Người bệnh luôn ở vào thế yếu

“Trước đây, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh, thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh…”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An), nhìn nhận, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) diễn ra hôm nay (ngày 13/6), theo Văn phòng Quốc hội.

Theo ông Hiếu, một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh… Do vậy, đề nghị về nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới đề cập đến mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề. Các quy định này vừa thiếu, lại vừa chỉ dừng lại ở quy định chung chung, chưa có cơ chế cụ thể để bảo đảm người bệnh thực hiện được các quyền của mình.

Phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ lợi ích của người bệnh
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề xuất, Dự thảo cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh (ảnh: Quốc hội)

“Dự thảo cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh gồm: trách nhiệm trong việc khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm bảo mật thông tin của người bệnh; trách nhiệm tránh xung đột lợi ích…”, ông Hiếu đề xuất.

Về trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh, cần quy định rõ người hành nghề bắt buộc phải thông tin cho bệnh nhân về những ưu điểm, nhược điểm, những rủi ro và tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh. Giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có, chứ không chỉ dừng lại ở quy định chung như dự thảo hiện nay là tư vấn cung cấp thông tin về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, cần khẳng định trách nhiệm này phải được tiến hành liên tục trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khi có những diễn biến mới về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Điều này bảo đảm người bệnh hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình và hiểu được kết quả của tiến trình khám bệnh, chữa bệnh mà bác sĩ đã thực hiện...

Về trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của người bệnh, theo quy định tại Điều 92 của dự thảo Luật, thì các thông tin này sẽ được tổng hợp trong hệ thống thông tin về quản lý khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế thống nhất, tập trung quản lý. Nhưng hiện dự thảo chưa quy định rõ về thẩm quyền truy cập vào sử dụng thông tin của hệ thống này, để bảo đảm nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân của người bệnh.

Về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích, đây là nội dung chưa được dự thảo quan tâm đúng mức, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hạn chế những đơn thuốc đắt đỏ. Theo pháp luật nhiều nước, để tránh xung đột lợi ích, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải công khai mối quan hệ, lợi ích của mình với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh như: công ty dược phẩm; các đơn vị thực hiện các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán…, để việc giám sát trong quá trình hành nghề. Các thông tin này được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải thông báo cho người bệnh được biết.

Ở một khía cạnh có liên quan, Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình), nhìn nhận, y học nước nhà có tiến bộ, đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao ngày càng nhiều, tuy nhiên không hẳn là tỷ lệ thuận với y đức được nâng lên….

“Bên cạnh một bộ phận cán bộ y tế tận tâm với nghề, thì cũng còn không ít y, bác sĩ ngày càng rời xa mục đích cao cả và tôn chỉ như lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”. Vì vậy, 12 nội dung, tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế được Bộ Y tế quyết định khá cụ thể, cần phải được xem xét để đưa vào dự thảo Luật lần này, kèm với đó là một số nội dung cơ bản về quy tắc ứng xử…”, ông Minh đề xuất.

Cần có cơ chế kiểm soát để chống lợi ích nhóm

“Các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa thể chế được đầy đủ chủ trương xã hội hóa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Điều 90 dự thảo Luật quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ sở ngoài công lập và công lập, chưa cụ thể chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài công lập. Do đó, đề nghị rà soát lại quy đinh này nhằm bảo đảm đồng bộ, minh bạch…”, Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề xuất.

Phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ lợi ích của người bệnh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) kiến nghị quy định cụ thể vào dự án Luật những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế (ảnh: Quốc hội)

Cùng góc nhìn trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, Điều 90 của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến Kết luận ngày 25/4/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Kết luận nêu rõ là phải nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh ngay vào trong dự án Luật này.

“Kiến nghị quy định cụ thể vào trong dự án Luật này những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Bổ sung các cơ chế kiểm soát để chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm. Cần bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn…”, bà Thuỷ đề xuất.

Phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ lợi ích của người bệnh
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực y tế cần phải có các giải pháp đột phá (ảnh: Quốc hội)

Giải trình đại biểu Quốc hội về nội dung trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá. Hiện mặc dù chúng ta thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã có bước chuyển rất lớn, nhưng đến giờ này mới có 318 bệnh viện tư thục; 38.000 các phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số gường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp. Chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến nhiều luật khác, nên cần có sự phối hợp chặt chẽ...

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cơ quan trình và thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội khóa…/.