Nhân rộng quy mô các khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững
Hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp: Định hướng phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam”, do Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6/10, tại Hà Nội, với sự tham gia của Lãnh đạo Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các sở kế hoạch và đầu tư, ban quản lý các KCN, khu chế xuất các tỉnh, các đối tác phát triển hạ tầng công nghiệp, các cơ quan báo chí và đại diện các cơ quan năng lượng Hàn quốc, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, Verywords, Theyday, Apull Power, Asian Network Energy...
| ||
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo |
Thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với Việt Nam, dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, nhưng chúng ta đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Do đó, việc chuyển đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận thực tế từ bị động ứng phó các thách thức sang kết hợp một cách hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa ứng phó với chuyển đổi theo hướng xanh đóng một vai trò quan trọng.
Đặc biệt, ngay trước thềm Hội nghị COP26 tại Glasgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021 nhằm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hiện thực hóa cam kết phát thải ròng về “0” vào 2050 của Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định số 882/QĐ-TTg nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh thông qua 10 chủ đề ngành ưu tiên; 8 chủ đề tổng hợp và 153 nhiệm vụ, hoạt động, nhiệm vụ phân giao cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.
“Đối với lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, một trong những mục tiêu định hướng của Chiến lược chính là hoàn thiện thể chế chính sách về cụm công nghiệp, KCN sinh thái, bền vững nhằm đẩy mạnh việc áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong quản lý, sản xuất và vận hành là một nhiệm vụ ưu tiên đã được đề ra trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”, ông Lê Việt Anh cho biết.
Bên cạnh đó, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế đã nêu rõ mục tiêu, chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển KCN sinh thái, tạo tiền đề và động lực để mô hình KCN sinh thái thực sự phát huy được vai trò tích cực trong thúc đẩy tăng trưởng xanh. Từ đó, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam khi được nhân rộng trên quy mô quốc gia, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Phát triển KCN sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên
Phân tích sâu hơn về tầm quan trọng của các KCN sinh thái, đại diện Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, phát triển KCN sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên nhờ giảm sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng và hóa chất độc hại; giảm thiểu phát thải khí nhà kính; thực hiện mục tiêu về quản lý nhà nước cũng như cam kết về môi trường; chia sẻ các tiện ích trong KCN; tiếp cận công nghệ mới và cơ chế hỗ trợ tài chính xanh…
Từ năm 2015 đến năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và các nhà tài trợ khác triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Theo đó, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 Kilo tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. |
Đại diện Vụ Quản lý các khu kinh tế cũng nhấn mạnh, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế đã tạo cơ sở tiền đề, động lực để mô hình KCN sinh thái thực sự phát huy được vai trò tích cực trong tăng trưởng xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nhấn mạnh vào 3 tiêu chí của KCN sinh thái đó là:
(1) Nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN (chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật; cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong KCN; cơ chế giám sát đầu vào đầu ra và báo cáo định kỳ về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, giảm phát thải);
(2) Doanh nghiệp trong KCN (tuân thủ quy định pháp luật; tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; ít nhất 01 cộng sinh công nghiệp);
(3) KCN (diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong KCN đạt 25% trong quy hoạch xây dựng KCN; có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong KCN).
Đặc biệt, ưu đãi đối với KCN sinh thái cũng được chú trọng, đó là: Miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư; được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ, Ngân hàng phát triển, các Quỹ của nhà tài trợ quốc tế…; được cung cấp thông tin về công nghệ, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái; tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư.
Đại diện Vụ Quản lý các khu kinh tế cũng thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nhằm góp phần thúc đẩy phát triển các KCN sinh thái tại Việt Nam.
Phát triển mô hình KCN sinh thái còn khó khăn
Tuy nhiên, để phát triển, nhân rộng mô hình KCN sinh thái, cần quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Từ kinh nghiệm thực hiện thí điểm chuyển đổi các KCN thành KCN sinh thái tại một số địa phương, bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia của UNIDO cho biết, việc phát triển mô hình này ở Việt Nam thực tế còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, trước tiên, KCN sinh thái là khái niệm mới, nên cần thời gian và cần nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái cần vốn đầu tư, trong khi đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, do đối tượng tham gia chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hơn nữa, Việt Nam chưa có cơ chế tài chính ưu đãi chuyên biệt cho dự án đầu tư thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái, cũng như còn rào cản về tâm lý, năng lực quản lý khiến doanh nghiệp lúng túng khi chuyển đổi. Một số chính sách, quy định pháp lý chưa hoàn toàn phù hợp và thúc đẩy phát triển KCN sinh thái…
Đứng ở góc độ của địa phương chia sẻ về khó khăn trong quá trình phát triển KCN sinh thái, ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện nay đã phát triển được 2 mô hình chuỗi cộng sinh công nghiệp trong KCN. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai có những khó khăn trong bố trí đất cho các doanh nghiệp; tâm lý của doanh nghiệp tham gia chuỗi cộng sinh còn e ngại do phải thực hiện nhiều quy trình hơn so với việc không tham gia…
Cộng sinh công nghiệp trong KCN là hoạt động hợp tác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. |
Rất cần các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong quá trình phát triển các KCN sinh thái
Phát biểu tại Hội thảo, ông Kim Sung Hoon - Giám đốc Bộ phận dự án toàn cầu, Cơ quan năng lượng Hàn Quốc cho biết, Cơ quan năng lượng Hàn Quốc đã và đang hợp tác với Việt Nam thông qua nhiều dự án đa dạng trong và ngoài nước.
Một trong số đó là dự án ‘Năng lượng trung tính carbon cho EID của Hàn Quốc tại Việt Nam'. EID với ý nghĩa là phát triển công nghiệp sinh thái, là một dự án đạt được mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính thông qua chuyển đổi nhiên liệu và phát triển mô hình năng lượng tái tạo cho các KCN ở nước ngoài.
Cơ quan năng lượng Hàn Quốc cùng với Verywords đang có kế hoạch xây dựng Trang trại năng lượng mặt trời trên mái nhà trong KCN và tiến hành dự án phát triển công nghiệp sinh thái, để thay thế lò hơi sinh khối.
“Chúng tôi hy vọng rằng các dự án này sẽ giúp ích nhiều trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thiết lập công nghệ tuần hoàn tài nguyên ở Việt Nam”, ông Kim Sung Hoon nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Park Kyung Soon – Trưởng đại diện Cơ quan năng lượng Hàn Quốc tại Việt Nam khuyến khích Việt Nam xử lý các điểm khó khăn hiện hữu và tạo động lực phát triển KCN sinh thái, bởi đây là loại hình không chỉ giúp các doanh nghiệp hoạt động trong KCN tăng sức cạnh tranh, mà về lâu dài sẽ giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía địa phương, ông Trần Văn Tỵ đề xuất, để phát triển và nhân rộng mô hình KCN sinh thái, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong các KCN sinh thái, như: được bố trí đất; ưu tiên, hỗ trợ, tiền sử dụng mặt bằng; hỗ trợ trực tiếp cho cả người lao động trong các doanh nghiệp này…
Nhìn chung, các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, để nhân rộng mô hình KCN sinh thái, trước hết cần tạo lập môi trường thuận lợi. Theo đó, khung pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; xây dựng danh mục đầu tư trọng điểm, nhằm định hình thu hút nguồn lực đầu tư; xây dựng chính sách ưu đãi cho đầu tư tăng trưởng xanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư tăng trưởng xanh…/.
Bình luận