Quyết định du lịch xanh của người dân TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh biến đổi khí hậu
ThS. Trương Thị Ngọc Hân
Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Email: ttn.han@hutech.edu.vn
Tóm tắt
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng để xác định các yếu tố tác động và mức độ tác động của chúng đến quyết định du lịch xanh (DLX) của người dân TP. Hồ Chí Minh thông qua ý định DLX của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố Chuẩn chủ quan (0,278), Sự quan tâm môi trường (0,223), Nhận thức về DLX (0,206), Truyền thông môi trường (0,173), Nhận thức môi trường (0,142), Nhận thức kiểm soát hành vi (0,113) và Thái độ (0,087) tác động cùng chiều với quyết định DLX thông qua ý định DLX.
Từ khóa: biến đổi khí hậu, du lịch bền vững, quyết định du lịch xanh, TP. Hồ Chí Minh, ý định du lịch xanh
Summary
The study employs a quantitative approach to identify the factors influencing and their impact levels on the green tourism decisions of residents in Ho Chi Minh City through their intention to engage in green tourism. The findings indicate that subjective norms (0.278), environmental concern (0.223), awareness of green tourism (0.206), environmental communication (0.173), environmental awareness (0.142), perceived behavioral control (0.113), and attitude (0.087) all positively influence green tourism decisions through the intention to engage in green tourism.
Keywords: sustainable tourism, green tourism decision, Ho Chi Minh City, green tourism intention
GIỚI THIỆU
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang tác động nghiêm trọng đến TP. Hồ Chí Minh, một trong 10 thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới (Hoàng Thơ, 2024). Lượng khí CO₂ toàn cầu đã tăng gần 28 lần kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai, góp phần làm nhiệt độ trung bình tăng 1,1°C và nước biển dâng 20 cm (Thái Anh, 2024). Đồng thời, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại TP. Hồ Chí Minh cao gấp hơn 4 lần tiêu chuẩn của WHO (Scem, 2024). Trước thực trạng này, du lịch xanh (DLX) nổi lên như một giải pháp bền vững.
Các nghiên cứu trước đây đã tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia DLX, bao gồm nhận thức, thái độ, chuẩn mực chủ quan, kiểm soát hành vi và mối quan tâm đến môi trường (Cheng và cộng sự, 2018; Ibnou-Laaroussi và cộng sự, 2020; Nguyễn Đình Thanh và Nguyễn Thị Thùy Vinh, 2021). Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằn,g nhận thức về tính bền vững, thái độ bảo vệ môi trường và kiến thức xanh có tác động tích cực đến ý định DLX, trong khi chuẩn mực chủ quan có thể ảnh hưởng tiêu cực (Ibnou-Laaroussi và cộng sự, 2020; Đỗ Việt Phương Linh và Phạm Thị Hạnh, 2024). Các nghiên cứu tại Việt Nam đã áp dụng các mô hình TPB, CFA, SEM và SMART-PLS 3 để phân tích ý định lựa chọn DLX, với các yếu tố quan trọng như nhu cầu dịch vụ, chi phí, chính sách hỗ trợ và hình ảnh điểm đến (Đỗ Đình Thanh và Lã Như Hải, 2024; Đỗ Hải Hưng và cộng sự, 2024; Đồng Thị Thu Huyền và cộng sự, 2024). Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu tập trung vào ý định DLX hơn là quyết định thực sự tham gia. Việc hiểu rõ các yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn DLX vẫn chưa được nghiên cứu sâu, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh – nơi có sự khác biệt về nhận thức, thu nhập và hành vi tiêu dùng du lịch. Do đó, nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia DLX của cư dân TP. Hồ Chí Minh và mức độ tác động của từng yếu tố. Thông qua phân tích hồi quy đa biến trên dữ liệu khảo sát, nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở khoa học giúp xây dựng chính sách và chiến lược phát triển DLX, thúc đẩy du lịch bền vững tại TP. Hồ Chí Minh.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Du lịch xanh
