Trần Thị Khánh Trang - Nhà sáng lập kiêm CEO của Fargreen

Đó là Trần Thị Khánh Trang, giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Fargreen vừa lọt top 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới nhờ sáng kiến dùng rơm trồng nấm để giúp hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Trong phần giới thiệu về nữ doanh nhân này, Foreign Policy cho biết, nông dân Việt Nam đốt hàng chục triệu tấn rơm mỗi năm để dọn sạch cánh đồng chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Hành động này tạo ra các lớp khói dày và góp phần làm Trái đất nóng lên. Trang Trần đã thuyết phục nông dân thay đổi thói quen này bằng cách giải đáp câu hỏi: “Họ sẽ được gì nếu ngừng đốt rơm?”

Chia sẻ về bước đường lập nghiệp, cô gái trẻ 28 tuổi quê ở Hà Nam, một tỉnh nông nghiệp kế bên Hà Nội, bộc bạch: “Tôi sinh ra trong một gia đình lao động và chứng kiến bố mẹ vất vả bươn chải xây dựng cuộc sống từ khi còn nhỏ. Đam mê của tôi khi lớn lên là làm việc trong lĩnh vực phát triển, giúp cộng đồng khó khăn đi lên theo hướng bền vững”.

Tốt nghiệp Đại học bách khoa Hà Nội, sau đó Khánh Trang giành học bổng toàn phần khóa đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh doanh nghiệp xã hội, Đại học Tổng hợp bang Colorado, Mỹ.

Mùa hè năm 2012, Khánh Trang bắt đầu khoá học. Những kiến thức và kinh nghiệm thu thập từ những ngày đầu tại Mỹ đã khiến cô thay đổi cách suy nghĩ về thực trạng đốt rơm rạtràn lan tại Việt Nam mà cô đã chứng kiến sau mỗi mùa gặt từ khi còn rất nhỏ. “Người đốt rơm là những cô bác nông dân và cũng chính những người này là nạn nhân trực tiếp. Bụi khói từ việc đốt rơm rạ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, môi trường sống, làm trầm trọng quá trình biến đổi khí hậu, gây tổn hại lớn tới mùa màng”, Trang bày tỏ nỗi niềm đã canh cánh trong lòng.

Tuy nhiên, để người nông dân nhận ra hệ quả đốt rơm thì dễ, nhưng giúp họ từ bỏ đốt rơm một cách lâu dài lại là một vấn đề khác. Khánh Trang tính đến một giải pháp kinh tế. Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển xanh bền vững Fargreen Việt Nam đã ra đời từ đó.

Fargreen là một doanh nghiệp xã hội có sứ mệnh giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan đến tập quán canh tác, đồng thời xây dựng cộng đồng nông nghiệp bền vững và phát triển. Từ khi được thành lập cho đến nay, doanh nghiệp Fargreen đã lắp đặt phòng thí nghiệm sản xuất đầu tiên ở Hải Dương, cho phép thúc đẩy công nghệ và phục vụ việc đào tạo kĩ năng trồng lúa cho nông dân. Châu Á vốn là nơi sản xuất lúa gạo nhiều nhất trên thế giới, với thông lệ đốt rơm gây ra hàng nghìn tấn khí thải nhà kính (GHG).

Trước thực trạng đó, Fargreen hợp tác cùng các nông dân trồng lúa ở vùng nông thôn, giúp họ chuyển hướng việc thiêu hủy rơm rạ. Công nghệ của Fargreen sử dụng rơm như một chất nền để sản xuất nấm chất lượng cao. Nhờ vào quy trình này, Fargreen giúp dừng việc xuất ra chất khí thải nhà kính (GHG) và giúp người nông dân tăng thêm 50% thu nhập.

Mô hình trồng nấm rơm của Fargreen

Công ty Fargreen của Khánh Trang chuyên hướng dẫn nông dân cách dùng rơm để trồng nấm; qua đó, tạo thêm việc làm cho người dân vào thời điểm nông nhàn, đồng thời tận dụng được loại nguyên liệu trước nay vẫn được xem như rác.

Thông qua hợp tác với các hộ nông dân ở Hải Dương, Fargreen đã có mùa thu hoạch nấm đầu tiên thành công hồi đầu năm. Công ty cho biết mỗi cá nhân tham gia chương trình trồng nấm rơm đã kiếm được thêm khoảng 50.000 đồng/ngày. Fargreen đã mua toàn nấm rơm của các nông dân và bán lại cho nhà hàng, và chợ đầu mối ở Hà Nội, tạp chí Mỹ cho hay.

CEO 28 tuổi của Fargreen chia sẻ, việc trồng nấm từ rơm không phải mới, nhưng sự khác biệt của Fargreen là chỉ sử dụng duy nhất cơ chất rơm rạ mà không thêm bất kỳ các phụ liệu khác như bông phế thải hay dùng các chất kích thích hoặc hoá chất gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và môi trường trong quá trình nuôi trồng.

“Nấm của chúng tôi là loại nấm duy nhất tại Việt Nam được chăm sóc trong các nhà trồng vệ sinh với hệ thống tưới công nghệ cao chỉ sử dụng nước uống cho việc tưới sản phẩm. Việc tiếp xúc với sản phẩm từ khi thu hái đến đóng gói đều đảm bảo quy chuẩn vệ sinh môi trường nghiêm ngặt. Hơn nữa, chúng tôi làm việc cùng với các hộ nông dân, giúp họ có thể đứng vững với đồng ruộng và tăng thêm thu nhập từ việc tham gia cùng Fargreen”, nhà sáng lập, CEO của Fargreen nói.

Nếu được nhân rộng trên toàn Việt Nam và cả ở những quốc gia trồng lúa khác, mô hình này sẽ có thể cải thiện đời sống nông dân và làm giảm thiểu lượng khí thải độc hại, Foreign Policy kết luận.

Tạp chí Mỹ nhận định, Trang Trần đã chọn nấm không chỉ vì rơm rất hữu ích cho việc trồng nấm, mà còn vì cô nhận thấy cơ hội kinh doanh bởi hiện nay khoảng 80-90% lượng nấm tại Việt Nam được cho là đến từ các nước khác, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc.

Nấm của Khánh Trang và các cộng sự được thử nghiệm trồng tại Hải Dương song hiện tại, cơ sở sản xuất, khu xử lý và tập hợp nguyên liệu của công ty đang được hoàn thiện tại vựa lúa lớn nhất miền Bắc Việt Nam: tỉnh Thái Bình.