NCS. Phan Thanh Vịnh

Trường Đại học Du lịch, Đại học Huế

TS. Lê Thanh An

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế

PGS, TS. Đặng Văn Mỹ

Trường Đại học Tài chính – Marketing

Tóm tắt

Mục tiêu nghiên cứu này nhằm phân tích thực trạng phát triển điểm đến du lịch Quảng Ngãi theo hướng bền vững ở góc độ kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị. Đồng thời, phân tích ma trận SWOT để hiểu rõ ngành du lịch Quảng Ngãi và đưa ra các hạn chế mà ngành du lịch đang phải đối mặt. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp khuyến nghị nhằm hỗ trợ Quảng Ngãi trong việc phát triển du lịch bền vững.

Từ khóa: điểm đến du lịch bền vững, điểm đến du lịch Quảng Ngãi, thực trạng và giải pháp

Summary

This study aims to analyze the current status of sustainable tourism development in Quang Ngai from an economic, cultural, social, environmental, and political perspective. The study uses SWOT matrix analysis to understand the Quang Ngai tourism industry and identify the limitations that the tourism industry is facing. On that basis, the authors propose recommendations and solutions to support Quang Ngai in developing sustainable tourism.

Keywords: sustainable tourism destination, Quang Ngai tourism destination, current status and solutions

GIỚI THIỆU

Quảng Ngãi là một điểm đến đầy hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên phong phú, di sản văn hóa, di tích lịch sử, kiến trúc truyền thống và nghệ thuật đặc biệt. Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định: “Phấn đấu phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, với hạt nhân Trung tâm du lịch biển - đảo Lý Sơn và du lịch trải nghiệm gắn liền với văn hóa, lịch sử và giá trị cốt lõi của Quảng Ngãi. Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như du lịch biển, đảo, núi rừng, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, tâm linh theo hướng bền vững, chất lượng cao, đẳng cấp, có giá trị gia tăng lớn; thúc đẩy du lịch thông minh gắn với định hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch và trong các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Để đạt được mục tiêu này, cần nhìn nhận lại bức tranh du lịch tỉnh Quảng Ngãi, từ đó có những giải pháp đồng bộ để đưa Quảng Ngãi trở thành một điểm đến du lịch bền vững.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Điểm đến (Destination) là một khu vực địa lý bao gồm tất cả các dịch vụ và cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc lưu trú của một khách du lịch đặc trưng hay một phân khúc du lịch. Có thể coi đó là một phần quan trọng của sản phẩm du lịch (Bieger, 1996). Theo UNWTO (2007): “Điểm đến du lịch là vùng không gian địa lý mà khách du lịch ở lại ít nhất một đêm, bao gồm các sản phẩm du lịch, các dịch vụ cung cấp, các tài nguyên du lịch thu hút khách, có ranh giới hành chính để quản lý và có sự nhận diện về hình ảnh để xác định khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch”.

Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, nhóm tác giả áp dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp nghiên cứu thực địa tại các điểm du lịch, với các đối tượng liên quan như: chính quyền địa phương, du khách, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp du lịch để quan sát, thu thập ý kiến, thông tin và đánh giá về tình hình phát triển du lịch hiện tại ở Quảng Ngãi.

- Phương pháp nghiên cứu và phân tích các tài liệu, báo cáo, chính sách liên quan đến du lịch ở Quảng Ngãi để hiểu về quy hoạch, chiến lược phát triển và các chỉ số đánh giá hiện tại.

- Phương pháp phân tích SWOT để đánh giá các yếu tố mạnh, yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển du lịch bền vững ở Quảng Ngãi.

- Phương pháp so sánh với các địa phương khác có phát triển du lịch bền vững.

Sự kết hợp các phương pháp nghiên cứu trên tạo ra cái nhìn toàn diện về thực trạng phát triển điểm đến du lịch Quảng Ngãi, từ đó đưa ra khuyến nghị để phát triển ngành du lịch Quảng Ngãi theo hướng bền vững.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tiềm năng du lịch tỉnh Quảng Ngãi

Tỉnh Quảng Ngãi được biết đến với nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn, vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, di sản văn hóa lịch sử phong phú và đa dạng để phát triển các loại hình du lịch (Bảng 1).

