Vừa qua, dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc Hội với lộ trình dự kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 năm 2024 và thông qua vào Kỳ họp thứ 9 năm 2025, trong đó mặt hàng nước giải khát (NGK) có đường lại một lần nữa được đưa bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Tại dự thảo Luật thuế TTĐB trước đây, Bộ Tài chính đã từng đề xuất bổ sung mặt hàng nước ngọt có ga vào diện đối tượng chịu thuế TTĐB. Khi đó, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), các doanh nghiệp, chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin khoa học, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị gửi cơ quan soạn thảo và sau đó, đề xuất này đã được Ban soạn thảo bỏ ra khỏi Dự thảo Luật. Tuy nhiên, với mục tiêu nhằm cải thiện sức khỏe người dân, đề xuất này giờ đây lại được đưa vào trở lại dự thảo Luật sửa đổi.

Ngành đồ uống có đường và nỗi băn khoăn áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đề xuất trở lại đưa mặt hàng NGK có đường bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB

Cụ thể, trong Tờ trình dự thảo Luật thuế TTĐB đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất “Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.”

Làm rõ mục tiêu và cơ sở khoa học việc đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường

Như vậy, có thể thấy dường như đề xuất này xuất phát từ luận điểm cho rằng, NGK có đường là nguyên chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì (TCBP) nên cần phải áp thuế TTĐB để đẩy giá thành lên cao, từ đó hạn chế tiêu dùng. Hay nói một cách khác, đề xuất này dựa trên cơ sở mối liên hệ nhân quả rõ ràng, trực tiếp giữa việc tiêu thụ NGK có đường tại Việt Nam với tình trạng TCBP và việc bổ sung mặt hàng NGK có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB sẽ giúp “kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng TCBP”. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cơ sở khoa học để nhận diện và khẳng định liệu NGK có đường có phải là nguyên nhân chính gây nên tình trạng TCBP tại Việt Nam, để từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách có những đề xuất hợp lý.

Tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Áp thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có giảm được thừa cân béo phì”, do Truyền hình Quốc hội tổ chức ngày 15/7, TS, BS. Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, với những thông tin nghiên cứu cập nhật nhất cho thấy hiện, chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh đồ uống có đường là nguyên nhân chính dẫn đến TCBP. Báo cáo của WHO về TCBP, cũng như tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì của Bộ Y tế năm 2022 (Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022) nêu rõ, TCBP bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều đến từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Các nguyên nhân hàng đầu bao gồm: (i) Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, bao gồm cả việc tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm, nhiều muối và không đủ chất xơ; (ii) Thiếu hoạt động thể chất, lười vận động.

Ngành đồ uống có đường và nỗi băn khoăn áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Các diễn giả chia sẻ thông tin và thảo luận tại Tọa đàm với chủ đề “Áp thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có giảm được thừa cân béo phì” diễn ra ngày 15/7

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan giữa TCBP với thời gian tĩnh tại, tuổi tác, trình độ học vấn, môi trường sinh sống làm việc, thời gian ngủ… Các thực phẩm có chứa đường và đồ ngọt nói chung cũng chỉ cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, trong khi đó nguồn năng lượng chiếm nhiều nhất là ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), các thực phẩm khác là (22%). NGK có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calorie duy nhất và cao nhất trong chế độ ăn uống của người Việt, nên ngoài các sản phẩm này, thì người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường và calorie với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác. Nếu so sánh về mức calories cung cấp giữa các loại thực phẩm, thì lượng calo cung cấp từ nước giải khát có đường chỉ khoảng 44 kcal/100g, là thấp nhất trong các loại thực phẩm chứa đường.

Ngoài ra, TS, BS. Nguyễn Thị Lâm cũng lưu ý trường hợp trẻ em TCBP nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phổ biến là sự mất cân đối trong chế độ dinh dưỡng. Điều này khiến cơ thể trẻ thừa năng lượng, tăng cân, nhưng chủ yếu tăng mỡ, thiếu cơ, thiếu máu, thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu, còi xương, dẫn đến suy dinh dưỡng thể ẩn do nhóm trẻ này thường rất ít vận động.

Đối với tình trạng TCBP của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, nghiên cứu SEANUTS do Viện Dinh dưỡng quốc gia tham gia thực hiện năm 2011 đã chỉ ra rằng, tỷ lệ trẻ em từ 6-11 tuổi ở khu vực thành thị đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực chỉ là 32,5%, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 59,9%. Thời gian tĩnh tại trong ngày của lứa tuổi học sinh chủ yếu là dành cho mạng xã hội (95,9%); game, máy tính, điện thoại (76,3%); làm máy tính (60,2%).

