Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, vừa công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020. Theo đó, kỳ thi tuyển vào lớp 10 từ năm 2019 sẽ có nhiều thay đổi. Theo đó, từ năm học 2019-2020, thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp.

Năm 2019, Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10 bằng các bài thi tổ hợp

Tổ hợp 1, gồm: Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân hoặc Tổ hợp 2, gồm: Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học). Sở GD-ĐT Hà nội sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm.

Về hình thức thi, các môn Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi phòng thi sẽ có nhiều mã đề thi, thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Về nội dung, đề thi gồm các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.

Việc tuyển sinh sẽ thực hiện như sau: Tuyển những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, lấy theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Chỉ xét tuyển đối với học sinh có đủ bài thi theo quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi, không có bài thi bị điểm 0.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc thi thêm bài thi thứ 3 là bài thi Tổ hợp nhằm mục đích tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới. Bài thi tổ hợp với mục tiêu dần tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới đó là “theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên”. Ngoài ra, bài thi tổ hợp có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực Ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ ở trường phổ thông.

Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đối với học sinh./.