Bảng 1: Tiềm năng các loại hình du lịch của tỉnh Quảng Ngãi

Loại hình du lịch

Mô tả

Du lịch biển, đảo

Quảng Ngãi sở hữu những dòng sông xen lẫn núi đồi, ghềnh thác cùng với đường bờ biển trải dài hơn 130 km từ cửa sông Trà Khúc ở phía Bắc đến biển Đông ở phía Nam. Bờ biển Quảng Ngãi nổi tiếng với nhiều bờ biển đẹp, thơ mộng và thu hút du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, như: Khe Hai, Phú Thọ - Cô Lũy, Tân Định, Minh Tân, Sa Cần, Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Ba Làng An, Châu Mê cùng nhiều vịnh, vũng nước sâu lớn, nhỏ, như: Dung Quất, Việt Thanh, Nho Na, Vũng Tàu, Sa Huỳnh.… Điểm nhấn là biển đảo Lý Sơn.

Du lịch di sản văn hóa lịch sử

Văn hóa Sa Huỳnh và nền văn hóa khảo cổ ở Quảng Ngãi đã đặt dấu ấn sâu sắc trong lịch sử văn hóa của Việt Nam, được thế giới biết đến từ hàng trăm năm qua. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có di sản văn hóa Champa, với các đền tháp, thành quách và dấu vết của văn hóa cổ xưa, như: thành cổ Châu Sa, Gò Vàng và nhiều di tích lịch sử, như: Ba Tơ, Sơn Mỹ, Ba Gia, Trà Bồng, Vạn Tường. Các làng quê ở Quảng Ngãi còn giữ nhiều loại hình lễ hội cổ truyền, đặc biệt là ở các vùng ven biển, như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là một trong những lễ hội đặc biệt và nổi bật tại Quảng Ngãi, không chỉ là một nghi lễ mà còn là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc, thể hiện sự gắn bó mật thiết của người dân Lý Sơn với biển đảo và nghĩa cử cao đẹp của các hùng binh đã hy sinh vì tổ quốc. Nghệ thuật biểu diễn ở Quảng Ngãi rất đa dạng và phong phú, như: hò; lý; hát.

Du lịch sinh thái

Quảng Ngãi có tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng, như: Gành Yến, thác Trắng, suối Chí, bàu Cá Cái, rừng dừa nước Cà Ninh, rừng dừa nước Tịnh Khê, Khu du lịch sinh thái văn hóa Thảo nguyên Bùi Hui, Khu du lịch sinh thái văn hóa Sa Huỳnh, Khu du lịch Đầm An Khê, Quần thể đô thị nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Thạch Bích - Núi Chúa, Khu du lịch sinh thái Cà Đam.

Du lịch cộng đồng nông thôn

Tại Quảng Ngãi, du lịch cộng đồng nông thôn được thể hiện qua hình thức khám phá và trải nghiệm thực tế bằng cách sống chung với người dân địa phương, tham gia vào các hoạt động hàng ngày của họ và khám phá văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán của vùng đất Quảng Ngãi, như: Sung Tích, Gành Cả - Châu Tân, đầm An Khê làng quê Sơn Mỹ, “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn - Một ngày làm nông dân đất đảo” (Lý Sơn).

Du lịch làng quê nông nghiệp

Du lịch làng quê nông nghiệp ở Quảng Ngãi bao gồm: hoạt động tham gia vào các hoạt động nông nghiệp; trải nghiệm văn hóa và truyền thống địa phương; thưởng thức đặc sản địa phương; tham quan các di tích lịch sử và danh thắng thiên nhiên, như: làng Ra Manh và hồ Đăk Đring, Long Môn - Thác Trắng, thác Cao Muôn.

Du lịch ẩm thực

Quảng Ngãi là một địa điểm tuyệt vời cho du lịch ẩm thực với nhiều món ngon mang đậm hương vị của vùng đất Quảng Ngãi và làm hài lòng cả vị giác của du khách, như: bánh tráng phơi sương, bún mắm, cá sặc nướng trui, bún chả, mực khô, sò điệp, cá bống sông Trà, tỏi Lý Sơn.

