Những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ ngày 04/11/2014
Bổ sung hơn 25 tỷ đồng trợ giúp pháp lý cho người nghèo
Thủ tướng Chính phủ bổ sung hơn 25 tỷ đồng cho Bộ Tư pháp để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ bổ sung 25,3014 tỷ đồng cho Bộ Tư pháp từ nguồn chi quản lý hành chính thuộc ngân sách Trung ương năm 2014 để thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý và sử dụng số kinh phí bổ sung thực hiện theo quy định hiện hành.
Theo Quyết định 59/2012/QĐ-TTg, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người được trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật được miễn phí tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các hình thức khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Phó Thủ tướng: Khẩn trương thống nhất cơ chế giá xăng E5
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo về cơ chế giá xăng E5.
Theo đó, về cơ chế, chính sách giá nhiên liệu sinh học (xăng E5), Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Tài chính khẩn trương thống nhất cơ chế, chính sách và tính toán giá xăng E5, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong ngày 06/12/2014.
Xây dựng Nghị định về điều chỉnh tiền lương 2015
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về điều chỉnh tiền lương năm 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống theo trình tự thủ tục rút gọn.
Ngày 10/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 78/2014/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó đã quyết định thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện quy định này là từ ngày 1/1/2015.
Hỗ trợ nâng cao năng lực giảm thiểu lao động trẻ em
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án "Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam" do Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ thông qua Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em của Việt Nam. Thông qua mục tiêu này, dự án sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết theo như Tuyên bố của ILO đã được thông qua tại Hội nghị lao động Quốc tế vào ngày 18/6/1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.
Với Dự án này, luật pháp và các chính sách liên quan tới lao động trẻ em được rà soát bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã hoặc sẽ tham gia; năng lực của các cơ quan Việt Nam và các tổ chức liên quan trong việc xác định và giải quyết vấn đề lao động trẻ em được nâng cao; nhận thức về lao động trẻ em, các mối nguy hiểm liên quan và quy định cấm lao động trẻ em được nâng cao trong tất cả các tầng lớp xã hội.
Đồng thời, các mô hình can thiệp lồng ghép theo vùng địa lý và theo lĩnh vực nghề nghiệp nhằm ngăn ngừa và đưa trẻ em tránh khỏi các nguy cơ hoặc các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất được xây dựng, thực hiện và lưu trữ thành tư liệu để chuẩn bị cho việc mở rộng ở phạm vi lớn hơn...
Dự án được thực hiện với tổng hạn mức vốn là 9,2 triệu USD. Trong đó, vốn ODA viện trợ không hoàn lại từ Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ thông qua ILO là 8 triệu USD và vốn đối ứng là 1,2 triệu USD.
Dự án sẽ được thực hiện trong 60 tháng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Miinh, An Giang và các địa phương khác. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ quản Dự án.
Xây hầm chui trên đường nối sân bay Nội Bài - cầu Nhật Tân
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND TP. Hà Nội về việc đầu tư xây dựng hạng mục hầm chui dân sinh trên tuyến đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân tại khu vực thôn Sơn Du, xã Nguyên Kê, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Phó Thủ tướng lưu ý việc thực hiện phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quy mô và các yếu tố kỹ thuật của tuyến đường, đồng thời, đáp ứng yêu cầu tiến độ chung của dự án xây dựng đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân (Dự án).
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban quản lý 85 và các nhà thầu có liên quan phối hợp với UBND huyện Đông Anh và các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội khẩn trương xác định mức độ ảnh hưởng trong quá trình thi công Dự án đến số hộ dân còn lại để tiến hành công tác đền bù theo quy định của pháp luật; đồng thời có giải pháp thi công hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong vùng Dự án.
Theo UBND TP. Hà Nội, khu vực xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội hiện có 2 tuyến đường nội đồng cắt ngang qua tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài. Theo thiết kế ban đầu chỉ có 1 cầu vượt để qua đường, không có hầm chui. Nhân dân xã Nguyên Khê đã có đơn thư kiến nghị bổ sung 2 hầm chui dân sinh tại các vị trí giao cắt tuyến đường để thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Vinatex được điều chuyển vốn đầu tư dự án trường đào tạo
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho phép Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được sử dụng số tiền 34.062 triệu đồng từ nguồn lợi nhuận được chia theo phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ - Vinatex theo công văn số 4787/VPCP-KTTH ngày 13/6/2013 chưa sử dụng hết để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khối lớp học – giảng đường - hành chính tại Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Vinatex TP. Hồ Chí Minh.
Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Vinatex TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm cân đối phần vốn còn thiếu (nếu có) để thực hiện Dự án.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Vinatex báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn đầu tư của Dự án đầu tư mở rộng Trường cao đẳng công nghiệp Dệt May thời trang Hà Nội, Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Vinatex TP. Hồ Chí Minh, Trường cao đẳng nghề kinh tế kỹ thuật Vinatex phù hợp với khối lượng, nguồn vốn thực tế đã thực hiện.
Vinatex báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khối lớp học – giảng đường – hành chính tại Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Vinatex TP. Hồ Chí Minh theo quy định hiện hành.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn Vinatex về việc giải ngân vốn của Dự án đầu tư khối lớp học – giảng đường – hành chính tại Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Vinatex TP. Hồ Chí Minh.
Tại văn bản số 4787/VPCP-KTTH ngày 13/6/2013, Phó Thủ tướng đã cho phép Vinatex được sử dụng 159.559 triệu đồng phần lợi phân phối theo phần vốn nhà nước năm 2010, 2011 tại Công ty mẹ - Vinatex để đầu tư các dự án của 3 trường đào tạo gồm: Trường cao đẳng công nghiệp Dệt May thời trang Hà Nội, Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Vinatex TP. Hồ Chí Minh, Trường cao đẳng nghề kinh tế kỹ thuật Vinatex.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Vinatex, đến nay dự án Trường cao đẳng nghề kinh tế - kỹ thuật Vinatex không sử dụng hết nguồn kinh phí được cấp, còn dư 34.062 triệu đồng. Từ đó, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Vinatex đề nghị chuyển số tiền còn dư nay sang cho Dự án đầu tư xây dựng khối lớp học - giảng đường – hành chính tại Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Vinatex TP. Hồ Chí Minh đang cần thiết đầu tư và chưa có đủ nguồn vốn đầu tư./.
Nguồn: Văn phòng Chính phủ
Bình luận