Phát triển du lịch áp dụng kinh tế tuần hoàn tại TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh
TS. Phan Thị Thu Hiền
Trường Đại học Ngoại thương
Email: phanthuhien@ftu.edu.vn
TS. Lê Công Thanh
Trường Đại học Thái Bình
Tóm tắt
Mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) hướng đến việc xây dựng các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, từ việc giảm rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng đến việc giáo dục ý thức cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên. Bài viết này khái quát thực trạng phát triển ngành du lịch và hiệu quả của mô hình KTTH trong phát triển du lịch tại TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, đề xuất một số giải pháp liên quan nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình KTTH trong phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố.
Từ khóa: kinh tế tuần hoàn, phát triển du lịch, TP. Uông Bí.
Summary
The circular economic model aims to build environmentally friendly tourism activities, from reducing plastic waste and saving energy to educating the community about the responsibility to protect nature. This article summarizes the current situation of tourism development and the effectiveness of the circular economic model in tourism development in Uong Bi City, Quang Ninh Province. From there, it proposes several related solutions to improve the effectiveness of the circular economic model in tourism development in the city.
Keywords: circular economy, tourism development, Uong Bi City
GIỚI THIỆU
Tại Việt Nam, phát triển du lịch xanh không chỉ là xu thế mà còn là nhu cầu cấp thiết, nhất là ở các địa phương có tiềm năng về thiên nhiên và văn hóa, như TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Nằm ở khu vực Đông Bắc với hệ sinh thái đa dạng, Uông Bí không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên phong phú, như: quần thể Yên Tử, Hồ Yên Trung mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc. Trong những năm qua, địa phương này đã và đang nhận được sự chú trọng đầu tư để phát triển du lịch, tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên chưa thực sự được giải quyết triệt để. Do vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn cần được triển khai như một giải pháp toàn diện, không chỉ khai thác tiềm năng sẵn có mà còn mang lại giá trị bền vững lâu dài cho du lịch của TP. Uông Bí.
CƠ SỞ LÝ LUẬN
Khái niệm kinh tế tuần hoàn
Khái niệm KTTH được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990), được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.
Ellen MacArthur Foundation (2012) định nghĩa: “KTTH là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động, thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”. Hiện nay, đây là định nghĩa được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Kinh tế tuần hoàn có 3 nội hàm cơ bản sau:
(i) Tái tạo tự nhiên: Bảo tồn và tái tạo tự nhiên (đất, nước…) thông qua việc kiểm soát hợp lý các tài nguyên không thể phục hồi và sử dụng cân đối với các tài nguyên có thể phục hồi, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo;
(ii) Kéo dài vòng đời sản phẩm và vật liệu: Tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học;
(iii) Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm: Nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách xác định được và thậm chí tiến tới mức cao hơn là thiết kế các ngoại ứng tiêu cực (thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm).
THỰC TRẠNG NGÀNH DU LỊCH VÀ HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN TẠI THÀNH PHỐ UÔNG BÍ
Thực trạng ngành du lịch tại TP. Uông Bí
TP. Uông Bí nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, được biết đến như một địa phương có tiềm năng lớn về du lịch nhờ sở hữu sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên, lịch sử và văn hóa. Tiêu biểu nhất là quần thể di tích Yên Tử - "đất tổ Phật giáo Việt Nam," điểm đến thu hút hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm. Ngoài ra, TP. còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như Hồ Yên Trung, khu du lịch sinh thái Lựng Xanh, thác Khe Vằn và các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để phát triển du lịch bền vững, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Theo thống kê, hiện Uông Bí có 31 di tích các loại. Trong đó, có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là Khu di tích - danh thắng Yên Tử và đình Đền Công, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 