Hệ thống nghẽn, có bất minh, bất công bằng?

Theo ý kiến từ những người trong cuộc chia sẻ sáng ngày 24/6 tại buổi Toạ đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và Giải pháp", do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức, thì tình trạng nghẽn lệnh xảy ra là do hệ thống quá tải.

Chủ tịch Trần Văn Dũng: Dự kiến đầu tháng 7 tới sẽ gỡ nghẽn lệnh trên HOSE
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm: Ảnh: Duy Thái

“Hệ thống giao dịch của HOSE có khả năng xử lý tối đa 900.000 lệnh/phiên giao dịch, nhưng thời gian qua số lượng lệnh tăng quá mức so với khả năng đáp ứng của hệ thống, nên dẫn đến nghẽn lệnh...”, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE lý giải.

Có phiên giá trị giao dịch chỉ 10.000 tỷ đồng mà hệ thống đã nghẽn, nhưng có phiên đạt giá trị giao dịch tới 30.000 tỷ đồng nhưng lại không xảy ra nghẽn, ở đây có gì bất minh không? Ông Trà cho hay, nguyên lý thiết kế của hệ thống giao dịch là đáp ứng số lượng về lệnh giao dịch trong một ngày, một thời gian cụ thể, chứ không phải tính theo giá trị giao dịch. Có nghĩa là giá trị giao dịch là một con số khác, nên một khi số lượng lệnh giao dịch vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống thì dẫn đến nghẽn.

Giải đáp bức xúc của nhà đầu tư về có hay không sự không công bằng khi hệ thống HOSE nghẽn lệnh, nhưng có hệ thống của công ty chứng khoán (CTCK) bị nghẽn theo, nhưng có hệ thống của CTCK khác lại không bị nghẽn, ông Trà cho biết, tổng số lượng lệnh mà hệ thống của HOSE có thể đáp ứng được phân bổ cho các CTCK. Một khi CTCK sử dụng hết số lượng lệnh được phân bổ mà số lượng lệnh “đổ” vào HOSE vẫn gia tăng mạnh, thì dẫn tới bị nghẽn. Còn những CTCK chưa sử dụng hết số lượng lệnh được phân bổ, thì hệ thống không bị nghẽn...

Chia sẻ góc nhìn sâu hơn về mặt kỹ thuật, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), cho biết, như ông Trà chia sẻ, hệ thống giao dịch của HOSE có giới hạn tổng số lượng giao dịch trong ngày là 900.000 lệnh, nhưng thực tế cho thấy, thời gian qua số lượng lệnh tăng đột biến vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh. Thời gian qua, TOP 20 CTCK có số lượng lệnh tăng gấp 3 lần, cá biệt có công ty tăng tới 13-18 lần so với mức bình thường. Không có khả năng trục lợi khi xảy ra tình trạng nghẽn lệnh...

Chủ tịch Trần Văn Dũng: Dự kiến đầu tháng 7 tới sẽ gỡ nghẽn lệnh trên HOSE

Ông Dương Dũng Triều khẳng định, về góc độ kỹ thuật, không thể có khả năng trục lợi khi xảy ra tình trạng nghẽn lệnh trên TTCK.

Ở một góc nhìn bao trùm, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), chia sẻ, tình trạng nghẽn lệnh liên quan đến quá trình từ nhận thức đến hành động trong xây dựng, phát triển thị trường. Việc bắt tay xây dựng hệ thống giao dịch cho thị trường bắt đầu từ năm 2000.

“Lúc đó, cá nhân tôi cũng như các nhà kinh tế, nhà khoa học có thể hiểu biết khá nhiều về thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng một hệ thống giao dịch cho thị trường bao gồm những cấu phần gì, vận hành ra sao, thì ở Việt Nam thời điểm đó hầu như không ai biết. Thế nhưng, xuất phát từ yêu cầu cao, tính cầu toàn của cơ quan quản lý là muốn xây dựng hệ thống giao dịch hiện đại, đồng bộ, nhưng do nhận thức còn hạn chế, nên dẫn đến việc chuẩn bị xây dựng hệ thống cho thị trường có nhiều vấn đề. Tôi phải thừa nhận như vậy...”, ông Dũng thẳng thắn.

