Những thương vụ đình đám

Năm 2013, Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan đã mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart.

Tiếp theo đó, giữa năm 2014, BJC cũng là đơn vị thỏa thuận mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu Euro (khoảng 880 triệu USD). Vào ngày 07/01/2016, hai bên đã chính thức hoàn tất thương vụ chuyển giao. Đây được xem là vụ mua - bán, sáp nhập quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay.

Không dừng lại ở đó, vào đầu năm 2015, Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Gần đây nhất, vào ngày 15/12/2015 vừa qua, sau khi tập đoàn Casino (Pháp) chính thức công bố sẽ bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam, các chuyên gia trong ngành bán lẻ cũng dự đoán khả năng Big C sẽ lại rơi vào tay người Thái.

Hiện các tổ chức tài chính đã định giá Big C Việt Nam có giá trị từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD. Berli Jucker thuộc TCC của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cũng lên tiếng là có quan tâm đến việc mua lại chuỗi Big C tại Việt Nam.

Nhiều khả năng điều này sẽ xảy ra vì tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi 3,5 tỷ USD mua lại Big C Thái Lan từ tay Casino Group. Đây là bước tiến quan trọng để TCC mở rộng sang kinh doanh bán lẻ. Sau khi thương vụ này được hoàn tất TCC sẽ trở thành tên tuổi sở hữu chuỗi siêu thị lớn thứ hai tại Thái Lan sau nhà bán lẻ Tesco PLC.

Vì sao lại là người Thái?

Dẫn lời ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội trên Báo điện tử Infonet cho biết, nếu như trước đây, đại gia bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam chỉ có Metro của Đức, Big C của Pháp thì khoảng 5-7 năm nay, hầu hết các tập đoàn lớn của thế giới đã có mặt ở Việt Nam. Đặc biệt, Thái Lan đang thâm nhập mạnh mẽ nhất vào thị trường bán lẻ Việt Nam qua kênh siêu thị.

Lý do được ông Phú chỉ ra là thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, có khả năng thu hút các nhà đầu tư. Nước nào cũng rất coi trọng hệ thống phân phối nội địa, nhưng Việt Nam quá chú trọng xuất khẩu, bỏ qua thị trường nội địa nên dẫn đến “xộc xệch”. Chính vì vậy, khi nhà đầu tư nước ngoài vào chỉ mất vài tháng họ có thể tìm được dự án đất đai. Trong khi đó, có một doanh nghiệp bán lẻ nội mà ông Phú biết đã phải mất 3 năm mới tìm được địa điểm kinh doanh.

Theo ông Phú, lý do Thái Lan thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ nước ta vì Thái Lan có lợi thế gần với Việt Nam. Người Thái rất hiểu người Việt Nam, hiểu được tập quán tiêu dùng của người Việt. Mặt khác, trong khi hệ thống phân phối hiện đại của Thái Lan đã bước vào giai đoạn bão hòa, thì ở Việt Nam, các hệ thống phân phối hiện đại còn ít.

“Các tập đoàn Thái Lan đã có ý đồ thâm nhập thị trường Việt Nam từ rất lâu, họ muốn đầu tư một cách bài bản, mở rộng từ sản xuất đến phân phối”, ông Phú nói.

Chính vì thế mà họ thường xuyên tổ chức hội chợ thường niên ở Việt Nam để người tiêu dùng Việt quen với hàng Thái. Hiện nay, đa số các gia đình ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều có hàng Thái, như: dụng cụ gia đình, nước rửa tay, rổ rá, dao Thái... để thấy rằng, hàng Thái đã thâm nhập vào từng gia đình Việt Nam như thế nào.

Cũng chính vì những lý do trên mà ông Phú dự đoán, 80% khả năng Tập đoàn bán lẻ Thái Lan sẽ mua lại chuỗi siêu thị Big C.

Ông Phú đánh giá, dù doanh nghiệp Thái không to, mạnh bằng Nhật, Hàn Quốc nhưng họ đi nhanh hơn, bài bản hơn. Như cách ví von của ông thì họ đang “đánh du kích” vào thị trường Việt Nam.

Không để trống thị trường nội địa

Có thể nói, làn sóng đầu tư của nhà bán lẻ nước ngoài theo hướng trực tiếp đầu tư hệ thống hay mua lại thương hiệu bán lẻ Việt đều sẽ tạo áp lực lớn hơn cho sự tồn tại của hàng Việt trong siêu thị.

Đó là bởi, mỗi nhà bán lẻ nước ngoài đều có mạng lưới cung cấp riêng tạo nên sự đặc sắc và định vị thương hiệu trên đường chinh phục thị trường thế giới. Không có lý do gì để họ tiếp tục duy trì một hệ thống sản phẩm cũ khi mua lại hay đầu tư một thương hiệu bán lẻ Việt.

Trong khi đó, bán lẻ Việt Nam chưa có chiến lược đầy đủ, cả 3 cấp nhà nước, ngành và doanh nghiệp. Vốn của siêu thị nội mới chỉ đủ 15%-20% nhu cầu kinh doanh, khó thu mua hàng hóa một cách trực tiếp của sản xuất; 60%-70% các siêu thị nội phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao; nhân lực điều hành chưa được đào tạo chuyên ngành bán lẻ; các doanh nghiệp thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm…Bên cạnh đó, công tác quy hoạch hệ thống bán lẻ nói chung và hệ thống bán lẻ hiện đại nói riêng chưa được xây dựng khoa học. Ví dụ như ngay tại Hà Nội, trên tuyến đường Thái Thịnh, chưa đầy 1km đã có tới 3 siêu thị hoạt động, kết quả là một siêu thị Hapro đóng cửa sớm.

Sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Theo các chuyên gia, dự kiến trong năm 2016 và các năm tiếp theo, mua – bán, sáp nhập vẫn còn tiếp tục sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài và của cả nhà đầu tư trong nước vào cả lĩnh vực phân phối và cả sản xuất dịch vụ.

Do đó, theo ông Vũ Vinh Phú, để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thua trên sân nhà, các doanh nghiệp cần đổi mới, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng. Các doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết hoặc bán một phần vốn có các doanh nghiệp nước ngoài cần tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị doanh nghiệp, nắm bắt những kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài để từng bước phát triển không đánh mất thương hiệu.

Trao đổi nhanh với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo về những thách thức đặt ra cho thị trường bán lẻ nội địa, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để đối mặt với nguy cơ rời kệ hàng siêu thị ngày càng lớn trước áp lực hội nhập, mở cửa, không có cách nào khác là ngoài con đường hàng Việt phải nâng cao sức cạnh tranh cả về giá cả lẫn chất lượng.

Bên cạnh đó, hàng Việt cũng nên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nông thôn khi các siêu thị bình dân đang hình thành, tận dụng lợi thế trên sân nhà và các chính sách phát triển thị trường nội địa mà Bộ Công Thương đang triển khải để củng cố hệ thống phân phối, cũng như mở rộng thị phần./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://infonet.vn/thau-tom-thi-truong-ban-le-viet-nam-tai-sao-luon-la-nguoi-thai-post189549.info

http://baodautu.vn/sau-khi-thau-tom-big-c-thai-lan-ty-phu-thai-se-mua-tiep-big-c-viet-nam-d39600.html

http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/hang-viet-truoc-su-tan-cong-o-at-cua-cac-dai-gia-ngoai-a132482.html