Ngân sách đối mặt với rủi ro thu giảm, chi tăng
Áp lực giảm thu, tăng chi
Qua trực tiếp tổ chức triển khai các biện pháp về thu ngân sách nhà nước (NSNN), thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết bắt đầu xuất hiện rõ hơn các khó khăn ảnh hưởng đến thu NSNN. Điều này thể hiện qua diễn biến thu ngân sách qua các tháng gần đây có xu hướng giảm dần, đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay. Điều này khiến thu thuế, phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4/2021, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6% và tháng 7/2021 ước giảm 10,4%.
Theo góc nhìn của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp và đang lây lan nhanh tại một số tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, các khu công nghiệp sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác thu NSNN trong thời gian tới. Riêng 22 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội có số thu ngân sách chiếm khoảng 64% tổng thu ngân sách. Trong năm 2021, do liên tiếp xảy ra các đợt bùng phát dịch với diễn biến phức tạp, dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ thuế...
Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, khiến cho nhiều hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, trong đó có cho thuê mặt bằng |
Không chỉ đối diện với rủi ro giảm thu NSNN bị động như phân tích trên do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, để tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân chống chịu với dịch Covid-19, nhiều khoản thu nộp vào ngân sách đã và đang được lên kế hoạch giảm thu một cách chủ động.
Cụ thể như, thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế, tiền đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 2/8, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 67.194 tỷ đồng.
Ngoài các chính sách tài khóa đã triển khai, ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Khi gói giải pháp này được thông qua và áp dụng, dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng...
Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các giải pháp đề xuất bổ sung, thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138.000 tỷ đồng. |
Ông Hưng cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp giảm tiền thuê đất cho năm 2021. Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các giải pháp đề xuất bổ sung nêu trên, thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138.000 tỷ đồng, trong đó gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng... Số tiền thuế, tiền thuê đất, tiền chậm nộp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp có gây áp lực lên cân đối NSNN, nhưng nó sẽ có tác động lớn trong góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19...
Trong bối cảnh dồn dập các nhân tố đã và đang gây sức ép khiến gia tăng rủi ro giảm thu NSNN như vậy, thì do để đảm bảo yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19, NSNN đang phải tăng chi.
Cụ thể, bên cạnh gói gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (theo tinh thần của Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/04/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19); gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/07/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19), Bộ Tài chính cho biết, 7 tháng đầu năm nay, Trung ương đã chi 4.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua vắc-xin, các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương cũng đã chi gần 2.400 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1376/QĐ-TTg ngày 1/8/2021 bổ sung dự toán chi NSNN năm 2021 của Bộ Y tế, với số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất thuốc phục vụ phòng, chống Covid-19...
Chỉ đạo mới từ lãnh đạo Chính phủ
Để đảm bảo chủ động trong cân đối thu - chi NSNN, nhất là cho phục vụ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, theo VGP, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 5463/VPCP-KTTH gửi Bộ Tài chính. Văn bản này có nêu, để chủ động nguồn lực đáp ứng kịp thời các nhu cầu theo quy định, đặc biệt là cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của ngân sách trung ương trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ tình hình thu NSNN, diễn biến thực tiễn của dịch Covid-19 để chủ động xây dựng phương án điều hành NSNN năm 2021, bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhu cầu theo quy định, đặc biệt là cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của ngân sách trung ương trong mọi tình huống, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8/2021.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị trong ngành cần quyết tâm cao, chủ động xây dựng các kịch bản thu ngân sách; tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thu NSNN trên nền tảng số... |
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu thu NSNN đề ra cho năm nay, qua đó đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách, Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa yêu cầu ngành Thuế đôn đốc các doanh nghiệp nộp sớm các khoản cổ tức và lợi nhuận còn lại vào NSNN, đồng thời cần đẩy nhanh việc triển khai hóa đơn điện tử, qua đó, vừa đáp ứng yêu cầu của luật pháp, của thực tiễn, đồng thời chống được hóa đơn giả, góp phần tăng thu cho NSNN. Song song với đó, thời gian tới, cơ quan thuế các cấp cần siết chặt quản lý việc hoàn thuế...
Cùng với tập trung quản lý, điều hành NSNN chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo nguồn lực phòng chống Covid-19, ngành Tài chính còn có kế hoạch tập trung điều hành phát triển các thị trường tài chính, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Lấy phát triển kinh tế để chống dịch hiệu quả.../.
Bình luận