Ông Trần Văn Dũng cho biết, việc triển khai dự án xây dựng hệ thống giao dịch cho thị trường khá phức tạp và thiếu kinh nghiệm, nhất là dự án KRX. "Chúng tôi thừa nhận trong việc chậm trễ xây dựng hệ thống cho thị trường có rất nhiều nguyên nhân khách và chủ quan, cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước, HOSE. Trong quá trình triển khai dự án, có những lúc chưa thực sự quyết liệt, nên có sự chậm trễ...", ông nói.

Cũng theo người đứng đầu UBCKNN, năm 2000 khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định xây dựng dự án hệ thống giao dịch cho thị trường, thì chúng ta chưa triển khai ngay vì một mặt lúc đó chưa ai biết xây dựng hệ thống ra sao, mặt khác Thái Lan giúp chuyển giao hệ thống cho Việt Nam. Điều này dẫn đến tâm lý chậm triển khai xây dựng hệ thống, vì lúc đó thị trường mới có mấy cổ phiếu giao dịch. Việc chậm này có liên quan đến tiến hành các bước đi để xây dựng hệ thống hiện đại.

Thực tế cơ quan quản lý đã 2 lần thuê tư vấn nước ngoài về xây dựng mô hình TTCK và lập hồ sơ mời thầu cho hệ thống. Việc này mất khá nhiều thời gian. Sau khi chốt bài toán thực hiện dự án, thì ban đầu chỉ là triển khai cho hệ thống của HOSE, nhưng khi thực hiện thì phát sinh nhu cầu dự án cần giải quyết bài toán tổng thể hệ thống cho toàn TTCK, bao gồm hệ thống giao dịch cho cả HOSE, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm lưu ký (VSD)... Quá trình đó rất khó khăn. Vào năm 2008-2009, chúng ta ký hợp tác với Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan để bảo trì hệ thống cho HOSE. Sau đó hệ thống chạy trơn chu, nên có tâm lý chưa quyết liệt xây dựng hệ thống mới.

“Có tình huống không may là khi chúng ta ký thỏa thuận triển khai hệ thống giao dịch với Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, thì một nhà thầu phụ rất quan trọng phía Hàn Quốc thực hiện về cấu phần bù trừ, thanh toán lưu ký không tham gia dự án nữa, nên mất rất nhiều thời gian tìm đối tác thay thế. Khi hệ thống lắp đặt xong phần cứng và mềm, chuẩn bị kiểm thử, thì Covid-19 xảy ra, nên dẫn đến việc triển khai dự án KRX chậm...”, ông Dũng nói.

Nỗi niềm môi giới...

“Chưa năm nào làm môi giới mà chúng tôi bị nhà đầu tư mắng nhiều như 2 năm qua. Tình trạng nghẽn lệnh gây ra rất bất tiện cho nhà đầu tư, bởi giao dịch mua bán không theo ý của họ mỗi khi xảy ra tình trạng nghẽn lệnh. Mong cơ quan quản lý hiểu được bức xúc của nhà đầu tư để xử lý...”, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc CTCK SHS chia sẻ.

Nghẽn lệnh sàn HOSE: Giải tỏa nghi vấn trước thềm "Kế hoạch 100 ngày" hoàn tất
"Chưa năm nào làm môi giới mà chúng tôi bị nhà đầu tư mắng nhiều như 2 năm qua...", ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc SHS chia sẻ

Trong bối cảnh đó, đại diện SHS cho hay, Công ty không có giải pháp nào giải quyết triệt để bức xúc của nhà đầu tư cho đến trước khi hệ thống do FPT triển khai và dự án KRX hoàn tất đưa vào giao dịch. Chúng tôi đành chia sẻ để nhà đầu tư chấp nhận “sống chung với lũ”, phải thích nghi với tình trạng nghẽn lệnh. Công ty tư vấn cho nhà đầu tư đầu tư vào những cổ phiếu tốt, nắm giữ dài để ít phải giao dịch...

Đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư tổ chức lớn nhất trên TTCK Việt Nam, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách danh mục đầu tư của Công ty Dragon Capital cho hay, hệ thống không thông suốt thì nhà đầu tư bức xúc, cơ quan quản lý rất áp lực và đã cố gắng giải quyết. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận về bối cảnh và quá trình phát triển của thị trường. 21 năm qua, TTCK Việt Nam phát triển vượt bậc, khi đến nay quy mô thị trường đạt khoảng 280 tỷ USD. CTCK thậm chí còn giao dịch bằng robot. Số tài khoản nhà đầu tư mở mới trong 18 tháng qua bằng gần 20 năm trước cộng lại. Trong đó, chủ yếu là gia tăng nhà đầu tư nhỏ tham gia thị trường, nên làm gia tăng mạnh số lệnh giao dịch, dẫn đến nghẽn lệnh từ cuối năm 2020 đến nay. Lúc bắt đầu nghẽn lệnh, giá trị giao dịch trên HOSE khoảng 14.000-15.000 tỷ đồng/phiên, nay có lúc tăng lên tới 24.000-25.000 tỷ đồng/phiên.

"Hệ thống bị trục trặc hơn 6 tháng, nhưng các bên có trách nhiệm vẫn nỗ lực vận hành thị trường và đáp ứng tương đối nhu cầu của nhà đầu tư trong khi chờ hệ thống mới do FPT IS triển khai trong khoảng thời gian rất nhanh là 100 ngày...", ông Điền nói.

Thể hiện tiếng nói của nhà đầu tư cá nhân, ông Trần Tiến Dũng (Hà Nội) cho rằng, tình trạng nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư phản ứng, nên gây áp lực lên UBCKNN và HOSE...

Chủ tịch Trần Văn Dũng: Dự kiến đầu tháng 7 tới sẽ gỡ nghẽn lệnh trên HOSE
Ảnh: NDH

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của CTCK SSI cho rằng, 21 năm chúng ta làm được nhiều, nhưng để xảy ra nghẽn lệnh, thì dù với bất cứ lý do gì chúng ta vẫn nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi. Họ trả phí cho CTCK, HOSE, nên phải được nhận dịch vụ đầy đủ theo đúng cam kết. Lãnh đạo HOSE và UBCKNN cần có lời xin lỗi chính thức nhà đầu tư và mong họ thấu hiểu.

“Vì bất kỳ lý do gì, để xảy ra nghẽn lệnh, HOSE phải nhận trách nhiệm và phần lỗi của mình. Trong vòng 21 năm qua, HOSE luôn cố gắng nỗ lực cao nhất để thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, qua đó ngày một hoạt động chuyên nghiệp hơn...”, ông Trà nói.

Về phần UBCK, ông Dũng thẳng thắn, chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi, mà nợ nhiều lời xin lỗi, nhưng chúng tôi đang rất nỗ lực để tìm ra giải pháp khắc phục. Chúng tôi mong nhà đầu tư thông cảm.

“Tôi cũng xin lỗi các nhà khoa học, nhà kinh tế gửi nhiều email đề xuất giải pháp khắc phục nghẽn lệnh, nhưng không có thời gian nên không thể trả lời hết, do phải tập trung cho xử lý hệ thống...”, ông Dũng nói.

Nghẽn lệnh sắp được... thông

Khi tình trạng nghẽn lệnh xảy ra, Chủ tịch UBCKNN cho biết, lãnh đạo Bộ Tài chính rất sát sao chỉ đạo UBCKNN và HOSE tìm giải pháp xử lý nhanh nhất và hiệu quả nhất. Trước đây là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện tại là Bộ trưởng Hồ Đức Phớc coi nghẽn lệnh là sự cố khẩn cấp quốc gia, nên cần phải tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực để xử lý. Bộ Tài chính chỉ đạo tất cả cơ quan trực thuộc vào cuộc như: UBCKNN, sở giao dịch chứng khoán, Vụ tài chính ngân hàng, Cục Tin học và Thống kê tài chính.

Chủ tịch Trần Văn Dũng: Dự kiến đầu tháng 7 tới sẽ gỡ nghẽn lệnh trên HOSE
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cam kết sẽ khắc phục nghẽn lệnh muộn nhất vào đầu tháng 7. Ảnh: VNE

“Bộ Tài chính nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, nên đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý sự cố nghẽn lệnh do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải làm Trưởng ban, tôi và anh Nguyễn Thành Long- Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, làm Phó ban. Chúng tôi cũng nhận được chỉ đạo từ Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính và Chính phủ là không được để thị trường ngừng nghỉ một ngày nào, phải tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư giao dịch. Đương nhiên đã bị nghẽn lệnh thì có ảnh hưởng đến nhà đầu tư...

