Nợ xấu bây giờ… thế nào?
“Nợ xấu đã giảm xuống dưới 2,46%”
Ông Phạm Huyền Anh cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt, đồng bộ.
Trên cơ sở tổng kết bài học kinh nghiệm và kế thừa kết quả quá trình triển khai cơ cấu lại giai đoạn 2011-2015, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, xây dựng trình Bộ Chính trị chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
“Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực, chủ động của các tổ chức tín dụng trong kiềm chế và xử lý nợ xấu, đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 42, (tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối năm 2017 đã giảm hơn so với mức 2,46% cuối năm 2016)”, ông Anh cung cấp thêm thông tin.
Ở góc độ người thực hiện xử lý nợ xấu trực tiếp, ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho hay, từ Nghị quyết 42, những vướng mắc trong xử lý nợ xấu với ngành ngân hàng nói chung được tháo gỡ nhiều. Đầu tiên là vướng mắc về trách nhiệm pháp lý của người cho vay.
Nghị quyết 42 cho phép bán dưới giá trị và cũng tạo động lực lớn cho các ngân hàng cũng như VAMC tự tin trong xử lý.
Bên cạnh đó, ý thức trả nợ của khách hàng cũng tốt lên rất nhiều.
“Thông thường, chúng tôi khi làm việc với khách hàng, hợp tác khi đã thành nợ xấu do sản xuất kinh doanh khó khăn. Cứ 10 khách hàng thì chỉ được 1-2 khách thiện chí làm việc với tổ chức tín dụng hay VAMC”, ông Đông cho biết.
Sau khi có Nghị quyết 42, có một số hành lang pháp lý cho phép VACM được làm, các tổ chức tín dụng được phép làm, như tiến hành thu giữ tài sản khi vi phạm cam kết. Điều này được địa phương, các ngành ủng hộ, vì vậy tạo ý thức tốt với khách hàng.
“Năm vừa rồi, trong quý IV/2017, VAMC được và Chính phủ cấp cho 2.000 tỷ đồng thì chúng tôi đã mua nợ xấu trên thị trường được hơn 3.000 tỷ đồng. Đến nay, chúng tôi đã xử lý thu hồi được ¾ số hơn 3.000 tỷ đồng đó. Năm nay, trong kế hoạch của VAMC, với 2.000 tỷ đồng đó, chúng tôi sẽ quay gần 2 vòng, tức mua 3.500 tỷ đồng”, ông Đông cung cấp thêm thông tin.
Ở góc độ chuyên gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực nhấn mạnh, sau 6 năm xử lý nợ xấu, có 3 điểm cộng lớn đối với các ngân hàng, đặc biệt ngân hàng thương mại.
Một là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, theo ông Lực là đã chủ động hơn, quan tâm hơn nhiệt tình hơn.
Hai là ý thức xử lý nợ xấu của bên đi vay tăng lên.
Ba là, về xử lý tài sản đảm bảo. Ông Lực đánh giá, vấn đề này cũng đã được đẩy nhanh hơn đáng kể, thời gian qua,các tổ chức tín dụng đã phân loại được khá nhiều tài sản đảm bảo.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực chia sẻ tại Diễn đàn
Những bài học kinh nghiệm được rút ra
Tuy nhiên, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng, có 3 bài học kinh nghiệm cần rút ra trong 6 năm vừa qua.
Thứ nhất, kinh doanh ngân hàng là kinh doanh rủi ro. Và nợ xấu xuất phát từ cả 3 phía: khách quan, khách hàng và ngân hàng.
Cái thứ hai là chỉ nên trăng trưởng, kể cả tín dụng, kể cả kinh tế, trên cơ sở kiểm soát được rủi ro. Đặc biệt trong ngành ngân hàng thì đây là khẩu hiệu không bao giờ là cũ cả tức là: tăng trưởng trên cơ sở kiểm soát rủi ro.
Thứ 3 là vào cuộc quyết liệt cả ngân hàng thương mại, cả cơ quan quản lý, các bộ ngành. “Tuy nhiên chỗ mà cần quyết liệt chưa được đồng bộ. Có chỗ thì khá là quyết liệt, nhiệt tình, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều vấn đề”, ông Lực quan ngại.
“Chúng tôi thấy rằng, trong quá trình xử lý nợ xấu rất khó và cái chính là hỗ trợ của các ngành pháp luật, của UBND địa phương”, ông Đông bổ sung thêm.
Để xử lý nợ xấu mới đi vào thực chất
Ông Nguyễn Tiến Đông nhấn mạnh, từ năm 2018, VAMC sẽ hạn chế việc mua nợ xấu và phát hành bằng trái phiếu đặc biệt. Thay vào đó, sẽ tổ chức phân tích, phân loại các loại khoản nợ 10 tỷ đồng trở lên, gắn với đó là tiến hành mua đứt bán đoạn. Tức là mua theo cơ chế thị trường.
“Tới đây, trong Quyết định 1058 của Thủ tướng phê duyệt tăng vốn điều lệ của VAMC lên 5.000 tỷ đồng, gắn vào đó chúng tôi cũng đang giao cho anh em xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu của công ty để tiến tới mua bán nợ xấu chuyển hướng hết theo cơ chế thị trường. Như vậy, việc xử lý nợ xấu mới đi vào thực chất, mang hiệu quả tích cực, tạo nguồn lực mới cho nền kinh tế trong vấn đề này”, ông Đông nhấn mạnh.
Còn chuyên gia Cấn Văn Lực bổ sung 4 đề xuất từ nghiên cứu cũng như thực tế.
Thứ nhất, hiện nay xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo vẫn vướng ở khâu thuế, cụ thể thuế chuyển nhượng tài sản.
“Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn cụ thể. Chứ nếu không sẽ xảy ra tình trạng người bán tài sản đảm bảo, bán xong rồi nhưng người mua được tài sản đó không lấy được tài sản đó về do thuế chưa đóng”, ông Lực phát biểu .
Thứ hai phối kết hợp với cơ quan bộ ngành là cực kỳ quan trọng và sớm hướng dẫn để triển khai thực hiện đồng bộ, đồng cấp giữa các Trung ương và địa phương.
“Thứ ba, chúng tôi xin kiến nghị đề xuất liên quan đến việc phát triển thị trường mua bán nợ. Chúng ta muốn phát triển thị trường nợ xấu hay nợ bình thường sau này mà theo giá thị trường thì phải có thị trường. Hiện chúng ta chưa có một thị trường mua bán nợ thực sự”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Còn một cái nữa, rất quan trọng đó là sớm tăng vốn cho các ngân hàng thương mại. Tín dụng tăng trưởng liên tục khoảng 15-17% trong năm qua nhưng vốn chủ sở hữu chỉ tăng được 8-9%.
“Cái cuối cùng, liên quan đến câu chuyện tăng trưởng tín dụng, chúng ta mong tín dụng sẽ hộ trợ thúc đẩy tăng trưởng kính tế. Tuy nhiên, tín dụng chỉ đóng góp một phần tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam chúng ta. Do đó, nên tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng hơn”, ông Lực đề xuất./.
Bình luận