TS. Huỳnh Thị Minh Châu

Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Email: htmchau@hcmut.edu.vn

ThS. Lê Hữu Thanh Tùng

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh

Email: tunglht@ut.edu.vn

Tóm tắt

Thông qua mô hình nghiên cứu được kiểm định với mẫu gồm 292 sinh viên đang ở trọ bên ngoài ký túc xá tại TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu này được thực hiện để khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố ảnh hưởng đến Ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên, đó là: Giá cả hợp lý, Sự an toàn, Cơ sở vật chất, Vị trí địa lý, Thành tích cá nhân và Phát triển bản thân.

Từ khóa: chỗ ở trọ, sinh viên, ý định duy trì, TP. Hồ Chí Minh

Summary

Through a research model tested with a sample of 292 students staying outside the Ho Chi Minh City dormitory, this study explores the factors affecting students’ Intention to maintain their accommodation. The research results show 6 factors that affect students’ Intention to maintain their accommodation: Reasonable price, Safety, Facilities, Geographical location, Personal achievement, and Self-development.

Keywords: accommodation, students, intention to maintain, Ho Chi Minh City

GIỚI THIỆU

Tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường nhà trọ dành cho sinh viên được đánh giá là luôn luôn sôi động. Chỉ một số trường đại học có ký túc xá, nhưng số lượng ít, yêu cầu đạt nhiều tiêu chí xét duyệt, dẫn đến việc thuê chỗ ở trọ trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều sinh viên và phụ huynh. Chỗ ở trọ có ảnh hưởng lớn đến thành tích cá nhân và sự phát triển năng lực của sinh viên. Tuy nhiên, với số lượng sinh viên đông đảo và nhu cầu đa dạng, hiện nay có khá nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ nhà trọ, nhưng chưa đáp ứng tốt nhu cầu của sinh viên. Các nhà trọ cho sinh viên đa số tự phát, tiềm ẩn rủi ro về an toàn, vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học tập và đời sống của sinh viên. Vì vậy, sau một thời gian cư trú, nhiều sinh viên có khuynh hướng thay đổi chỗ trọ cho phù hợp với nhu cầu của mình. Nghiên cứu này được thực hiện để khám phá các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến duy trì chỗ ở trọ của sinh viên đang theo học tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu là một tài liệu tham khảo có ý nghĩa đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ nhà trọ cho sinh viên.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu này chủ yếu dựa trên lý thuyết Hành vi có kế hoạch (TPB) của Ajzen (1985). TPB là một trong những lý thuyết quan trọng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý xã hội để dự đoán hành vi con người. Theo TPB, có 3 yếu tố có ảnh hưởng đến ý định thực hiện hành vi là: Thái độ, Chuẩn chủ quan và Kiểm soát hành vi cảm nhận. Dựa trên TPB, nhiều nghiên cứu như của Võ Thị Lệ Uyển và cộng sự (2021); Pradana và cộng sự (2019); Thức (2021) đã kiểm tra ảnh hưởng của 4 yếu tố quan trọng lên Ý định lựa chọn nhà trọ của sinh viên, gồm: Giá cả hợp lý, Sự an toàn, Cơ sở vật chất, Vị trí địa lý. Bên cạnh đó, tham khảo Najib và Tabassi (2015), 2 yếu tố Thành tích cá nhân và Phát triển bản thân cũng được đưa vào mô hình nghiên cứu.

Giá cả được cho hợp lý khi số tiền phải trả cho chủ nhà để được sử dụng nhà trọ và các dịch vụ đi kèm (như: điện, nước, internet, giữ xe…) là phù hợp với khả năng của bản thân và chất lượng được mang đến. Theo Wen và cộng sự (2018), khi quyết định thuê chỗ ở, khách hàng thường cân nhắc kỹ về giá, đặc biệt đối với nhóm khách hàng có thu nhập thấp như sinh viên. Theo Van den Berg (2020), giá cả chỗ ở trọ phải phù hợp với chất lượng vì điều này ảnh hưởng cao đến quyết định thuê của sinh viên. Theo Thức (2021), cảm nhận của khách hàng về chi phí bỏ ra so với những gì nhận được khi chọn nơi lưu trú là rất quan trọng. Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H1: Giá cả hợp lý có ảnh hưởng tích cực đến Ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên.

