Nguồn gốc về lễ hội Nàng Hai tại Cao Bằng
Lễ hội Nàng Hai từ lâu đã trở thành một di sản vô giá |
Nhà Mạc sau khi thất thủ ở Thăng Long, theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rút lui về cố thủ ở Cao Bằng trong 85 năm (1592- 1677).
Năm Đinh Tỵ (1677), Vua Lê Hy Tông và Chúa Trịnh Tạc giao cho tướng Đinh Văn Tả làm tướng tiên phong đem quân lên đánh Nhà Mạc, lập được nhiều chiến công. Năm Mậu Ngọ (1668), ông được thăng chức Thái Bảo - Tả Đô đốc - Thống lĩnh quân đội mở cuộc tổng tiến công vào đại bản doanh nhà Mạc ở thành Nà Lữ - Cao Bình. Nhiều trận kịch chiến đã diễn ra ác liệt. Chiến tuyến sông Mãng bị phá vỡ. Quân Lê - Trịnh đã đánh chiếm được vương phủ nhà Mạc.
Vua Mạc Kính Vũ (1638- 1677) cùng quần thần chạy lên vùng núi đá Lũng Phầy - Phúc Tăng, cố thủ nhưng bị quân Lê vây bắt. Hoàng hậu và Công chúa thứ hai và thứ ba không chịu đầu hàng, đã gieo mình xuống sông Dẻ Rào để giữ gìn khí tiết. Nhà Vua thoát khỏi vòng vây, chạy về thành Phục Hòa là thành lũy cuối cùng để tập hợp lại lực lượng.
Khi ấy, Công chúa cả Mạc Thị Tuyết Lan, thường gọi là Tiên Giao mới 13 tuổi, được bà Nhũ mẫu đưa chạy về quê bà ở vùng hồ Ba Bể, Chợ Rã (Bắc Cạn), sống cùng người con gái của mình cũng tuổi 13. Bốn năm sau, Công chúa nghe tin Cha Mạc Kính Vũ chưa chết và đang ở thành Phục Hòa. Hai chị em rủ nhau trốn về Phục Hòa. Sau nhiều ngày lặn lội tìm đường, chịu đói, chịu rét, họ mới đến được bờ sông Bằng ở Phiêng Lâu. Tại đây, hai chị em bị quân Lê -Trịnh bắt. Lúc ấy, Đô đốc Tướng quân Đinh Văn Tả đang thị sát đồn tiền tiêu, nghe tiếng ồn ào ra xem thấy đám lính đang vây quanh hai cô gái trẻ xinh đẹp. Một cô mặt tái mét, mắt nhắm nghiền, nằm sõng soài trên vệ cỏ. Cô kia đang hoảng hốt lay gọi, kêu cứu. Đô đốc ra lệnh khiêng cô gái vào trong lán cứu chữa. Đến chiều cô gái tỉnh lại, trình bày với Tướng quân rằng, hai cô là hai chị em, bố mẹ đã mất, ở với người họ hàng. Họ định gả bán hai cô. Vì không ưng, hai cô đã bỏ trốn, đi đường bị đói nhiều bữa, một cô say vì ăn phải quả rừng, nay cũng chẳng biết nên đi về đâu. Họ xin được tạ ơn cứu mạng và xin được ở lại hầu Quan Đô đốc. Động lòng trắc ẩn, Đinh tướng quân đã nhận hai cô làm thị nữ.
Lại nói về năm 1677, sau khi đánh tan quân nhà Mạc ở Nà Lữ - Cao Bình, đội quân của tướng Đinh Văn Tả được Vua Lê ra lệnh ở lại Cao Bằng để tiếp tục truy quét tàn quân Mạc và vận động nhân dân theo về với nhà Lê. Quân Mạc còn chiếm giữ thành Phục Hòa thêm 8 năm nữa (1677-1685). Tướng Đinh Văn Tả đóng quân ở Tổng Lao, sau gọi là xã Tiên Giao, tên công chúa Mạc (nay là xã Tiên Thành) ở bên hữu ngạn sông Bằng, còn quân Mạc ở bên tả ngạn - nơi có thành Phục Hòa làm căn cứ chính.
Công chúa Tiên Giao và người bạn được làm thị nữ, hầu hạ Tướng quân Đinh Văn Tả. Cả hai cô chẳng những thông minh, xinh đẹp tuyệt trần mà còn hát hay, múa giỏi nên Đinh tướng quân rất có cảm tình. Lựa dịp thuận lợi, Công chúa thuyết phục quan Đô đốc: Quân Mạc đã thế đường cùng, nếu tiến công thì họ sẽ “cùng quá hóa liều”, đôi bên đều đổ máu. Chi bằng nên lấy khoan dung làm phương sách để binh lính hai bên và người dân bớt khổ. Công chúa còn thuyết phục Tướng quân khoan thư sức dân, cho binh lính đến các làng, xóm cùng tham gia sản xuất với nhân dân; rồi hai cô tổ chức cho họ cùng vui chơi, múa hát trong những đêm trăng. Hiện nay, còn tồn tại những bài hát lượn Slương, lượn nàng Hai với giai điệu thiết tha, da diết do hai cô sáng tạo.
