Nguyễn Thị Hương Sen

Trường Đại học Tài chính – Kế toán

Email: nguyenthihuongsen@tckt.edu.vn

Tóm tắt

Qua khảo sát 260 doanh nghiệp, bài viết tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả chỉ ra 8 nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất theo thứ tự tác động giảm dần là: (1) Mạng lưới doanh nghiệp tại địa phương, (2) Nguồn nhân lực, (3) Thương hiệu địa phương, (4) Môi trường sống và làm việc tại địa phương, (5) Mối quan hệ giữa cơ quan xúc tiến đầu tư và nhà đầu tư, (6) Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ tại địa phương, (7) Chính sách đầu tư và chất lượng dịch vụ công, (8) Cơ sở hạ tầng.

Từ khóa: khu kinh tế Dung Quất, thu hút đầu tư, các nhân tố ảnh hưởng

Summary

The article explores factors affecting investment attraction in Dung Quat Economic Zone, Quang Ngai province through a survey of 260 businesses. The results show eight factors affecting investment attraction into Dung Quat Economic Zone in descending order of impact: (1) Local business network, (2) Human resources, (3) Local brand, (4) Local living and working environment, (5) Relationship between investment promotion agencies and investors, (6) The development of local supporting industries, (7) Investment policy and quality of public services, (8) Infrastructure.

Keywords: Dung Quat economic zone, investment attraction, influencing factors

ĐẶT VẤN ĐỀ

Để kinh tế tăng trưởng mạnh, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế địa phương, thì vấn đề thu hút đầu tư là rất quan trọng, đặc biệt đối với tỉnh Quảng Ngãi khi sở hữu KKT Dung Quất rộng lớn là một lợi thế để thu hút đầu tư. Việc thu hút đầu tư đến với Quảng Ngãi nói chung và KKT Dung Quất nói riêng không chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của các nhà quản lý, mà phải xuất phát từ sự lựa chọn của các nhà đầu tư. Do đó, việc nghiên cứu các nhân tố có ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất là cần thiết, nhằm giúp cho các nhà quản lý tỉnh Quảng Ngãi có những biện pháp cụ thể để thu hút vốn đầu tư vào KKT Dung Quất hiệu quả hơn trong thời gian tới.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Lý thuyết về thu hút đầu tư

Lý thuyết về hành vi đầu tư của Romer (1986), Lucas (1988) cho rằng, hành vi của nhà đầu tư chịu tác động trực tiếp bởi: (i) Sự thay đổi trong nhu cầu; (ii) Lãi suất; (iii) Mức độ phát triển của hệ thống tài chính; (iv) Đầu tư công; (v) Nguồn nhân lực; (vi) Các dự án đầu tư khác trong cùng ngành hay trong các ngành có mối liên kết; (vii) Tình hình phát triển công nghệ, khả năng tiếp thu và vận dụng công nghệ; (viii) Mức độ ổn định của môi trường đầu tư; (ix) Các quy định về thủ tục và (x) Mức độ đầy đủ về thông tin.

Theo lý thuyết tiếp thị địa phương, sự hài lòng của doanh nghiệp nói lên mức độ thỏa mãn của doanh nghiệp đó khi tiến hành đầu tư vào một địa phương và chịu tác động bởi 3 yếu tố: (i) Nhóm thuộc tính về cơ sở hạ tầng; (ii) Nhóm thuộc tính về chế độ chính sách, dịch vụ đầu tư và kinh doanh; (iii) Nhóm thuộc tính về môi trường sống và làm việc (Lam và cộng sự, 2004; Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang, 2009; Đinh Phi Hổ, 2011).

Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Trên cơ sở tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước, đồng thời căn cứ vào quá trình nghiên cứu tình hình thực tế tại KKT Dung Quất, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 9 nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất là: Cơ sở hạ tầng đầu tư; Nguồn nhân lực; Chính sách đầu tư tại địa phương; Thương hiệu địa phương; Sự phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương; Môi trường sống và làm việc tại địa phương; Chất lượng dịch vụ công; Mối quan hệ giữa cơ quan xúc tiến đầu tư và nhà đầu tư; Mạng lưới doanh nghiệp tại địa phương. Mô hình nghiên cứu được trình bày tại Hình.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi

Nguồn: Tác giả đề xuất

Các giả thuyết nghiên cứu được trình bày như sau:

H1: Cơ sở hạ tầng có tác động thuận chiều đến Thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

H2: Nguồn nhân lực có tác động thuận chiều đến Thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

H3: Chính sách đầu tư tại địa phương có tác động thuận chiều đến Thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

H4: Thương hiệu địa phương có tác động thuận chiều đến Thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

H5: Môi trường sống và làm việc tại địa phương có tác động thuận chiều đến Thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