Đối với dịch vụ nhà trọ, sự an toàn được khẳng định thông qua các tiêu chí, như: ít xảy ra tệ nạn xã hội (trộm cắp, gây gổ đánh nhau, ma túy, mại dâm), đầy đủ phương chữa cháy, thoát hiểm, chỗ để xe an toàn, có bảo vệ, có camera giám sát, các quy định về nội quy, giờ giấc ra vào hợp lý... (Ike và cộng sự, 2016). Theo Pradana và cộng sự (2019), cảm giác an toàn có ảnh hưởng lớn nhất đến sự lựa chọn nhà trọ của học sinh trung học ở Surabaya. Theo Simpeh và Adisa (2022), máy dò vũ khí, camera giám sát, hệ thống phun nước, thang máy và nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật, thanh chắn chống trộm trên cửa, hộp sơ cứu, nhân viên y tế…, là các biện pháp cần được quan tâm khẩn cấp để sinh viên cảm thấy an toàn và duy trì ở trọ. Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H2: Sự an toàn có ảnh hưởng tích cực đến ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên.

Theo Nimako và Bondinuba (2013), cơ sở vật chất tại nơi ở trọ là điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu đối với mỗi sinh viên như diện tích phòng đảm bảo chức năng tối thiểu cho các hoạt động, không gian thoáng mát, đủ ánh sáng, kết cấu hạ tầng vững chắc, nhà vệ sinh đáp ứng mức tiêu chuẩn cơ bản. Đánh giá của sinh viên đối với tình trạng cơ sở vật chất của chỗ trọ có thể dẫn đến ý định duy trì chỗ trọ, thậm chí đến ý định chọn và đổi trường học (Ike và cộng sự, 2016). Theo Simpeh và Shakantu (2020), cơ sở vật chất có tác động đáng kể đến sự hài lòng của sinh viên, từ đó dẫn đến lòng trung thành và tiếp tục sử dụng. Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H3: Cơ sở vật chất tốt có ảnh hưởng tích cực đến Ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên.

Vị trí địa lý cũng được cho là có ảnh hưởng đến quyết định thuê chỗ trọ của sinh viên. Sinh viên đến từ các khu vực xa trường đại học (bao gồm cả những sinh viên ở nước ngoài) coi chỗ trọ gần trường là một yếu tố quan trọng cung cấp cho họ trải nghiệm đại học tốt hơn (Ike và cộng sự, 2016). Theo Pradana và cộng sự (2019), yếu tố vị trí có ảnh hưởng đến việc lựa chọn chỗ trọ, và sinh viên có khuynh hướng chọn trọ gần trường, giao thông thuận tiện, đường sá rộng rãi. Ngoài ra, sinh viên cũng mong muốn chỗ trọ ở gần cửa hàng tiện lợi, cơ sở y tế và các lớp học ngoại khóa, như: ngoại ngữ, tin học, kỹ năng… (Simpeh và Adisa, 2022). Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H4: Vị trí thuận lợi có ảnh hưởng tích cực đến Ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên.

Theo Najib và Tabassi (2015), thành tích cá nhân của sinh viên bao gồm năng lực, tính chính trực, tự lực, quản lý cảm xúc, thiết lập bản sắc và phát triển các vấn đề cá nhân của sinh viên. Maina và Aji (2017) cho rằng, thành tích cá nhân của sinh viên xoay quanh thành tích học tập, thành tích xã hội và mạng lưới quan hệ trong quá trình sống và học tập tại trường đại học. Vì vậy, một chỗ trọ trong quá trình học đại học nếu tạo điều kiện cho sinh viên gia tăng thành tích cá nhân, thì có thể sẽ được duy trì (Pradana và cộng sự, 2019). Zaman và Hosain (2024) cho rằng, dịch vụ cư trú được coi là xuất sắc nếu có thể giúp phát triển trí tuệ và nhân cách của sinh viên. Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H5: Thành tích cá nhân cao có ảnh hưởng tích cực đến Ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên.

