Ngành Công Thương cần tập trung giải quyết những tồn đọng tại 12 dự án thua lỗ
Đánh giá trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công Thương vào sáng nay (06/01/2017).
Toàn cảnh Hội nghị ngành Công Thương ngày 06/01/2017
Kết quả từ những nỗ lực
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tình hình sản xuất của các ngành công nghiệp năm 2016 của Bộ Công Thương cho thấy, ngành điện tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so với năm 2015, giá điện được giữ ở mức ổn định. Ngành than sản xuất tiếp tục khó khăn do giá bán thấp, chi phí sản xuất tăng, các loại thuế, phí liên quan tới ngành tăng.
Ngành dầu khí tiếp tục gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2016 đạt kế hoạch đề ra, tương đương 16,66 triệu tấn dầu quy đổi. Tổng khai thác dầu trong và ngoài nước đạt 17,23 triệu tấn, vượt 1,19 triệu tấn so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, đây là mức thấp nhất của ngành dầu khí so với nhiều năm trở lại đây.
Ngành thép là một trong những ngành hiếm hoi tăng trưởng cao trong năm 2016. Tuy nhiên, vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sắt thép nội địa và tiếp tục là ngành nhập siêu lớn. Trong khi đó, sản xuất trong nhóm ngành cơ khí, đặc biệt là ngành sản xuất máy công cụ và máy nông nghiệp, tăng trưởng thấp do tiêu thụ giảm, cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2016, cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD so với 23 mặt hàng của năm 2015. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mức tăng 8,6% là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm, như: Trung Quốc,
Đặc biệt, ghi nhận sự phục hồi và đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản với nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh về lượng, như: rau quả, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê... và hoạt động xuất khẩu của khối các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước tăng trưởng dương (cùng kỳ tăng trưởng âm), do đó đã bù đắp tác động của giá xuất khẩu giảm.
Thương mại trong nước tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội so với GDP năm 2016 đạt mức 86%, cao hơn so với 77,3% của năm 2015.
Về hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua kết quả của các FTA và các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế đã tạo ra mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã giảm ở mức khá cao: Trong ATIGA đạt khoảng 93%, FTA ASEAN - Trung Quốc 84% số dòng thuế về 0%, FTA ASEAN - Hàn Quốc 78% và FTA ASEAN - Nhật Bản 62%.
Đặc biệt, Bộ đã tổ chức xây dựng tái cơ cấu lại bộ máy hoạt động của Bộ Công Thương theo hướng tinh giản và hiệu quả, theo đó, số lượng đơn vị thuộc Bộ sẽ giảm từ 35 đầu mối xuống còn 29 đầu mối. Đề xuất bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có). Khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến. Bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo để điều hành vấn đề này sát thị trường hơn.
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, những kết quả nói trên của ngành Công Thương là sự cố gắng lớn, đồng thời, Thủ tướng nhìn nhận, cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất, thuận lợi nhất là việc Bộ đã làm tốt nhất trong năm qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại như ngành khai khoáng giảm sút mạnh (gần 6%), trong đó, dầu thô giảm gần 10%. Nhiều dự án thuộc ngành công thương bị thua lỗ kéo dài. Một số chiến lược, quy hoạch chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo được động lực và hỗ trợ cần thiết để khu vực tư nhân tham gia trong phát triển công nghiệp quốc gia như chiến lược phát triển ngành cơ khí, ô tô, thép… Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa, được chú trọng một bước, nhưng nói chung còn chậm, chưa hiệu quả.
Công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, trong đó có việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc.
Phát triển công nghiệp phải giảm phụ thuộc tài nguyên
Trong năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ đưa ra 4 mục tiêu của ngành Công Thương góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 tăng 6,7%. Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đặt mục tiêu tăng 8%-9%, xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức được giao là 6%-7%, nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu được giao là 3,5% kim ngạch xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhận định, thương mại toàn cầu năm 2017 được dự báo sẽ cải thiện so với năm 2017, ở mức 3,8%, giá cả năng lượng và hàng hóa sẽ tăng trở lại và ổn định hơn. Do đó, sẽ có tác động tích cực đối với công nghiệp và thương mại Việt Nam.
Các nền kinh tế lớn được dự báo vẫn tiếp tục duy trì chính sách tài chính linh hoạt thông qua giảm thuế và tăng chi cho an sinh xã hội để kích thích tiêu dùng nội địa, do vậy có khả năng sẽ tác động gia tăng nhu cầu nhập khẩu.
Tuy nhiên, sự xung đột về địa kinh tế, địa chính trị giữa các quốc gia lớn như Nga, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc... tiếp tục góp phần gây ra sự trì trệ trong hoạt động của các tập đoàn kinh tế và các quốc gia bé hơn và do đó, gián tiếp ảnh hưởng đến đầu tư FDI, thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt nam.
Theo đánh giá của người đứng đầu ngành Công Thương, kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng từ kết quả của một số FTA đã ký và đi vào thực thi, cơ hội tiếp nhận dòng đầu tư FDI dịch chuyển ra khỏi một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá dầu và lương thực có xu hướng tăng gây sức ép lạm phát tăng trở lại. Việc ổn định tỷ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Việc tham gia cộng đồng ASEAN và việc ký kết, triển khai các hiệp định FTA mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và trong nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Đồng thời, sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Trước phương hướng của Bộ Công Thương, về tầm nhìn thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ định hướng trong năm tới, đó là Ngành cần phát triển nền công nghiệp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào lợi thế không bền vững là dựa vào tài nguyên tự nhiên, như: dầu mỏ, than đá, quặng… Thay vào đó, phải chuyển dịch từ nền công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị
Bên cạnh đó, muốn tạo ra sự thay đổi với sức cạnh tranh mạnh mẽ thì phải bắt đầu bằng việc tạo ra một môi trường để người dân và doanh nghiệp có thể làm ăn tử tế, sòng phẳng, không bị chèn ép. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ kiến tạo, trong đó có thành viên là Bộ Công Thương.
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngành Công Thương tập trung giải quyết những tồn đọng tại 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Thủ tướng khẳng định, ngân sách không có khả năng và cũng không “ném tiền” vào các dự án thua lỗ này.
Song song với đó là tiếp tục hội nhập nhanh chóng, tích cực, chủ động. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Nâng cao chất lượng quản lý thị trường. Phải có cơ chế phù hợp tổ chức lại thương mại biên giới, thương mại điện tử, tạo đột phá trong lĩnh vực này. Quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, làm sao để người Việt
Huy động mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp cổ phần hóa, hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã công thương tiêu thụ để phát triển ngành công thương Việt Nam. Nếu cái gì tư nhân làm tốt, có hiệu quả, chúng ta để tư nhân và doanh nhân làm.
Phải sử dụng, phát huy vai trò tham tán thương mại để xúc tiến có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó phải phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tái cơ cấu ngành Công Thương mạnh mẽ hơn để có một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành công thương trong sản xuất cần quan tâm bảo vệ môi trường; kết hợp mạnh mẽ nghiên cứu giữa các viện, trường, tăng hàm lượng trí tuệ, khoa học công nghệ trong các sản phẩm. /.
Bình luận