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Thực trạng phát triển điểm đến du lịch tỉnh Quảng Ngãi theo hướng bền vững

Tình hình khai thác khác du lịch của Quảng Ngãi

Trong giai đoạn 2015-2023, tình hình du lịch của Quảng Ngãi có nhiều biến động. Ở đầu giai đoạn, lượt khách đến Quảng Ngãi tăng đều, đặc biệt năm 2017 đạt 810.000 lượt khach, tăng 11,7%; năm 2018 đạt trên 1 triệu lượt khách tăng 23,5% (Hình). Điều này có thể được giải thích bởi các chiến dịch quảng bá hiệu quả, cùng sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ du lịch mới, hoặc sự quan tâm tăng cao từ phía du khách. Tuy nhiên, năm 2020, lượt khách đến Quảng Ngãi chứng kiến chiều hướng lao dốc với tốc độ tăng trưởng âm do đại dịch Covid-19. Đến năm 2021, lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi bắt đầu phục hồi với tốc độ tăng mạnh mẽ và đến năm 2023, lượng khách về cơ bản tương đương mức trước đại dịch. Kết quả này là nhờ cả nước kiểm soát được dịch Covid-19, mang lại sự an toàn cho cộng đồng và du khách. Người dân và du khách cảm thấy tự tin hơn khi đi du lịch mà không lo ngại về nguy cơ lây nhiễm. Hơn nữa, Chính phủ đã áp dụng các chính sách khuyến khích du lịch nhằm khôi phục nền kinh tế và ngành du lịch sau đại dịch, bao gồm các gói giảm giá, chiến dịch quảng cáo và các biện pháp khác để thu hút du khách quốc tế và trong nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khách du lịch đến Quảng Ngãi chủ yếu là khách nội địa, trong khi khách quốc tế chiếm một tỷ lệ nhỏ (năm 2023, Quảng Ngãi đón hơn 1 triệu lượt khách, nhưng khách quốc tế chỉ đạt 15.200 lượt). Hay nói cách khác, ngành du lịch Quảng Ngãi đang phụ thuộc vào thị trường nội địa.

Hình: Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Ngãi từ năm 2015 đến 2023

Phát triển điểm đến du lịch Quảng Ngãi theo hướng bền vững: Thực trạng và giải pháp

Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Quảng Ngãi

Pháp triển điểm đến du lịch theo hướng bền vững

Nhóm tác giả nghiên cứu việc phát triển điểm đến du lịch Quảng Ngãi theo hướng bền vững liên quan đến việc cân nhắc và đạt được sự cân bằng giữa các khía cạnh: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và chính trị (Bảng 2).

Bảng 2: Thực trạng phát triển điểm đến du lịch Quảng Ngãi theo hướng bền vững

Các góc độ

bền vững

Thực trạng

Kinh tế

1. Đóng góp vào GDP: Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi, đóng góp đáng kể vào GDP của tỉnh. Năm 2023, doanh thu từ du lịch đạt 1.018 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguồn thu từ du lịch phần lớn vẫn dựa vào một số điểm du lịch chính.

2. Tạo việc làm: Hiện trên địa bàn Tỉnh có 18 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; khoảng 380 cơ sở lưu trú; 2 khu du lịch cấp tỉnh (Mỹ Khê, Lý Sơn) và 3 điểm du lịch được công nhận (Thác Trắng, Minh Tân, thành cổ Quảng Ngãi). Qua đó, tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, từ các dịch vụ lưu trú, ăn uống đến các hoạt động giải trí và hướng dẫn viên du lịch.

3. Phát triển kinh tế địa phương: Du lịch thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương thông qua việc thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

Văn hóa

1. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa: Quảng Ngãi có nhiều di sản văn hóa quý giá như: làng nghề, di tích lịch sử, truyền thống dân tộc. Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là việc bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản này trong quá trình phát triển du lịch, tránh tình trạng mai một và biến dạng văn hóa.

2. Tôn trọng và hòa nhập với cộng đồng địa phương: Việc tạo ra cơ hội cho cộng đồng tham gia vào ngành du lịch, bảo vệ quyền lợi của họ đã hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

3. Giáo dục và tăng cường nhận thức văn hóa: Việc giới thiệu văn hóa địa phương, truyền thống và lịch sử giúp du khách hiểu rõ hơn về địa phương và tạo sự tôn trọng văn hóa trong du lịch.

4. Hợp tác với các bên liên quan: Quảng Ngãi hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong phát triển du lịch. Việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và hợp tác có hiệu quả giúp bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương.

Xã hội

1. Tạo việc làm và cơ hội kinh doanh: Phát triển du lịch bền vững tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực như dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên, nghề thủ công... Điều này giúp cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

2. Tích cực hóa cộng đồng địa phương, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào ngành du lịch, hưởng lợi từ hoạt động du lịch một cách công bằng và bền vững.