H6: Chất lượng dịch vụ công có tác động thuận chiều đến Thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

H7: Cơ quan xúc tiến đầu tư và nhà đầu tư có mối quan hệ tốt sẽ tác động thuận chiều đến Thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

H8: Mạng lưới doanh nghiệp tại địa phương dày đặc có tác động thuận chiều đến Thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

H9: Sự phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương có tác động thuận chiều đến Thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu định tính

Nghiên cứu định tính được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ các nghiên cứu trước có liên quan, kết hợp phỏng vấn các chuyên gia là những người thật sự am hiểu về các vấn đề có liên quan đến thu hút và quản lý đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, các chủ đầu tư đang thực hiện dự án đầu tư vào KKT Dung Quất. Mục đích của phân tích dữ liệu là diễn giải, giải thích rõ dữ liệu, tìm ra thông tin nhằm khám phá sâu các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất, đồng thời dựa trên quan điểm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư vào KKT Dung Quất để hoàn thiện hơn thang đo cho mô hình nghiên cứu.

Nghiên cứu định lượng

Tác giả tiến hành thu thập dữ liệu từ việc phỏng vấn 260 doanh nghiệp có vốn đầu tư vào KKT Dung Quất. Số phiếu thu về và đạt yêu cầu đưa vào phân tích là 250 (chiếm tỷ lệ 96,15%).

Trong nghiên cứu này, bảng câu hỏi khảo sát sử dụng thang đo Likert 7 điểm với 1 là Hoàn toàn không đồng ý và 7 là Hoàn toàn đồng ý. Kết quả khảo sát được phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS phiên bản 22.0. Các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu gồm: đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy đa biến để kiểm tra tác động và ý nghĩa của mỗi nhân tố đến thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đánh giá độ tin cậy của thang đo

Kết quả ở Bảng 1 cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của các biến quan sát lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng của từng nhóm nhân tố đều lớn hơn 0,3. Do đó, các biến đều được giữ lại và đảm bảo tin cậy về mặt thống kê, nên có thể sử dụng cho phân tích EFA ở bước tiếp theo.

Bảng 1: Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha

Nhân tố

Cronbach’s Alpha

Số biến quan sát

Cơ sở hạ tầng

0,896

6

Nguồn nhân lực

0,900

7

Chính sách đầu tư tại địa phương

0,915

4

Thương hiệu địa phương

0,847

4

Môi trường sống và làm việc tại địa phương

0,934

8

Chất lượng dịch vụ công

0,892

4

Mối quan hệ giữa cơ quan xúc tiến đầu tư và nhà đầu tư

0,882

5

Mạng lưới doanh nghiệp tại địa phương

0,829

5

Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ tại địa phương

0,756

3

Thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất

0,869

4

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu

Phân tích EFA

Đối với biến độc lập

Phân tích EFA đối với các biến độc lập cho biết, kiểm định Bartlett có giá trị KMO = 0,919 > 0,5, nên dữ liệu phù hợp để thực hiện phân tích EFA. Kiểm định Bartlett có Chi-square = 8848,733; df = 1.035 nên p (Chi-square, df) = 0,000 < 0,05, do vậy các biến trong mô hình có tương quan với nhau. Đồng thời, đo lường sự tương thích của dữ liệu với tất cả giá trị trên đường chéo của Anti-image Correlation trong ma trận Anti-image đều lớn hơn 0,5, nên khẳng định dữ liệu là thích hợp để phân tích EFA.

46 biến quan sát được rút trích thành 8 nhân tố có giá trị Eigenvalue ≥ 1, với phương sai trích tích lũy bằng 69,950%, thỏa mãn điều kiện phương sai tích lũy ≥ 50%.

Kết quả ma trận thành phần sau khi xoay (Rotated Component Matrix) với tất cả các chỉ báo thỏa mãn điều kiện hệ số tải nhân tố lớn hơn 0,5 và không xảy ra hiện tượng tải chéo (cross-loading).

Như vậy, sau khi tiến hành phân tích EFA, 46 biến quan sát được giữ lại và rút trích thành 8 biến độc lập: (1) “Cơ sở hạ tầng” kí hiệu HT với 6 biến quan sát, (2) “Nguồn nhân lực” kí hiệu NL với 7 biến quan sát, (3) “Thương hiệu địa phương” kí hiệu TH với 4 biến quan sát, (4) “Môi trường sống và làm việc tại địa phương” kí hiệu MT với 8 biến quan sát, (5) Chính sách đầu tư tại địa phương và Chất lượng dịch vụ công được gộp thành nhân tố mới, đặt tên là “Chính sách đầu tư và chất lượng dịch vụ công” kí hiệu CSDV với 8 biến quan sát, (6) “Mối quan hệ giữa cơ quan xúc tiến đầu tư và nhà đầu tư” kí hiệu QH với 5 biến quan sát, (7) “Mạng lưới doanh nghiệp tại địa phương” kí hiệu ML với 5 biến quan sát, (8) “Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ tại địa phương” kí hiệu CNH với 3 biến quan sát.