22 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Trong những ngày đầu năm, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP. Uông Bí thu hút đông người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. Đặc biệt, từ mùng 1 Tết đến hết tháng 02/2025, Khu di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Yên Tử đã đón gần 300.000 lượt khách. Riêng các ngày từ mùng 1 đến mùng 10 tháng Giêng, Khu di tích này đã đón gần 130.000 lượt (Phan Hằng, 2024). Cùng với các di tích như: Yên Tử, TP Uông Bí còn có nhiều di tích là các đình, đền, chùa hàng trăm năm tuổi như: Đình Đền Công, đình - chùa Lạc Thanh, đền - chùa Hang Son, chùa Phổ Am… Các di tích đều gắn với những lễ hội độc đáo đầu năm là những điểm du lịch tâm linh có nhiều sức hấp dẫn với người dân, du khách, phật tử vào dịp đầu xuân. Trong những năm qua, du lịch Uông Bí đã có những bước tiến đáng kể với sự gia tăng lượng khách tham quan và nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch. Quần thể di tích Yên Tử không chỉ nổi tiếng là trung tâm Phật giáo lớn mà còn là điểm nhấn về du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng. Hạ tầng tại đây được cải thiện đồng bộ với hệ thống cáp treo hiện đại, khu nghỉ dưỡng, trung tâm đón tiếp du khách, nhà hàng và nhiều dịch vụ tiện ích khác, mang đến trải nghiệm toàn diện cho du khách trong nước lẫn quốc tế. Hồ Yên Trung, một điểm đến thơ mộng với cảnh quan thiên nhiên trong lành, cũng trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ và các gia đình. Các dịch vụ tại đây, như: chèo thuyền Kayak, đạp xe quanh hồ và các quán cà phê ven hồ được phát triển để đa dạng hóa trải nghiệm. Đồng thời, các khu du lịch sinh thái như Lựng Xanh hay thác Khe Vằn đang dần được khai thác, mang lại cơ hội cho du khách khám phá thiên nhiên thông qua các hoạt động ngoài trời như trekking, cắm trại hay dã ngoại. Năm 2024, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh từ siêu bão Yagi, nhưng du lịch Quảng Ninh vẫn nỗ lực về đích mục tiêu năm với 19 triệu lượt khách, trong đó có 3,8 triệu lượt khách nước ngoài - con số kỷ lục từ trước tới nay (Phan Hằng, 2024). Riêng TP. Uông Bí đã đón trên 3 triệu lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó Yên Tử đón 653.560 lượt; Ba Vàng đón 1.608.700 lượt, còn lại là các điểm du lịch khác; khách quốc tế đạt 71.860 lượt; doanh thu du lịch đạt 1.705 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu vé tham quan Yên Tử đạt gần 20 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2025, Thành phố đón trên 1 triệu lượt khách (khách quốc tế 15.000 lượt), tăng 111% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó Yên Tử đón 250.000 lượt; doanh thu du lịch đạt gần 700 tỷ đồng, tăng 145% so với cùng kỳ 2024 (Việt Hoa, 2025).
Tuy nhiên, ngành du lịch Uông Bí vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Lượng khách du lịch tập trung chủ yếu vào mùa lễ hội, đặc biệt là trong giai đoạn lễ hội Yên Tử, dẫn đến sự mất cân đối về mùa vụ. Các điểm đến như Hồ Yên Trung hay khu sinh thái Lựng Xanh thường vắng khách vào mùa thấp điểm, làm giảm hiệu quả kinh tế và chưa khai thác tối đa tiềm năng. Bên cạnh đó, thời gian lưu trú trung bình của du khách tương đối ngắn, thường chỉ kéo dài từ một đến hai ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu từ các dịch vụ đi kèm, như: lưu trú, ăn uống và trải nghiệm văn hóa. Công tác quảng bá du lịch cũng là một điểm yếu khi Uông Bí chưa tận dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ số và mạng xã hội để tiếp cận du khách trong và ngoài nước. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong tổ chức sự kiện văn hóa và sử dụng phương tiện truyền thông truyền thống, nhưng việc thiếu chiến lược truyền thông hiện đại đã làm giảm sức hấp dẫn của thành phố trên bản đồ du lịch.
LỢI ÍCH CỦA MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH
Hiệu quả kinh tế
Trong du lịch, kinh tế xanh kết hợp KTTH tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa không chỉ hấp dẫn du khách bởi tính độc đáo, mà còn giúp tối ưu hóa chi phí vận hành. Việc sử dụng năng lượng tái tạo tại các khu du lịch, như: năng lượng mặt trời hoặc sinh khối, giúp giảm chi phí tiêu thụ điện năng. Đồng thời, việc quản lý rác thải tại chỗ và tái chế các vật liệu phát sinh từ hoạt động du lịch cũng giúp giảm đáng kể chi phí xử lý môi trường. Nhờ đó, doanh thu từ các hoạt động du lịch xanh không chỉ ổn định, mà còn gia tăng khi thu hút các phân khúc du khách cao cấp, có ý thức về bảo vệ môi trường.
