Nông dân vẫn cực nhọc sản xuất, mà lợi nhuận luôn thấp!
Phát biểu tại Hội thảo, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, Việt Nam đã gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nông sản Việt Nam rất phong phú nhưng nông dân vẫn cực nhọc sản xuất, mà lợi nhuận luôn thấp hơn so với các lao động khác. Giá lúa luôn thấp và giá gạo xuất khẩu luôn luôn bị thương lái quốc tế mua thấp hơn gạo các nước khác.
Nguyên nhân chính là do sản xuất khối lượng lớn với giá thành cao, nhưng chất lượng kém, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, kỹ thuật tụt hậu, lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp. Môi trường kinh doanh manh mún, không tập hợp được liên minh sản xuất theo chuỗi.
Cần chọn giống lúa mang thương hiệu quốc gia cho gạo Việt
GS.Võ Tòng Xuân cho biết thêm, mặt hàng gạo bán lẻ cho người tiêu dùng Việt Nam phần lớn không nhãn mác không rõ nguồn gốc, trong khi đó, gạo có bao bì có nhãn hiệu chủ yếu là của Thái Lan, Campuchia, Nhật. Gạo Việt xuất khẩu chủ yếu theo hình thức qua hợp đồng chính phủ mang nhãn hiệu của khách hàng, vài doanh nghiệp tư nhân có xuất khẩu riêng, nhưng sản lượng còn khiêm tốn.
Theo TS. Nguyễn Quốc Vọng, hiện đang công tác tại Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (Úc), bản thân hạt gạo Việt Nam có lịch sử phát triển cả ngàn năm, chúng ta không thiếu những giống thơm ngon chất lượng cao. Chỉ là trong mấy chục năm gần đây mang nặng tâm lý về số lượng, nên các giống lúa chất lượng cao bị mai một, thoái hóa dần.
Nếu gạo ngắn ngày cho năng suất cao mà không tiêu thụ được ở thị trường trong nước, xuất khẩu không được thì Việt Nam cần nghĩ đến chuyện quay trở lại sản xuất lúa mùa, phục tráng các giống cũ, lai tạo giống mới để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đề xuất hướng đi vững chắc của gạo ngon cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần chọn giống lúa mang thương hiệu quốc gia, đặt tên giống quốc gia cho các giống đã chọn. Trước mắt, cần bình tuyển ngay trong quần thể các giống đang phổ biến, chọn ra 2-3 giống/mỗi nhóm được ưa chuộng nhất căn cứ trên năng suất, chu kỳ sinh trưởng, tính kháng sâu bệnh, khẩu vị.
Về lâu dài, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, cần áp dụng công nghệ lai tạo để cải tiến các giống đã chọn để có thêm đặc tính giống theo nhu cầu thị trường. Đồng thời tổ chức theo chuỗi giá trị sản xuất mỗi loại gạo trong số giống đã chọn, trong đó cần nhận diện doanh nghiệp sản xuất gạo có thương hiệu; quy hoạch cụm nông dân sản xuất lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp, xây dựng nhà máy chế biến gạo đạt chuẩn chất lượng; đóng gói bao bì với nhãn hiệu công ty. Ngoài ra, cần tiến hành xúc tiến thương mại và phân phối đến khách hàng.
Đồng tình với ý kiến của GS Võ Tòng Xuân, bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp GAP cho rằng, để phát triển bền vững thì ngon và sạch là 2 yếu tố quan trọng để Việt Nam xây dựng thương hiệu gạo cả ở nội địa và quốc tế./.
Bình luận