3. Bảo vệ quyền lợi và văn hóa của cộng đồng: Điều này bao gồm việc đảm bảo họ được hưởng lợi từ hoạt động du lịch một cách công bằng và không bị ảnh hưởng tiêu cực.

4. Tăng cường an sinh xã hội, bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng khác.

5. Hợp tác và tương tác tích cực: Xây dựng mô hình hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng để đảm bảo rằng phát triển du lịch mang lại lợi ích cho toàn bộ xã hội.

Môi trường

1. Bảo vệ và bảo tồn môi trường tự nhiên: Quảng Ngãi có nhiều di sản thiên nhiên quý giá như: rừng nguyên sinh, biển đảo, hệ sinh thái đa dạng. Phát triển du lịch đã phần nào đi đôi với việc bảo vệ và bảo tồn môi trường tự nhiên để không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

2. Kiểm soát ô nhiễm môi trường, bao gồm việc kiểm soát rác thải, tiếng ồn, khí thải và tiêu thụ nước.

3. Thúc đẩy du lịch sinh thái, tạo ra cơ hội cho du khách trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên địa phương một cách bền vững.

4. Xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, như: hệ thống vận chuyển công cộng, nguồn năng lượng tái tạo và xử lý nước thải nhằm giúp giảm tác động tiêu cực lên môi trường trong quá trình phát triển du lịch.

5. Hợp tác với các tổ chức bảo tồn môi trường để đảm bảo rằng, phát triển du lịch không gây hại đến môi trường tự nhiên và hệ sinh thái địa phương.

Chính trị

1. Bảo vệ an ninh cho du khách: Có các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm du lịch, khách sạn, khu vực giải trí để tạo cảm giác yên tâm cho du khách.

2. Phòng ngừa tội phạm: Đối với ngành du lịch, tội phạm có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của điểm đến du lịch. Do đó, Tỉnh đã tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh cho du khách và người dân địa phương.

3. Hỗ trợ cảnh sát du lịch: Cảnh sát du lịch có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn trật tự và an ninh trong ngành du lịch. Quảng Ngãi chưa có cảnh sát du lịch.

4. Đảm bảo an ninh mạng: Trong thời đại công nghệ số, việc đảm bảo an ninh mạng cũng rất quan trọng đối với ngành du lịch. Tỉnh đã một số biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của du khách và người dân, tránh các vấn đề an ninh mạng tiềm ẩn.

5. Hợp tác đa phương để tăng cường an ninh trong ngành du lịch. Hợp tác đa phương giúp nâng cao chất lượng an ninh và an toàn cho du khách và cộng đồng địa phương.

6. Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch bền vững: Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều về Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có nội dung nâng thời gian lưu trú trong 90 ngày và người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng đã ban hành và triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

Phân tích ma trận SWOT

Nhóm tác giả tiến hành phân tích ma trận SWOT của ngành du lịch Quảng Ngãi theo điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và thách thức (Threats), trình bày cụ thể tại Bảng 3.

Bảng 3: Ma trận SWOT ngành du lịch Quảng Ngãi

STRENGTHS (Điểm mạnh):

1. Có đảo Lý Sơn.

2. Có nhiều vịnh, vũng đẹp.

3. Di sản văn hóa và lịch sử đa dạng.

4. Vị trí địa lí thuận lợi.

5. Vẻ đẹp tự nhiên đa dạng và nhiều bãi biển tuyệt vời.

6. Có sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như: khách sạn, resort, giao thông, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp.

7. Ẩm thực đặc sắc.

8. Cộng đồng địa phương có lòng hiếu khách.

WEAKNESSES (Điểm yếu):

1. Hạ tầng du lịch vẫn còn thiếu một số tiện ích và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách.

2. Chất lượng dịch vụ chưa đồng đều từ việc hướng dẫn, thông tin cho đến ẩm thực và lưu trú.

3. Thiếu chiến lược tiếp thị và quảng bá du lịch mạnh mẽ để thu hút du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

4. Chưa phát triển mạnh mẽ thương hiệu du lịch nổi tiếng như một điểm đến du lịch hàng đầu, cần phát triển thương hiệu có hiệu quả.