“Người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em có thói quen tiêu dùng nhiều loại sản phẩm có đường khác từ những thực phẩm bao gói sẵn như: bánh, kẹo, sữa, đồ uống từ ngũ cốc và rất nhiều các loại đồ uống từ đường phố như các loại trà sữa, cà phê, nước trái cây có thêm đường, nên việc xác định sản phẩm nào, mặt hàng nào trong nhóm các sản phẩm có chứa đường là nguyên nhân chính gây nên TCBP là rất khó. Nếu chỉ áp dụng thuế TTĐB đối với NGK có đường là một trong nhóm những đồ uống có đường, thì mục tiêu giảm tỷ lệ TCBP khó có thể thực hiện, trong khi lại đặt ra vấn đề liệu nguyên tắc công bằng trong việc ban hành chính sách thuế, thì có được đảm bảo?. Một vấn đề khác cần lưu ý là nhu cầu và thói quen sử dụng đồ uống có đường của người tiêu dùng trong bối cảnh trên thị trường hiện nay có đa dạng các đồ uống có đường khác được sản xuất công nghiệp hay thủ công, được kết hợp “combo” với các món ăn, thay đổi liên tục theo xu hướng phù hợp và thu hút giới trẻ, thì liệu việc chỉ đánh thuế đối với NGK có đường được sản xuất công nghiệp có thực sự đạt mục tiêu giảm tình trạng TCBP vẫn là câu hỏi để ngỏ”, TS, BS. Nguyễn Thị Lâm nêu vấn đề.

Ngành đồ uống có đường và nỗi băn khoăn áp thuế tiêu thụ đặc biệt
TS, BS. Nguyễn Thị Lâm nêu dẫn chứng thực tế kinh nghiệm việc đánh thuế TTĐB với các loại NGK có đường tại một số nước cho thấy chưa mang lại hiệu quả mong muốn

TS, BS. Nguyễn Thị Lâm nêu dẫn chứng thực tế kinh nghiệm việc đánh thuế TTĐB với các loại NGK có đường tại một số nước cho thấy chưa mang lại hiệu quả mong muốn, người tiêu dùng giảm tiêu thụ lượng NGK có đường nhưng lại tìm kiếm các loại NGK cũng có đường khác. Ví dụ, ở một số nước khác như Mỹ, tại bang California, sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB với NGK có đường, thì người dân cũng tìm kiếm nước loại NGK khác. Do đó, năng lượng đưa vào từ NGK có đường chỉ giảm 6 Kcal/ngày, nhưng năng lượng từ NGK thông thường khác thì tăng lên 35 Kcal một ngày. “Như vậy có thế thấy rằng, giải pháp áp dụng thuế TTĐB không hiệu quả, trong khi áp dụng thuế TTĐB thì giá thành sản phẩm tăng khiến người tiêu dùng sẽ tìm kiếm các loại NGK khác như: trà có đường, hoặc các nước ngọt hoa quả từ đường phố, nhất là trẻ em, học sinh các cháu tiêu thụ nhiều và giá thành rẻ hơn”, bà Lâm phân tích.

Xem xét tính công bằng và hiệu quả trong nguyên tắc đánh thuế

Nhìn nhận trên góc độ nguyên tắc chính sách đánh thuế, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt vấn đề về tính công bằng trong nguyên tắc đánh thuế khi phân tích đề xuất của Bộ Tài chính chỉ bổ sung nước giải khát theo TCVN, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. “Khi chúng ta áp dụng và căn cứ vào TCVN như vậy, thì đôi khi lại vừa thừa và vừa thiếu, chúng ta không đảm bảo được sự công bằng”, bà Thảo băn khoăn.

Ngành đồ uống có đường và nỗi băn khoăn áp thuế tiêu thụ đặc biệt
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM đặt vấn đề về tính công bằng trong nguyên tắc đánh thuế

Cùng quan điểm này, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA chia sẻ: “Việc áp thuế TTĐB với các sản phẩm NGK theo tiêu chuẩn TCVN không đảm bảo được hiệu quả đối với chính sách. Khi mà các sản phẩm khác, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác chứa lượng đường nhiều hơn thì lại chưa được tính toán để đưa vào chịu thuế TTĐB, dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của Nhà nước. Đồng thời khó đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân, cũng như giúp tăng thu ngân sách”.

Theo đại diện VBA, hiện nay, tình trạng tiêu thụ NGK được sản xuất thủ công, không được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm khá phổ biến, được biệt là NGK bán theo thức ăn đường phố. Do đó, chính sách đánh thuế TTĐB chỉ áp dụng đối với NGK có đường sẽ tạo gánh nặng tuân thủ lên các doanh nghiệp sản xuất chính thống, trong khi có thể tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất phi chính thức; nhập lậu, làm giả, làm nhái; sản xuất sản phẩm kém chất lượng ngày càng phát triển, bởi các doanh nghiệp trong khu vực không chính thức này sẽ có động lực tránh thuế lẫn sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, không những sức khỏe của người tiêu dùng cuối cùng không được bảo vệ như mong đợi so với mục tiêu đề ra là “ngăn ngừa và giảm tình trạng TCBP”, mà còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Một khía cạnh khác là với tình trạng này, việc hành thu cũng như các mục đích về ngân sách của chính sách thuế TTĐB lại không đạt được.

