Không khí bình lặng, hồ sơ rải rác

Đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung bắt đầu từ ngày 26/8, cho đến nay, số hồ sơ các trường đại học tốp giữa nhận được còn khá ít.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo đến hết ngày 1.9, cả nước có 169 trường đại học, cao đẳng trên xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong số này có 66 trường đại học, học viện, gồm 28 trường đại học phía Nam và 38 trường phía Bắc. Số trường CĐ là 97 trường, gồm 44 trường phía Bắc và 53 trường phía Nam. Đa số các trường có điểm xét tuyển tương đối thấp, chỉ bằng điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 15 điểm với bậc đại học, 12 điểm với bậc cao đẳng.

Có thể thấy thí sinh còn không ít cơ hội trúng tuyển ở đợt xét tuyển này, nhất là khi các em còn được đăng ký cùng lúc 12 nguyện vọng vào 3 trường. Quy định đó, theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo là nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh, khắc phục tình trạng thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học như mọi năm.

Mặc dù thủ tục nhanh và điểm xét tuyển chỉ cần trên 15 là thí sẽ được nhận ngay giấy báo nhập học, tuy nhiên lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trong nửa thời gian đầu của đợt 2 còn thưa và rải rác.

Theo báo cáo xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các đại học, cao đẳng ở phía Bắc, đến ngày 1/9 phần lớn trường công còn thiếu chỉ tiêu là ở những cơ sở 2, hoặc những ngành không phải sở trường. Ví dụ, Đại học Điện lực tuyển bổ sung ở nhiều ngành, trong đó có cả quản trị du lịch khách sạn, quản trị doanh nghiệp chất lượng cao, tài chính ngân hàng... Trường Đại học Thủy lợi tuyển bổ sung cho cơ sở 2 ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, Trường Đại học Ngoại thương tuyển cho cơ sở ở Quảng Ninh.

Mối lo không đạt chỉ tiêu nghiêm trọng hơn thuộc về các đại học ngoài công lập khi số thí sinh đến đăng ký vẫn chỉ có lác đác. Điển hình như Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển đến hơn 4.600 chỉ tiêu cho hệ đại học và cao đẳng trong đợt bổ sung nhưng đến 1/9 mới nhận được hơn 1.000 hồ sơ; Trường Đại học dân lập Phương Đông tuyển trên 1.400 chỉ tiêu trong đợt bổ sung, nhưng sau nửa thời gian xét tuyển mới có hơn 200 hồ sơ nộp vào. Nhiều trường dân lập mới thành lập, hoặc nằm ở tỉnh thành xa cũng trong tình trạng không tuyển được thí sinh.

Một trong những lý do không còn cảnh chạy đua nộp hồ sơ như nguyện vọng 1 là vì từ lần xét tuyển nguyện vọng 2, các thí sinh sẽ không được rút hồ sơ xét tuyển từ trường này để đăng ký sang trường khác. Do vậy, các thí sinh sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn, đợi sát ngày hết hạn mới nộp hồ sơ.

Thí sinh không còn chạy đua rút - nộp hồ sơ từ lần xét tuyển nguyện vọng 2

Mối lo hồ sơ ảo lớn

Trong đợt xét tuyển bổ sung nguyện vọng 2, bên cạnh quy định các trường phải liên tục cập nhật thông tin về số lượng thí sinh đăng ký vào trường mình theo thứ tự điểm số từ cao xuống thấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn quy định thí sinh có thể lựa chọn các hình thức: nộp tại sở giáo dục và đào tạo hoặc trường trung học phổ thông do sở giáo dục và đào tạo quy định; qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường đại học, cao đẳng mà thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Bên cạnh đó, các thí sinh còn có cơ hội trúng tuyển đại học theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm học tập bậc trung học phổ thông. Theo thống kê, có hơn 200 trường có thêm phương án xét tuyển này.

Tuy nhiên, việc tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh đã khiến xảy ra tình trạng nhiều thí sinh củng cố khả năng trúng tuyển lần 2 này bằng cách đăng ký đủ cả 4 nguyện vọng trong một trường và nộp hồ sơ xét tuyển ở nhiều phương thức khác nhau. Điều này vô hình chung làm tăng lượng hồ sơ ảo. Nhiều trường mặc dù đạt số lượng, chỉ tiêu xét tuyển nhưng lại không an tâm.

Để đối phó với lượng hồ sơ ảo, nhất là với những trường cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến. Riêng với trường hợp xét tuyển bằng học bạ chỉ nhận hồ sơ trực tiếp. Hoặc như Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, để đảm bảo đủ đạt đủ chỉ tiêu sau khi loại hồ sơ ảo, Trường phải lấy chỉ tiêu dự kiến cao hơn so với chỉ tiêu thực tế của nhà trường, tức là so với 1.100 chỉ tiêu thực tế, Trường phải gọi cao hơn 1,5 lần là 3.150 chỉ tiêu.

Trước của đợt nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã lên kế hoạch cho đợt tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo./.