Hà Nội – Thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp

Hà Nội là một trong 2 thành phố lớn nhất cả nước, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố bị ảnh hưởng mạnh. Các hoạt động xuất – nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ, như: y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Thực hiện gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp.

Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm túc 7 nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 bằng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về tín dụng, mặt bằng, kinh phí thành lập mới cho doanh nghiệp... và nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, Thành phố đã triển khai hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Thành phố chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; Thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, Thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp. Tổ chức kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 cụm công nghiệp, tổng diện tích là 1.016,72ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Hỗ trợ kinh phí thực hiện hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng (kinh phí hỗ trợ từ 50 đến 100 triệu đồng/1doanh nghiệp/1 hợp đồng/năm); Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp (khoảng 1 tỷ đồng/1 dự án)…

Thành phố cũng hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo bằng việc triển khai Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025. Trong đó triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như: thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế…

Quảng Ninh – Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất- nhập khẩu

Là tỉnh trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ, do đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Theo ước tính của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, Tỉnh hiện có khoảng 530 doanh nghiệp với trên 15.000 người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, có khoảng 41.000 lao động tự do cũng chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.

Trước tình hình trên, ngày 21/4/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp bàn về những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều kịch bản khác nhau nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong trường hợp dịch bệnh còn kéo dài và sau khi dịch được đẩy lùi cũng đã được các sở, ngành, đơn vị chủ động xây dựng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn các doanh nghiệp liên quan đến việc cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất các khoản vay ngân hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu đầu mối; hỗ trợ việc xin cấp phép mở cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Cục Hải quan Tỉnh nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trên địa bàn. Lãnh đạo các sở, ngành và người đứng đầu các địa phương thường xuyên cập nhật, nắm tình hình để tham mưu UBND Tỉnh khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước 30/4.

Song song với đó, Cục Thuế Tỉnh hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm hồ sơ đề nghị miễn giảm, giãn thời hạn nộp thuế; hỗ trợ miễn tiền thuê đất theo nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bình Dương – Đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, mặc dù kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong quý I/2020 vẫn đạt khá, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Dịch bệnh đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa trong và ngoài nước; thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước giảm mạnh; các hợp đồng mua bán hàng hóa với nước ngoài bị gián đoạn. Từ đó, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất công nghiệp của Tỉnh, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày, điện tử…

Trong quý I/2020, ước tính Chỉ số sản xuất công nghiệp của Tỉnh tăng 6,14% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn 1,02% so với mức tăng 7,16% của quý I/2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,65% so với cùng kỳ, nhưng mức tăng trưởng đã thấp hơn 3% so với mức tăng của quý I/2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2020 ước đạt 5.839 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ, thấp hơn 9,8% so với mức tăng trưởng của quý I/2019. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2020 ước đạt 4.200,1 triệu USD, tăng 4,3% so cùng kỳ, thấp hơn 1% so với mức tăng trưởng của quý I/2019.

Hiện nay, những doanh nghiệp đã ký hợp đồng và chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu để duy trì sản xuất đến tháng 4-5/2020, thì hoạt động tương đối ổn định. Song, do thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu lao động là chuyên gia nước ngoài, việc tuyển dụng lao động cũng đang gặp khó khăn, một số doanh nghiệp phải hoạt động dưới công suất, hoạt động cầm chừng. Báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cho thấy, vốn đăng ký kinh doanh trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài của Tỉnh giảm, chỉ bằng 54% so với cùng kỳ năm 2019, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể tăng 63%.

Trước thực trạng sản xuất, k​inh doanh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, cùng doanh nghiệp vượt khó.​ Cụ thể:

UBND Tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 nhằm đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.

Theo đó, Tỉnh yêu cầu Sở Tài chính tham mưu triển khai kịp thời các biện pháp, chính sách của Trung ương, Bộ Tài chính ban hành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đồng thời tham mưu phương án giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Dương đã đề nghị các tổ chức tín dụng theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đó, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… một cách phù hợp, đúng quy định theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn Tỉnh đang rà soát, lên kế hoạch giãn nợ, giảm lãi suất vay vốn cho các trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Bảo hiểm Xã hội Tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và không tính lãi chậm nộp phạt. Cục Thuế, Cục Hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động…

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp rà soát về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trên địa bàn Tỉnh.

Cà Mau – Cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp

Để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Cà Mau cũng đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp, chương trình hành động cụ thể. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng cũng được chú trọng.

Song song đó, cùng với các đơn vị có liên quan tích cực rà soát các đối tượng đã vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để áp dụng các giải pháp hỗ trợ cụ thể như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay; giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…

Đồng thời, UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Sở Tài chính rà soát, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, địa phương cũng yêu cầu các sở, ban, ngành thực hiện nhanh, có hiệu quả việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cũng nhằm thúc đẩy hoạt động xuất – nhập khẩu.

UBND tỉnh Cà Mau cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Có thể thấy rằng, trước những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt và có những chính sách hỗ trợ, chia sẻ kịp thời đối với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, thể hiện sự đồng hành, chung tay của Nhà nước cũng như của địa phương đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn biến thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc doanh nghiệp./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Tap-trung-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep/393742.vgp

http://baodansinh.vn/ha-noi-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-kho-covid-19-20200417211551224.htm

https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2020/04/333-binh-duong-sat-canh-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-vuot-qua-kho-khan-do-dich-covid-1

http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Hang-loat-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep/393686.vgp