Mặt khác, ông Đỗ Thái Vương cũng hết sức lưu ý khi xem xét áp thuế mặt hàng NGK có đường, việc tham khảo các số liệu, kinh nghiệm quốc tế đối với mặt hàng này rất quan trọng. Với các số liệu thông tin cụ thể từ viêc so sánh tiêu thụ tại Việt Nam và các nước trên thế giới hiện nay, mức tiêu thụ NGK, đặc biệt biệt là NGK có đường ở Việt Nam không phải là cao so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hơn thế nữa, với những điều kiện kinh tế, vùng miền, thể trạng, nhu cầu dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt… của người dân Việt Nam khác nhiều so với các quốc gia trên thế giới, nên việc chỉ căn cứ vào mức tiêu thụ NGK có đường là cao hay thấp để điều chỉnh bằng cách áp thuế để thay đổi hành vi của người tiêu dùng có thực sự phù hợp và hiệu quả hay không đang là câu hỏi lớn chưa có lời giải thuyết phục đối với các nhà hoạch định chính sách hiện nay.

Ngành đồ uống có đường và nỗi băn khoăn áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA cho rằng, việc áp thuế TTĐB vào cho các sản phẩm NGK theo tiêu chuẩn TCVN không đảm bảo được hiệu quả đối với chính sách

“Dinh dưỡng hợp lý, khoa học kết hợp với hoạt động thể chất là một trong những cách thức để nâng cao sức khỏe, mà cơ quan và chuyên gia y tế luôn khuyến nghị người dân thực hiện. Việc can thiệp bằng chính sách hạn chế tiêu dùng, áp thuế cao cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo và cần tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các quốc gia đã áp dụng nhưng sau đó không cho thấy hiệu quả như mong đợi, thậm chí còn ngược lại nên đã bãi bỏ. Thực tiễn một số nước sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường lại có tỷ lệ TCBP không giảm mà lại tăng qua các năm. Như Chile có thời điểm áp dụng vào năm 2014, giai đoạn 2009 - 2010, tỷ lệ béo phì ở nam và nữ giới lần lượt là 19,2% và 30,7%. Sau khi áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt, đến giai đoạn 2016 - 2017, tỷ lệ béo phì ở cả nam và nữ giới Chile đều tăng, lần lượt là 30,3% và 38,4%”, ông Đỗ Thái Vương dẫn chứng.

Đại diện VBA cho rằng, một chính sách mới, đặc biệt là thuế, trước khi đề xuất áp dụng cần có nghiên cứu và đánh giá toàn diện, cũng như lấy ý kiến từ các bên liên quan. Việc áp thuế TTĐB cho đồ uống có đường vào thời điểm này là chưa thích hợp. “Có thể thấy xét về khía cạnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cũng như đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Việc áp thuế TTĐB sẽ tạo ra tác động tiêu cực lên nền kinh tế lớn hơn nhiều lợi ích có thể đạt được, đặc biệt còn không cho thấy hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề TCBP, nhằm đạt mục tiêu về sức khỏe cho cộng đồng. Khi chưa có đầy đủ các cơ sở khoa học, thực tiễn, các báo cáo đánh giá tác động toàn diện để áp thuế NGK có đường, cần có những giải pháp phù hợp có thể giúp ngăn ngừa và giảm tình trạng TCBP ở Việt Nam hiện nay thay vì áp thuế đối với mặt hàng này. Vấn đề mấu chốt ở đây là chúng ta cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, để họ có ý thức dung nạp kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể hợp lý so với calo tiêu hao”, ông Đỗ Thái Vương khuyến nghị.

Lo ngại tác động domino

Nhìn toàn cảnh, theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia và doanh nghiệp, việc áp thuế TTĐB lên đồ uống có đường và NGK sẽ tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này, ngăn trở đà phục hồi và tăng trưởng của ngành, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực lan tỏa đến nền kinh tế, xã hội trong bối cảnh kinh tế nước ta đang khó khăn, chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo đánh giá của VBA, ngành sản xuất NGK nếu phải chịu thuế TTĐB sẽ tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh và kinh tế xã hội. Xét đến tình hình hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đang phải gắng sức để vượt qua các khó khăn, lấy lại đà phát triển. Lạm phát tuy hạ nhiệt, nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng... ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu.