Liên quan đến "Kế hoạch 100 ngày" khắc phục sự cố nghẽn lệnh trên HOSE, ông Dương Dũng Triều cho biết, khi FPT IS nhận trách nhiệm trước Bộ Tài chính, chúng tôi đã bàn với UBCKNN và HOSE theo hướng FPT IS sẽ mang mô hình của hệ thống giao dịch trên HNX ra chỉnh sửa cho phù hợp với quy chế giao dịch của HOSE, đáp ứng các yêu cầu vận hành của HOSE, HNX và VSD, đồng thời đáp ứng yêu cầu tích hợp với cổng kết nối của các CTCK. Chúng tôi đặt mục tiêu là hệ thống sẽ đáp ứng cho nhu cầu 3-5 triệu lệnh/ngày. Kế hoạch 100 ngày được chia thành 5 giai đoạn, từ khảo sát hiện trạng của HOSE, sửa phần mềm, đến kiểm thử với 73 CTCK...

“Đến nay kế hoạch đang đi vào giai đoạn cuối cùng là chạy giả lập với các CTCK và kiểm tra an ninh, bảo mật. Chúng tôi đang xây dựng quy trình vận hành và khắc phục sự cố cho hệ thống... Ngoài gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu 3-5 triệu lệnh/ngày, chúng tôi còn gia tăng khả năng xử lý số lượng lệnh trong 1 giây lớn hơn nhiều so với hiện tại cho hệ thống, đồng thời đề xuất bỏ cơ chế phân bổ lệnh giao dịch như hiện nay, mà để CTCK được tự động đẩy lệnh vào hệ thống của HOSE theo nhu cầu của nhà đầu tư. Hệ thống mới khi đưa vào vận hành, chúng ta sẽ làm chủ hệ thống, chủ động trong giám sát và khắc phục khi có sự cố phát sinh.”, ông Triều nói.

Nghẽn lệnh sàn HOSE: Giải tỏa nghi vấn trước thềm "Kế hoạch 100 ngày" hoàn tất
Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE

“Kế hoạch 100 ngày do FPF IS triển khai đang ở giai đoạn hoàn tất cuối cùng. Chiều 24/6, chúng tôi có buổi họp với Ban Chỉ đạo xử lý sự cố nghẽn lệnh để báo cáo với Ủy ban chứng khoán Nhà nước, với Bộ Tài chính trên cơ sở đó sẽ thực thi các bước tiếp theo...”.

Chia sẻ thông tin chi tiết hơn, ông Trần Văn Dũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời công luận là sẽ đưa hệ thống vận hành vào đầu tháng 7/2021. Qua chia sẻ của FPT IS, việc đưa một hệ thống vào giao dịch không đơn giản, đặc biệt là phải đảm bảo an ninh, an toàn, nếu có sự cố xảy ra thì phương án xử lý thế nào?

“Bởi vậy, Ban Chỉ đạo xử lý sự cố nghẽn lệnh họp chiều nay sẽ xem xét thận trọng mọi vấn đề. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng cam kết là cuối tháng 6 đầu tháng 7 tới sẽ đưa hệ thống do FPT IS triển khai vào vận hành, tuy nhiên, ngày cụ thể chưa chốt...”, ông Dũng nói.

Về phía các CTCK, tín hiệu tích cực là họ đã sẵn sàng tham gia kết nối và giao dịch với hệ thống mới của HOSE. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quyền Tổng giám đốc CTCK VNDirect (VND) cho hay: điểm thuận lợi là hệ thống do FPT IS triển khai cho HOSE đã vận hành trên HNX, nên nó có tính tương thích với hệ thống của VND. Điều này giúp Công ty không phải chuẩn bị các công việc quá phức tạp.

“Theo báo cáo của Giám đốc công nghệ của VND, thì quá trình kiểm tra hệ thống của Công ty cho thấy đã sẵn sàng đẩy 1 triệu lệnh/ngày vào HOSE. Chúng tôi đã sẵn sàng tham gia kết nối và giao dịch với hệ thống mới của HOSE...”, ông Quỳnh nói.

“Sau khi mua sắm phần cứng và triển khai hoàn thiện hệ thống, đến nay SHS đã sẵn sàng cả về công nghệ và nhân lực cho kết nối giao dịch với HOSE. Tuy nhiên, chúng tôi mong đợi HOSE, FPT IS cập nhật các tình huống rủi ro có thể phát sinh khi vận hành hệ thống mới để có phương án ứng phó hiệu quả...”, ông Thành nói./.