Hiệu quả xã hội
Trong ngành du lịch, việc phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng trên nền tảng kinh tế xanh và KTTH không chỉ tạo ra thu nhập trực tiếp cho người dân mà còn khuyến khích họ tham gia vào việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Những sáng kiến như: xây dựng các khu du lịch sinh thái hoặc phát triển các sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường đã góp phần tạo nên sức hút đặc biệt cho các điểm đến, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Ngoài ra, việc áp dụng KTTH vào quản lý tài nguyên và chất thải có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng. Bằng cách giảm thiểu lượng chất thải rắn, hạn chế khí thải độc hại và tái sử dụng tài nguyên hiệu quả, chất lượng không khí và nguồn nước được cải thiện đáng kể. Điều này làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, việc thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ và thực phẩm xanh không chỉ mang lại lợi ích sức khỏe cho người dân mà còn giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Mô hình KTTH kết hợp kinh tế xanh cũng góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các chương trình giáo dục, hội thảo và chiến dịch truyền thông về lợi ích của KTTH đã giúp thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động như phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng sản phẩm và tiết kiệm năng lượng. Tại các địa phương như thành phố Uông Bí, nơi KTTH được áp dụng trong nông nghiệp và du lịch, mô hình này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn xây dựng niềm tự hào và trách nhiệm của cộng đồng đối với quê hương và môi trường. Điều này tạo nên một xã hội đoàn kết, nơi mọi người cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Hiệu quả môi trường
Trong lĩnh vực du lịch, KTTH tập trung vào việc quản lý chất thải bền vững và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Tại các điểm đến như Yên Tử và hồ Yên Trung, việc giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đã góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nâng cao chất lượng không gian sống. Những nỗ lực này không chỉ xây dựng hình ảnh Uông Bí như một thành phố xanh và bền vững, mà còn thúc đẩy ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.
Việc kết hợp kinh tế xanh và KTTH cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Các chương trình giáo dục, hội thảo và chiến dịch truyền thông đã giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích của mô hình này, từ đó tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, như: phân loại rác, tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện với thiên nhiên. Tại Uông Bí, sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương đã tạo nên một nền tảng bền vững, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, xanh sạch và hài hòa với thiên nhiên.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Mô hình KTTH kết hợp phát triển du lịch xanh tại TP. Uông Bí là một hướng đi chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường. Việc triển khai mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, mà còn đảm bảo sử dụng tài nguyên một cách tối ưu, giảm thiểu lãng phí và hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. KTTH trong du lịch đặc biệt tập trung vào việc tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu lượng chất thải phát sinh từ các hoạt động du lịch. Điều này góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, duy trì sự đa dạng sinh học và đảm bảo sự bền vững lâu dài cho các điểm đến du lịch, như: Yên Tử, hồ Yên Trung và các khu du lịch sinh thái khác.
Việc triển khai mô hình KTTH kết hợp du lịch xanh đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào các giải pháp thân thiện với môi trường, như: sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng nhựa và phát triển các sản phẩm du lịch bền vững. Cộng đồng địa phương, với vai trò là người đồng hành trong các hoạt động du lịch, có thể hưởng lợi từ việc tạo ra các nguồn thu nhập ổn định, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về chính sách và tài chính từ chính quyền địa phương là yếu tố không thể thiếu. Cần xây dựng các chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững, cũng như tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Các chương trình giáo dục và truyền thông có thể thúc đẩy người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của KTTH và tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch xanh./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Báo cáo kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Tiềm năng và định hướng phát triển.
2. Ellen MacArthur Foundation (2013), Towards the circular economy: Economic and business rationale for an accelerated transition.
3. Ghisellini, P., Cialani, C., Ulgiati, S. (2016), A review on circular economy: The expected transition to a balanced interplay of environmental and economic systems, Journal of Cleaner Production, 114, 11-32.
4. Phan Hằng (2024), Du lịch "vượt bão" về đích mục tiêu năm 2024, truy cập từ https://dulich.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=4778.
5. Thủ tướng Chính phủ (2025), Quyết định 222/QĐ-TTg, ngày 23/01/2025 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035.
6. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 687/QĐ-TTg, ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
7. UBND tỉnh Quảng Ninh (2024), Kế hoạch số 91/KH-UBND, ngày 4/4/2024 về Tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng năm 2030.
8. Việt Hoa (2025), TP Uông Bí: Tín hiệu vui từ những dự án lớn, truy cập từ https://baoquangninh.vn/tin-hieu-vui-tu-nhung-du-an-lon-3345937.html#:~:text.
Ngày nhận bài: 5/02/2025; Ngày phản biện: 12/2/2025; Ngày duyệt đăng: 11/3/2025 |
* Nghiên cứu này được thực hiện trong phạm vi Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Quảng Ninh: “Xây dựng một số mô hình kinh tế tuần hoàn áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch tại Thành phố Uông Bí”
Bình luận