Tại thị trường Việt Nam hiện nay, có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát (2021), nhưng đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ, nên có đến 52% doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, 10% hiện đại, chỉ có 2% dùng công nghệ cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt thiếu liên kết, chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do (FTAs)... Những yếu kém này đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngoại lấn sân vào thị trường Việt Nam chiếm thị phần. Hiện nay, các thương hiệu lớn về nước giải khát trên thị trường thuộc về các "ông lớn", như: Pepsi, Coca Cola, Tân Hiệp Phát… Về đóng góp cho xã hội, ước tính, ngành NGK đã tạo ra hơn 300.000 lao động trực tiếp cùng hàng triệu việc làm gián tiếp, đóng góp tích cực vào các chương trình trách nhiệm xã hội, như cung cấp nước uống sạch, nâng cao năng lực phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Minh Thảo cho biết, CIEM đang thực hiện một số nghiên cứu liên quan tới dự thảo về thuế TTĐB, trong đó có lĩnh vực về sản phẩm NGK có đường. “Chúng tôi đang nghiên cứu đánh thuế như vậy, thì tác động như thế nào đến nguồn thu ngân sách, đến lao động, đến thu nhập, cũng như tăng trưởng của nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu sơ bộ dựa theo số liệu thống kê năm 2022 mà CIEM đang tính toán cho thấy, nguồn thu ngân sách không tăng mà ngược lại, thậm chí còn giảm. Bởi khi chúng ta đánh thuế đối với NGK có đường, thì có tác động lan tỏa tới cả các ngành hàng khác nữa. Các ngành cung cấp đầu vào và các ngành tác động trong chuỗi sản xuất, phân phối của ngành NGK ước tính bao gồm 25 nhóm ngành hàng. Do vậy, nếu áp thuế TTĐB lên NGK có đường là 10%, thì ước tính GDP sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm, đây là mức độ tác động rất lớn tới nền kinh tế”, bà Thảo cho hay.

Cũng theo nghiên cứu của CIEM trước đó, ngành NGK có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị dẫn tới ảnh hưởng với quy mô gấp 6-9 lần, ảnh hưởng đến 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm, gây tác động đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Theo đó, việc đánh thuế NGK có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

Đặc biệt, bà Thảo cũng chỉ ra rằng, cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật thuế TTĐB, Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) đang đề xuất chuyển nhóm mặt hàng "đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn" từ nhóm đang áp dụng mức thuế suất GTGT 5% sang nhóm áp dụng thuế suất GTGT 10%. Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp đang đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế TTĐB. Nếu các luật này được thông qua theo lộ trình như Bộ Tài chính đề xuất, thì các doanh nghiệp NGK sẽ cùng lúc chịu thêm các sức ép từ việc tăng chi phí nguyên liệu sản xuất do giá đường tăng, thuế TTĐB.

Ngành đồ uống có đường và nỗi băn khoăn áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia và đại diện VBA cũng các doanh nghiệp, việc áp thuế TTĐB lên đồ uống có đường và NGK sẽ tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này

Mặt khác, nhìn nhận trên góc độ tác động hiệu ứng đối với xã hội, các chuyên gia cho rằng, khi xem xét và đánh giá các tác động, có thể thấy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng NGK có đường sẽ phải chịu tác động trực tiếp. Thuế TTĐB làm tăng giá thành của sản phẩm, từ đó dẫn đến giá bán cao hơn đối với người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến giảm doanh thu, giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mức đóng góp của ngành đối với ngân sách hằng năm. Chính sách thuế có thể làm thay đổi cấu trúc chi phí trong chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng; giảm thu nhập của người lao động, nguy cơ mất việc làm gây hệ lụy đến xã hội. Nếu doanh thu giảm, các doanh nghiệp có thể cần điều chỉnh quy mô sản xuất, giảm lao động trong ngành.

Trong bối cảnh này, TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, khi chưa có một nghiên cứu tổng thể và toàn diện nào về việc mức độ thừa cân béo phì là do NGK có đường, thì rất cần có nghiên cứu sâu hơn để đưa ra sắc thuế phù hợp và có tính thuyết phục về việc TCBP là do NGK có đường, lúc đó mới có cơ sở để áp thuế cho mặt hàng đó.

Theo ông Vương, việc đánh giá các tác động mang tính lan tỏa, hiệu ứng “domino” cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng, trong đó, Việt Nam cũng cần cân nhắc về môi trường kinh doanh thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi mà trong thời gian qua, các doanh nghiệp nước ngoài đã tích cực đầu tư vào ngành đồ uống Việt Nam thông qua cả hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Các doanh nghiệp này cần một trường chính sách ổn định. Việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường có thể khiến các nhà đầu tư e ngại, giảm đầu tư vào ngành đồ uống và các ngành công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng. Cần hết sức lưu ý xem xét tác động tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bởi các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư cần một một trường chính sách ổn định./.