trước là cần đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là “vốn mạo hiểm” để đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo; (iii) Thực hiện theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, để tập trung khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong các dự án cải tiến và đổi mới công nghệ, giải pháp chuyển đổi xanh; Nâng cao cơ hội tiếp cận được những nguồn tài chính cho các nhóm đối tượng phụ nữ, đối tượng yếu thế trong xã hội... Thêm vào đó, cần có chính sách ưu đãi thuế đối với các DN đổi mới công nghệ, các DN trong các khu công nghệ cao thực hiện ứng dụng khoa học và công nghệ mới.

Thứ ba, phát triển nội lực của DNNVV để thúc đẩy đổi mới công nghệ

Các DNNVV cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên, lãnh đạo quản lý. Lồng ghép giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hiệu quả quản lý dòng vốn và đảm bảo an ninh tài chính của DNNVV thông qua việc nâng cao trình độ lập kế hoạch tài chính nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính, đồng thời thực hiện tốt quản trị dòng tiền, duy trì khả năng thanh toán để đảm bảo an toàn tài chính cho DN. Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp mũi nhọn ở vùng KTTĐPN thông qua việc hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư và danh mục các dự án thu hút đầu tư, nhất là các dự án có tầm quan trọng hoặc có giá trị thúc đẩy ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển.

Thứ tư, nâng cao trình độ công nghệ và đổi mới công nghệ của DNNVV thông qua thu hút nguồn vốn FDI

Chính quyền địa phương cần có những giải pháp tăng cường liên kết công nghệ giữa các DN FDI với các DNNVV trong vùng KTTĐPN. Triển khai những ưu đãi và khuyến khích các DN trong Vùng, các DN khởi nghiệp thông qua các nguồn vốn hỗ trợ; thúc đẩy liên kết công nghệ giữa các DN nhiều tiềm lực trong Vùng, có quy mô lớn với các DN FDI nhằm tăng hiệu quả hấp thụ công nghệ.

Bên cạnh đó, các DNNVV trong Vùng cần có chiến lược hợp tác, kết nối với các DN là khách hàng, nhà cung cấp nước ngoài trong việc chuyển giao công nghệ cũng như nâng cao trình độ quản lý, tay nghề cho người lao động. Các DN FDI có thể hỗ trợ các DNNVV trong Vùng bằng cách tổ chức các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho các DN, như: cử các chuyên gia đến các DN trong vùng để chia sẻ kinh nghiệm, tri thức hay đưa các công nhân đến từ các DN trong vùng đến các DN FDI để bồi dưỡng trực tiếp, nâng cao tay nghề.

Hơn thế, các DNNVV ở vùng KTTĐPN cũng cần chủ động tìm hiểu và tiếp cận các DN FDI, tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tìm kiếm phân khúc phù hợp để tham gia vào chuỗi cung ứng. Về hiệu ứng lan tỏa công nghệ, các DNNVV trong Vùng cần có sự liên kết công nghệ chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học để thúc đẩy hoạt động R&D nhằm đổi mới công nghệ cho DN. Các DNNVV trong Vùng không nên chờ đợi và phụ thuộc vào các đợt tập huấn của các DN FDI, mà nên chủ động nâng cao chất lượng của các nhà quản lý và đội ngũ lao động. Để tác động lan tỏa FDI trở nên hiệu quả, các DN trong Vùng phải có chiến lược phát triển để thích ứng với yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài, từ đó mới có thể trở thành nhà cung ứng tin cậy, đồng thời phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu mà các DN FDI đã đề ra./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Freeman, C. (2013), Economics of industrial innovation, Routledge

2. OECD (2013), Local strategies for FDI-SME linkage buiding in Kazakhstan, OECD Working Papers.

3. Schumpeter, J. A. (1934), The Theory of Economic Development, In: Cambridge, Mass, Harvard Univ, Press.

4. Tổng cục Thống kê (2013-2020), Dữ liệu điều tra Năng lực công nghệ của DN từ năm 2012 đến năm 2019.

NCS, ThS. Hà Thị Việt Thúy

Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị - Học viện Chính trị khu vực II

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)