Thế nhưng, mấy năm, triều đình Thăng Long đã hối thúc, ra lệnh phải hạ thành Phục Hòa dứt điểm trong mùa gặt năm 1685. Tướng quân Đinh Văn Tả đã phải chỉnh đốn quân cơ, định ngày khởi binh đánh thành. Bất ngờ, đêm hôm trước hai cô thị nữ đã nhảy xuống sông tự vẫn. Cô cả để lại bức thư tuyệt mệnh, tự thú là Công chúa cả Tiên Giao nhà Mạc, cô thứ là bạn kết nghĩa. Hai cô vì chịu ơn cứu mạng, lại được Đô đốc tướng quân ưu ái, cưu mang, nặng tình, nặng nghĩa, nay không ủng hộ chủ đánh thành Phục Hòa là bất nghĩa, mà ủng hộ để chống lại cha mình là bất hiếu, bất trung. Hai cô đành kết liễu đời mình cho trọn vẹn tấm lòng trung hiếu, nghĩa tình.
Tướng quân Đinh Văn Tả vô cùng xót thương và cảm phục. Ông quyết định lùi thời gian tấn công 100 ngày để tổ chức tang lễ trọng thể cho hai cô. Đồng thời, Ông cử sứ giả bí mật sang thành Phục Hòa thuyết phục nhà Mạc tự giải giáp. Ông cam kết tạo mọi điều kiện để vua tôi nhà Mạc tìm nơi ẩn tích, hàng binh được đối xử tử tế, cấp tiền, cấp gạo về quê.
Cuối năm 1685, Tướng quân Đinh Văn Tả vào thành Phục Hòa, thu hồi thành lũy cuối cùng của nhà Mạc, hai bên không mất một giọt máu nào. Vua tôi nhà Mạc được đối xử tử tế như đã từng được Ông âm thầm cam kết. Từ đó, vùng đất này được gọi là Phục Hòa, Quy Thuận, Hòa Thuận. Tổng Lao được gọi là xã Tiên Giao và nay là xã Tiên Thành. Ở Phiêng Lâu, nơi công chúa bị bắt, rồi được gặp Tướng quân họ Đinh, có miếu thờ công chúa Tiên Giao. Dòng họ Đinh ở Tiên Thành ngày nay, đa phần đều có nguồn gốc Hải Dương, là con cháu của các tướng sỹ họ Đinh trong đội quân của Đô đốc tướng quân Đinh Văn Tả. Nhân dân thị trấn Hòa Thuận, huyện Phục Hòa (nay là huyện Quảng Hòa) lấy ngày 18 tháng Ba âm lịch là ngày hội Pháo hoa để tưởng nhớ công ơn của Tướng quân Đinh Văn Tả đã thương dân mà sử dụng giải pháp thu phục nhân tâm, thay vì vũ lực trong trận đánh cuối cùng.
Nhân dân xã Tiên Giao (nay là xã Tiên Thành) cứ hai năm một lần tổ chức Lễ hội Nàng Hai, một phong tục cầu mùa, mời các Nàng Hai (con gái của Mẹ Trăng) ở trên trời xuống thăm trần gian và giúp dân làng làm ăn, giúp cho mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh. Năm 2017, Lễ hội này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những làn điệu dân ca lượn Slương, lượn Nàng Hai do công chúa Mạc Tiên Dao sáng tạo được coi là linh hồn của lễ hội, hàng trăm năm nay đã trở thành một nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào Tày bản địa.
Lễ hội Nàng Hai từ lâu đã trở thành một di sản vô giá, cùng với những ngôi nhà sàn gỗ cổ lợp ngói âm dương và cảnh sắc thiên nhiên huyền ảo của thung lũng Tiên Thành, sự nồng hậu và cuộc sống sinh hoạt, sản xuất bình dị cùng các món ăn đặc sản núi rừng của đồng bào dân tộc Tày nơi đây, đã trở thành những tài nguyên vô giá để xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa tiến tới xây dựng thành công Làng du lịch cộng đồng xóm Bản Giuồng.
Tài liệu tham khảo:
1) Nguyễn Xuân Toàn (2012), Công chúa Mạc Thị Tuyết Lan nặng nghĩa hiếu trung, http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/Cong-chua-Mac-Thi-Tuyet-Lan-nang-nghia-hieu-trung-1011.
2) Toàn Trần (2018), Nhũng người con Tiên Thành đồng lòng xác định Mộ Công chúa Tiên Giao, https://m.facebook.com/caobangnews/photos/a.836233816461353/1667056396712420/ ?type=3&source=48&__tn__=EH-R
3) Đinh Ngọc Vân (2019), Phúc thần - Thái bảo Đinh Văn Tả với việc bình định và trấn giữ Cao Bằng, http://baocaobang.vn/Ho-so-Tu-lieu/Tran-Cao-Bang-xua-tinh-Cao-Bang-nay/72360.bcb
Bình luận