Mặt khác, phát triển bản thân là sự tăng trưởng xã hội, tức là sự tham gia vào các hoạt động đội nhóm đã lên kế hoạch và các tương tác công khai (Najib và Tabassi, 2015). Hầu hết sinh viên chọn ở những nơi giúp giao lưu tốt với những sinh viên khác có xuất thân đa dạng, qua đó duy trì tinh thần đồng đội, khả năng lãnh đạo và các kỹ năng sống độc lập (Simpeh và Shakantu, 2020). Simpeh và Adisa (2022) cho rằng, xu hướng của sinh viên là tìm nơi ở tạo ra sự gắn kết giữa con người và môi trường, gián tiếp làm tăng khả năng tương tác của sinh viên và khả năng hòa nhập xã hội tốt hơn. Zaman và Hosain (2024) lưu ý rằng, tình bạn có thể dễ dàng hình thành khi có cùng sở thích, sống gần nhau và luôn cùng nhau làm mọi việc. Môi trường sống đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tình bạn, hòa nhâp cộng đồng tốt giúp sinh viên thành những cá nhân ấn tượng trong tương lai. Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H6: Khả năng phát triển bản thân có ảnh hưởng tích cực đến Ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu định tính sơ bộ bằng phương pháp phỏng vấn sâu được tiến hành để lấy ý kiến của 8 người quản lý nhà trọ sinh viên, qua đó hiệu chỉnh thang đo. Các phỏng vấn được thực hiện trực tiếp, sử dụng bảng câu hỏi bán cấu trúc. Sau đó, nghiên cứu định lượng sơ bộ được tiến hành để kiểm tra độ tin cậy và tính đơn hướng của thang đo, mẫu gồm 50 đáp viên đang là sinh viên theo học tại TP. Hồ Chí Minh và đang ở trọ bên ngoài ký túc xá. Cuối cùng, nghiên cứu chính thức được tiến hành dưới dạng định lượng, đối tượng khảo sát cũng như nghiên cứu định lượng sơ bộ. Dữ liệu được thu thập thuận tiện bằng Google Form gửi đến các cộng đồng sinh viên, thu về 298 bảng trả lời, trong đó có 292 bảng đạt chất lượng. Thời gian khảo sát được tiến hành từ tháng 3-6/2024. Dữ liệu được phân tích bằng phần mềm SPSS dựa trên Hair và cộng sự (2013). Về mặt đo lường, thang đo của các yếu tố được kế thừa và hiệu chỉnh từ nghiên cứu của Najib và Tabassi (2015) và Pradana và cộng sự (2019). Thước đo Likert 5 điểm (từ 1 = “Rất không đồng ý” đến 5 = “Rất đồng ý”) được sử dụng.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kiểm định thang đo

Kiểm tra độ tin cậy sơ bộ của thang đo bằng phân tích hệ số Cronbach’s Alpha, lần lượt loại 3 biến do tương quan biến – tổng < 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo tăng khi loại biến. Còn 31 biến, phân tích nhân tố khám phá (EFA) với phép quay Promax, lần lượt loại 5 biến do tải lên 2 nhân tố với hiệu số tải < 0,3, bộ thang đo còn 26 biến có hệ số tải đều > 0,7, KMO = 0,835 (p = 0,000 < 0,05). Sau EFA, có 7 nhân tố hình thành, kiểm tra hệ số Cronbach’s Alpha lần thứ 2 đều > 0,7. Tổng phương sai trích = 81,072% giải thích tương đối tốt sự biến thiên của dữ liệu (Bảng 1).

Bảng 1: Kiểm tra độ tin cậy và giá trị hội tụ của thang đo

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

Kiểm định các giả thuyết

Kết quả phân tích tương quan Pearson cho thấy, mức độ tương quan giữa biến phụ thuộc YDINH với các biến độc lập đều có ý nghĩa (Sig. < 0,05) cho thấy, phương pháp phân tích hồi quy là phù hợp. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy 6 giả thuyết đều được ủng hộ, không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến, có 43,2% sự biến thiên của biến phụ thuộc được giải thích bởi 6 yếu tố độc lập trong mô hình (Bảng 2). Từ hệ số hồi quy chuẩn hóa, phương trình hồi quy chuẩn hóa thu được là:

YDINH = 0,272*GIA + 0,341*AN + 0,288*CSVC + 0,271*VITRI + 0,335* TTICH + 0,280* PTRIEN

Bảng 2: Kết quả kiểm định giả thuyết của mô hình cấu trúc

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố ảnh hưởng đến ý định duy trì chỗ ở trọ của sinh viên, đó là: Giá cả hợp lý; Sự an toàn; Cơ sở vật chất; Vị trí địa lý; Thành tích cá nhân và Phát triển bản thân.