5. Bảo tồn di sản chưa đầy đủ và chưa quảng bá đúng mức, dẫn đến việc mất mát và giảm giá trị của nó.

6. Thiếu sự đa dạng trong sản phẩm du lịch để thu hút nhiều đối tượng du khách khác nhau.

7. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng trong ngành du lịch hiện đại để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho du khách.

OPPORTUNITIES (Cơ hội):

1. Phát triển du lịch biển, đảo.

2. Phát triển du lịch sinh thái, kết hợp bảo tồn môi trường và phát triển kinh tế địa phương.

3. Phát triển du lịch văn hóa lịch sử giúp tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và hấp dẫn.

4. Phát triển du lịch cộng đồng, tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia và hưởng lợi từ ngành du lịch.

5. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút du khách trong và ngoài nước.

6. Kết nối du lịch với các địa phương lân cận như: Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên đã tạo ra các sản phẩm du lịch liên kết, tăng cường khả năng cạnh tranh và thu hút du khách.

7. Hợp tác với các đối tác quốc tế để quảng bá và phát triển du lịch Quảng Ngãi trên thị trường quốc tế, đồng thời để học hỏi kinh nghiệm, đổi mới sản phẩm du lịch và mở rộng thị trường tiềm năng.

THREATS (Thách thức):

1. Cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến khác trong và ngoài nước để thu hút du khách, đặc biệt là trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch của Quảng Ngãi.

2. Ảnh hưởng của các yếu tố bất ngờ, như: dịch bệnh, thảm họa tự nhiên có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch tại Quảng Ngãi.

3. Thiếu chiến lược phát triển bền vững kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, văn hóa để đảm bảo ngành du lịch phát triển lâu dài.

4. Thiếu hụt nguồn lực và vốn đầu tư có thể làm giảm khả năng phát triển của ngành du lịch tại Quảng Ngãi.

5. Thiếu sân bay dân dụng.

6. Khả năng tiếp cận các điểm đến chưa thuận lợi, chẳng hạn như Lý Sơn.

7. Du khách ngày nay thường đòi hỏi chất lượng cao khi họ đi du lịch.

Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Dựa vào thực trạng và phân tích ma trận SWOT, nhóm tác giả chỉ ra một số hạn chế của ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi như sau:

(1) Hạ tầng giao thông chưa thật sự hoàn thiện: Mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng hạ tầng giao thông ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều hạn chế. Các con đường đi lại đến các điểm du lịch chưa đủ thuận tiện và có thể gây khó khăn cho du khách.

(2) Thiếu đầu tư mạnh vào các điểm du lịch: Nhiều điểm du lịch ở Quảng Ngãi chưa được phát triển và đầu tư đủ để thu hút lượng lớn du khách. Các dịch vụ và hoạt động du lịch còn hạn chế, không đa dạng và chưa thực sự thu hút khách hàng.

(3) Chưa thật sự tận dụng khai thác tối ưu tiềm năng du lịch: Quảng Ngãi có nhiều tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, nhưng chưa được tận dụng hiệu quả. Việc quản lý điểm đến và bảo tồn các di sản du lịch chưa đạt chuẩn, không tạo nên giá trị thực sự hấp dẫn du khách.

(4) Thiếu kế hoạch quảng bá và marketing có hiệu quả: Các chiến dịch quảng bá và marketing của Quảng Ngãi chưa được đầu tư và triển khai một cách thật sự hiệu quả. Việc thiếu điểm nhấn và sự chuyên nghiệp trong quảng bá đã làm giảm đi sự nổi bật của Quảng Ngãi trên thị trường du lịch.

(5) Thiếu hệ thống dịch vụ du lịch chuyên nghiệp: Các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch và các dịch vụ hỗ trợ khác chưa đạt chuẩn quốc tế, gây khó khăn cho trải nghiệm của du khách và làm giảm sự hài lòng của họ.

(6) Thiếu sự phối hợp và liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch trong chuỗi giá trị liên kết giữa 6 tỉnh: Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Phú Yên để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc và thu hút khách du lịch.

MỘT VÀI KHUYẾN NGHỊ

Để phát triển du lịch Quảng Ngãi một cách bền vững, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường và di sản văn hóa, thu hút nhiều du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhóm tác giả đề xuất thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cấp và mở rộng hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch Xây dựng và cải thiện hạ tầng vận tải công cộng để giảm tải cho giao thông đường bộ, theo đó đầu tư vào các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt du lịch, tàu hỏa... Hợp tác công tư trong đầu tư hạ tầng giao thông bằng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ pháp lý.

