Phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD/năm
Nhận định trên được ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực – Tổng Thư ký TW Hiệp hội Phân bón Việt Nam đưa ra tại Hội thảo quốc gia Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam và thế giới – Định hướng tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và TW Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức ngày 12/10, tại Hà Nội.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2014, nhu cầu phân bón các loại của cả nước khoảng 11 triệu tấn, tăng hơn mức 10,3 triệu tấn năm 2013. Trong đó, nhu cầu phân urê khoảng 2,2 triệu tấn, phân DAP khoảng 900.000 tấn, phân NPK khoảng 4 triệu tấn... Với sản lượng 8 triệu tấn phân bón các loại, doanh nghiệp trong nước đã chủ động được gần 80% nhu cầu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TW Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mặc dù, nguồn cung dồi dào, song trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: giá cả, chất lượng phân bón… đang là những tồn đọng lớn của ngành công nghiệp này.
Hiện nay, phân bón giả có mặt trên khắp cả nước. Không chỉ kinh doanh phân bón giả, trên thị trường còn xuất hiện loại phân bón chất lượng thấp, bằng 1/10 loại phân bón khác, trong khi giá bán vẫn xấp xỉ, hoặc chỉ thấp hơn từ 200 - 2.000 đồng/kg so với giá bán phân bón có thương hiệu. Đặc biệt, một số doanh nghiệp cố tình gian lận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: trực tiếp in bao bì, sử dụng bao bì (sang bao) của các hãng chính hiệu có uy tín (Phú Mỹ, Lâm Thao...) để sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng. Bên cạnh đó, tình trạng quá nhiều cơ sở sản xuất đã làm loạn thị trường phân bón.
Nghị định 202/2013/NĐ-CP đã quy định phân bón là ngành sản xuất có điều kiện, nhưng trên thực tế, việc kiểm soát vẫn chưa hiệu quả, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, có khoảng 1.000 doanh nghiệp nhưng có tới cả 10.000 nhãn mác do vậy mặt hàng phân bón như một ma trận, khó phân biệt đâu là sản phẩm của doanh nghiệp nào. Cũng chính từ sự phức tạp trên đã tạo kẽ hở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả tồn tại và khó kiểm soát.
“Trên thực tế, luật đã quy định Bộ Công Thương là cơ quan quản lý lĩnh vực phân vô cơ, trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì quản lý phân hữu cơ, nhưng sự chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ, nhất là trong hoạt động cấp phép đã làm nảy sinh nhiều bất cập”, ông Nguyễn Đăng Nghĩa, nhà nghiên cứu khoa học về đất, môi trường chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước có trên 1.000 cơ sở sản xuất phân bón, trên thế giới không có nước nào nhiều như vậy. Ước tính phân bón giả, kém chất lượng mỗi năm gây thiệt hại cho nền nông nghiệp khoảng 2 tỷ USD và còn kéo theo hàng loạt những hệ lụy khác cho người sản xuất và môi trường.
Với thực trạng trên, ông Thúy kiến nghị cần quy hoạch, tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh và lập lại thị trường phân bón. Trong đó, các cơ quan chức năng nên có chế tài kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh của cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ với sản lượng vài chục nghìn tấn/năm, sản xuất bằng công nghệ cuốc xẻng, bằng xe trộn bê tông.
Theo ông, những cơ sở nào không đủ tiêu chí về cán bộ kỹ thuật, đủ máy móc, phòng thí nghiệm thì phải dẹp ngay, không để núp bóng, trá hình làm ăn phi pháp. Đối với các doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón hữu cơ có sản xuất một phần nhỏ vô cơ từ 18%-20% nên giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý còn doanh nghiệp chuyên sản xuất phân vô cơ, có tham gia sản xuất một phần từ 18%-20% phân hữu cơ thì giao cho Bộ Công Thương quản lý.
Bên cạnh đó, Hiệp hội phân bón cũng kiến nghị cơ quan quản lý bắt buộc các đơn vị sản xuất xây dựng phòng thí nghiệm, kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Bình luận