Đối với biến phụ thuộc

Kết quả phân tích EFA của thang đo thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất (THĐT) với 4 biến quan sát đều có hệ số KMO = 0,757> 0,5, nên dữ liệu phù hợp để thực hiện phân tích nhân tố. Giá trị Sig. = 0,000 < 0,05 nên kiểm định Barlett có ý nghĩa thống kê. Như vậy, có một nhân tố được rút trích ra với tổng phương sai trích được là 71,942% > 50%.

Phân tích hồi quy

Tác giả thực hiện hồi quy với biến phụ thuộc là THĐT và 8 biến độc lập gồm: HT, NL, TH, MT, CSDV, QH, ML, CNH. Kết quả ở Bảng 2 cho thấy, chỉ số R2 = 0,827 ≠ 0; R2 hiệu chỉnh = 0,821 có nghĩa là các biến độc lập ảnh hưởng đến 82,1% sự thay đổi của biến phụ thuộc. Giá trị Durbin-Watson của mô hình là d = 2,175 (thỏa mãn 1 < d < 3), nên không có hiện tượng tự tương quan. Kiểm định F = 144,147 cho mức ý nghĩa Sig. = 0,000, như vậy mô hình hồi quy là phù hợp.

Bảng 2: Kết quả phân tích hồi quy theo phương pháp Enter

Mô hình

Hệ số chưa chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa

t

Sig.

Thống kê đa cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Beta

Dung sai

VIF

1

(Tham số)

-2,152

,245

-8,792

,000

HT

,066

,033

,063

2,027

,044

,753

1,328

NL

,227

,040

,209

5,645

,000

,523

1,911

CSDV

,113

,037

,106

3,081

,002

,601

1,663

TH

,205

,040

,191

5,081

,000

,505

1,979

MT

,198

,040

,186

4,946

,000

,505

1,981

QH

,211

,035

,181

6,014

,000

,790

1,265

ML

,221

,034

,221

6,530

,000

,624

1,602

CNH

,144

,036

,132

4,012

,000

,662

1,511

a. Biến phụ thuộc: THĐT

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu

Phương trình hồi quy có dạng như sau:

THĐT = 0,063HT +0,209NL + 0,191TH + 0,186MT + 0,106CSDV + 0,181 QH + 0,221ML+0,132CNH

Kết quả cho thấy, các nhân tố: HT, NL, TH, MT, CSDV, QH, ML, CNH có Sig. = 0,000 < 0,05, nên có ý nghĩa thống kê. Hệ số VIF của tất cả các biến đều < 2, nên hiện tượng đa cộng tuyến không xảy ra.

Như vậy, cả 8 biến được đưa vào mô hình hồi quy bội đều có ảnh hưởng tích cực đến thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất. Trong đó, nhân tố “Mạng lưới doanh nghiệp tại địa phương” là có ảnh hưởng lớn nhất (Beta = 0,221).

KẾT LUẬN VÀ GIẢI PHÁP

Kết quả nghiên cứu chỉ ra 8 nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất theo thứ tự tác động thuận chiều từ mạnh đến yếu, cụ thể như sau: (1) Mạng lưới doanh nghiệp tại địa phương, (2) Nguồn nhân lực, (3) Thương hiệu địa phương, (4) Môi trường sống và làm việc tại địa phương, (5) Mối quan hệ giữa cơ quan xúc tiến đầu tư và nhà đầu tư, (6) Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ tại địa phương, (7) Chính sách đầu tư và chất lượng dịch vụ công, (8) Cơ sở hạ tầng.

Từ kết quả trên, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào KTT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới doanh nghiệp địa phương

- Tỉnh Quảng Ngãi cần hình thành và phát triển các cụm ngành có lợi thế, đặc biệt tập trung cho các cụm ngành hỗ trợ trực tiếp phục vụ cho ngành lọc hóa dầu; ngành cơ khí chế tạo, sản xuất dệt may, chế biến gỗ…

- Quy hoạch các ngành dịch vụ vận tải biển; phát triển mạnh các ngành dịch vụ biển gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất. Quy hoạch quỹ đất thích hợp gần cảng Dung Quất để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng, cảng cạn.

- Liên kết hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp và phân phối, tiêu thụ hàng hóa đồng bộ.

Hai là, nâng cao chất và lượng nguồn nhân lực

- Xây dựng hệ thống thông tin về nguồn nhân lực. Liên kết với một số cơ sở đào tạo đạt chuẩn quốc gia và khu vực để cung cấp nhân lực có trình độ cao phục vụ cho doanh nghiệp trong KKT Dung Quất.

- Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về ngành nghề.

- Chủ động nắm bắt kế hoạch tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhất là các dự án đang triển khai đầu tư để phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động hiệu quả.

- Cần có chính sách khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình thực tế phát sinh tại doanh nghiệp để kịp thời tham mưu giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu KKT Dung Quất

- Tổ chức các triển lãm trong và ngoài nước hoặc tham gia triển lãm để giới thiệu về môi trường đầu tư, cung cấp các lợi thế so sánh và kết quả đầu tư của KKT Dung Quất.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình quảng bá, tiếp thị… nhằm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư về việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của Tỉnh nói chung và của KKT Dung Quất nói riêng.

- Sử dụng đa dạng kênh thông tin để tăng cường tuyên truyền, quảng bá về KKT Dung Quất ra quốc tế.

Bốn là, xây dựng môi trường sống và làm việc tại địa phương an toàn, văn minh

- Đối với môi trường tự nhiên: Triển khai chương trình quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường hằng năm. Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư. Xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm trong hoạt động xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

- Đối với môi trường văn hóa xã hội: Tuyên truyền giáo dục chính trị, đạo đức, pháp luật; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các lớp tập huấn về truyền thông, giao tiếp, các buổi thảo luận.

Năm là, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư

Tỉnh cần phải xác định đúng mục tiêu, đối tượng xúc tiến đầu tư tại KKT Dung Quất. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thu hút, xúc tiến đầu tư sát với tình hình thực tế để thực hiện đạt kết quả đề ra.

Mặt khác, chủ động đề xuất cơ chế vùng trong thiết kế các chính sách thu hút đầu tư; trong kết nối, liên thông về thông tin, quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, quy trình.

Sáu là, phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương

- Khuyến khích các doanh nghiệp lớn liên kết, phối hợp với các nhà cung cấp trong nước. Xây dựng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp chuyên sâu, ưu tiên phát triển các cụm liên kết sản xuất phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, hình thành phát triển các cụm liên kết sản xuất vệ tinh.

- Phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho một số lĩnh vực mà Tỉnh có lợi thế so sánh và tiềm năng. Lập kế hoạch sử dụng đất dành cho phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên sâu.

Bảy là, nâng cao chất lượng dịch vụ công

- Nâng cao chất lượng trong việc lựa chọn các dự án đầu tư và tăng cường kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Áp dụng cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại KKT Dung Quất.

- Cải tiến mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động đầu tư theo hướng tiếp tục đơn giản hóa các hình thức và quy trình thực hiện đầu tư; công khai, minh bạch và mẫu hóa thống nhất các loại giấy tờ, thủ tục.

- Tổ chức tiếp nhận và xử lý công việc cho nhà đầu tư theo cơ chế một cửa, tại chỗ, hiệu quả và đúng pháp luật. Tăng cường đo lường, thống kê chi tiết về thời gian giải quyết công việc, xây dựng lưu đồ chi tiết cho từng công đoạn, từng bộ phận, thực hiện các đánh giá từ đối tượng phục vụ.

Tám là, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh và trong KKT Dung Quất

Cần có chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đa dạng hóa các hình thức đầu tư như khuyến khích đầu tư, kinh doanh hạ tầng theo dạng BOT. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng xã hội và dịch vụ tiện ích, đặc biệt là nhu cầu đi lại, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (2020), Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi.

2. Đinh Phi Hổ (2011), Yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, Phương pháp nghiên cứu định lượng và những nghiên cứu thực tiễn trong kinh tế phát triển - nông nghiệp, Nxb Phương Đông.

3. Hair, J.F., Anderson, R.E., Tatham, R. and Black, W. (1999), Multivariate Analysis, Prentice Hall, Madrid.

4. Lucas, R.E (1988), On the Mechanics of Economic Development, Journal of Monetary Economics, 22(1), 3-42.

5. Lam, S.Y., Shankar, V., Erramili, m.K. and Murthy, B. (2004), Customer value, satisfaction, loyalty, and switching costs: An illustration from a business to business service context, Journal of Academy of Marketing Science, 32(3), 293-311.

6. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2009), Thuộc tính địa phương và sự hài lòng của doanh nghiệp, Nghiên cứu khoa học trong quản trị kinh doanh, Nxb Thống kê.

7. Romer, P.M. (1986), Dynamic Competitive Equylibria with Externalities, Increasing Returns and Unbounded Growth, Phd Dissertation, University of Chicago.

Ngày nhận bài: 15/5/2024; Ngày phản biện: 15/6/2024; Ngày duyệt đăng: 28/6/2024