Hai là, đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như hệ thống lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ), các điểm ẩm thực, cơ sở vui chơi giải trí để cải thiện chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, không chỉ dừng lại ở những điểm du lịch tự nhiên hay di tích lịch sử, mà còn du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng... Việc đầu tư mạnh mẽ vào các điểm du lịch và các hoạt động du lịch đa dạng là cần thiết để Quảng Ngãi có thể phát triển ngành du lịch và tăng cường sức hút đối với khách du lịch.

Ba là, chú trọng công tác quản lý và bảo tồn di sản du lịch như: di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên, văn hóa dân tộc. Điều này bao gồm việc xây dựng các kế hoạch quản lý, bảo tồn và khôi phục các điểm đến du lịch để bảo vệ giá trị lâu dài và thu hút khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch mang đậm đặc trưng văn hóa và thiên nhiên, giúp tăng cường giá trị trải nghiệm cho du khách và khẳng định thương hiệu du lịch của Quảng Ngãi. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động giáo dục và nghiên cứu du lịch để nâng cao nhận thức và hiểu biết về giá trị của các điểm du lịch trong cộng đồng địa phương (Vuong và Nguyen, 2024).

Bốn là, cải thiện xây dựng chiến lược quảng bá và marketing chi tiết, rõ ràng. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi cần xác định rõ mục tiêu, đối tượng khách hàng, thông điệp giá trị cốt lõi và các kênh tiếp cận du khách. Đầu tư vào quảng cáo và truyền thông đa dạng, từ truyền thông truyền thống đến truyền thông số để nâng cao nhận thức và sự nhận diện thương hiệu của Quảng Ngãi trên thị trường du lịch. Sử dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như: mạng xã hội, marketing số và công cụ SEO để gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng và tăng cường hiệu quả chiến dịch quảng bá.

Mặt khác, cần xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các công ty lữ hành, các tổ chức du lịch và các địa phương khác để tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng. Đào tạo nhân viên trong ngành du lịch về kỹ năng tiếp thị và quản lý để đảm bảo sự chuyên nghiệp và hiệu quả trong các hoạt động quảng bá. Theo dõi và đánh giá hiệu quả bằng cách thiết lập các chỉ số và tiêu chí để đánh giá hiệu quả của các chiến dịch quảng bá và marketing, từ đó điều chỉnh và cải thiện chiến lược theo thời gian.

Năm là, tạo mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch trong vùng Duyên hải miền Trung để chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm và khả năng để phát triển các sản phẩm du lịch chung. Xây dựng các chương trình và sản phẩm du lịch đặc sắc thông qua kết hợp các yếu tố đặc trưng của vùng miền và sự độc đáo của nền văn hóa địa phương vào các chương trình du lịch để tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch chung để các địa phương liên kết và tạo thành chuỗi sự kiện du lịch lớn, từ đó thu hút lượng khách du lịch lớn hơn./.

Lời cảm ơn: Bài viết này là một phần kết quả công trình luận án tiến sỹ “Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển điểm đến du lịch Quảng Ngãi theo hướng bền vững”, được thực hiện tại Trường Du lịch, Đại học Huế.

Tài liệu tham khảo

1. Bieger T. (1996), Destinationen, 1st edition, München: Oldenbourg.

2. Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi (2017-2024), Niên giám thống kê các năm từ 2016 đến 2023, Nxb Thống kê.

3. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 1456/QĐ-TTg, ngày 22/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. UBND tỉnh Quảng Ngãi (2024), Kế hoạch số 12/KH-UBND, ngày 22/01/2024 thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

5. UBND tỉnh Quảng Ngãi (2022), Quyết định số 622/QĐ-UBND, ngày 13/5/2022 phê duyệt Đề án xây dựng chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch quảng ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

6. UBND tỉnh Quảng Ngãi (2024), Quyết định số 393/QĐ-UBND, ngày 22/5/2024 phê duyệt Danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2024-2025.

7. UBND tỉnh Kon Tum (2024). Báo cáo Kết quả triển khai chương trình hợp tác phát triển du lịch 06 tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Phú Yên năm 2023.

8. UNWTO (2007), A Practical Guide to Tourism Destination Management.

9. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.

Ngày nhận bài: 12/7/2024; Ngày phản biện: 20/8/2024; Ngày duyệt đăng: 30/9/2024