Như vậy, Giá cả hợp lý, Cơ sở vật chất, Vị trí địa lý là những yêu cầu căn bản của sinh viên đối với chỗ trọ. Tuy nhiên, Sự an toàn và Thành tích cá nhân mới là hai yếu tố tác động đáng kể lên Ý định duy trì chỗ trọ của sinh viên. Trên thực tế, gần đây, đã xảy ra rất nhiều tai nạn tại nơi ở trọ chẳng hạn như: trộm cướp, hỏa hoạn. Vì vậy, sinh viên bắt đầu chú trọng lên sự an toàn. Bên cạnh đó, mục đích chính của việc học tập là để đạt thành tích cá nhân tốt, nên sau một giai đoạn học tập, sinh viên có thể đánh giá được kết quả học tập, rèn luyện của bản thân, và có khuynh hướng đổi nơi ở nếu kết quả thấp. Điểm đáng chú ý là, yếu tố Phát triển bản thân cũng có ảnh hưởng tích cực đến Ý định duy trì chỗ trọ, qua đó nhắc nhở các các đơn vị đơn vị cung cấp dịch vụ nhà trọ cho sinh viên cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, gắn kết, giúp cho sinh viên phát triển những kết nối xã hội tốt đẹp, từ đó họ yêu thích và trung thành với nơi trọ hơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ajzen, I. (1985), From Intentions to Action: A Theory of Planned Behavior. In: Kuhl, J. and Beckmann, J., Eds., Action-Control: From Cognition to Behavior, Springer-Verlag, Heidelberg, 11-39, http://dx.doi.org/10.1007/978-3-642-69746-3_2.

2. Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J., Anderson, R. E. (2013), Multivariate data analysis: Pearson new international edition PDF eBook, Pearson Higher Ed.

3. Ike, N., Baldwin, C., Lathouras, A. (2016), Student accommodation: who cares?, Planning for Higher Education, 44(3), 46.

4. Maina, J. J., Aji, J. Y. (2017), Influence of Accommodation on the academic performance of Architecture Students, Built environment journal, 14(2), 47-59.

5. Najib, N. U. M., Tabassi, A. A. (2015), Living in on-campus student housing: Students’ behavioural intentions and students’ personal attainments, Procedia-Social and Behavioral Sciences, 170, 494-503.

6. Nimako, S. G., Bondinuba, F. K. (2013), An empirical evaluation of student accommodation quality in higher education, European Journal of Business and Social Sciences, 1(12), 164-177.

7. Pradana, P. J., Setijanti, P., Septanti, D. (2019), Boarding House Preferences by Middle Up Class Students in Surabaya, Int. J. Eng. Res. Adv. Technol, 5(2), 38-45.

8. Simpeh, F., Adisa, S. (2022), On-campus student accommodation safety measures: provision versus risk analysis, International journal of building pathology and adaptation, 40(1), 60-75.

9. Simpeh, F., Shakantu, W. (2020), An on-campus university student accommodation model, Journal of Facilities Management, 18(3), 213-229.

10. Thức, N. N. (2021), Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn phòng trọ của sinh viên ngoại tỉnh học tập ở Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tham luận Hội nghị Khoa học trẻ lần 3, TP. Hồ Chí Minh.

11. van den Berg, L. (2020), The impact of student financial aid reforms on leaving home: Evidence from the Netherlands, Population, Space and Place, 26(2), e2281.

12. Võ Thị Lệ Uyển, Đinh Hoàng Tường Vi, Trần Đức Trung, Trần Thị Bích Chi, Đỗ Thị Kim Chung (2021), Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiếp tục thuê trọ của sinh viên trên địa bàn quận Thủ Đức, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Kinh tế -Luật và Quản lý, 5(2), 1441-1452.

13. Wen, H., Xiao, Y., Hui, E. C., Zhang, L. (2018), Education quality, accessibility, and housing price: Does spatial heterogeneity exist in education capitalization?, Habitat international, 78, 68-82.

14. Zaman, F. U., Hosain, M. S. (2024), Student accommodation characteristics, perceived overall satisfaction and academic performance: evidence from six Scottish universities, On the Horizon: The International Journal of Learning Futures, https://doi.org/10.1108/OTH-02-2024-0006.

Ngày nhận bài: 15/8/2024; Ngày phản biện: 19/8/2024; Ngày duyệt đăng: 05/9/2024