Ninerola và cộng sự (2019) cho rằng, DLX khuyến khích các hoạt động giải trí tại vùng nông thôn theo hướng có lợi cho khu vực địa phương. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2019), DLX được hiểu là sự phát triển dựa trên việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại và chất lượng, nhằm khai thác, sử dụng tài nguyên và các nguồn lực một cách hợp lý, hiệu quả để phục vụ ngành du lịch. Phạm Thị Tú Uyên và Phan Hoàng Long (2020) đồng ý rằng, DLX thường được sử dụng như thuật ngữ thay thế cho du lịch nông thôn do có nhiều điểm tương đồng, khi tập trung vào các hoạt động giải trí tại nông thôn và khai thác những giá trị văn hóa, tiềm năng tự nhiên sẵn có. Nguyễn Văn Đính (2021) cho rằng, DLX không chỉ gắn liền với thiên nhiên và văn hóa mà còn giáo dục môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Theo Sanjaya (2023), DLX đôi khi được xem là tương đồng với du lịch sinh thái hoặc du lịch bền vững. Đổ Hải Hưng và cộng sự (2024) khái niệm DLX là mô hình du lịch được phát triển thông qua việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hướng đến việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giá trị di sản và văn hóa, cũng như nâng cao nhận thức của du khách về bảo vệ môi trường.
Lý thuyết về hành vi có kế hoạch (TPB)
Lý thuyết về hành vi có kế hoạch là một công cụ nghiên cứu chính để dự đoán và giải thích ý định hành vi và hành vi thực tế của cá nhân. Nó bao gồm các yếu tố dự báo hợp lý và gán cho động cơ vì lợi ích cá nhân cũng như động cơ vì xã hội. Lý thuyết này cho rằng hành vi bắt nguồn từ ý định cá nhân hay nhận thức về sự sẵn lòng của một người để thử hoặc thực hiện hành vi, ý định lại phụ thuộc vào ba yếu tố: (1) phản ứng thuận lợi hoặc bất lợi (thái độ); (2) ảnh hưởng xã hội kích thích hành vi (chuẩn mực chủ quan) và (3) mức độ dễ dàng nhận thấy khi thực hiện hành vi (nhận thức kiểm soát hành vi). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần cầu bổ sung các biến ủng hộ xã hội vào mô hình TPB, vốn đã thành công và thực dụng rộng rãi trong một số nghiên cứu để giải thích nhiều khía cạnh khác nhau của hành vi môi trường, chẳng hạn như nghiên cứu du lịch. Do đó, mô hình TPB mở rộng được cho là có hiệu quả dự đoán cao hơn so với mô hình ban đầu (Hu và cộng sự, 2019).
Nghiên cứu này sử dụng một mô hình ý định tham gia DLX của khách du lịch phụ thuộc vào ba biến tâm lý: thái độ, chuẩn mực chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi trong bối cảnh tính bền vững của DLX. Đồng thời, Zhang và Chan (2021) cùng với Chakraborty và cộng sự (2022) bổ sung mô hình lý thuyết bằng việc thêm hai yếu tố, đó là: kiến thức về DLX và mức độ quan tâm tới môi trường và cộng đồng. Do đó, nghiên cứu sử dụng mô hình TPB mở rộng bằng cách kết hợp thêm hai biến là mối quan tâm về môi trường và nhận thức về DLX.
Lý thuyết hành động hợp lý (TRA)
Lý thuyết Hành động hợp lý (TRA) do Ajzen và Fishbein phát triển vào năm 1977 nhấn mạnh rằng yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi là ý định thực hiện hành vi. Ý định này chịu tác động của hai yếu tố chính: thái độ của cá nhân đối với hành vi đó và chuẩn chủ quan liên quan đến hành vi.
Mô hình nghiên cứu
Dựa trên cơ sở lý thuyết và những nghiên cứu trước đây, mô hình của nghiên cứu này được xây dựng bằng cách tổng hợp và điều chỉnh một số từ ngữ của thang đo và biến quan sát sao cho phù hợp. Mô hình nghiên cứu “Quyết định tham gia du lịch xanh của người dân TP. Hồ Chí Minh” dựa trên mô hình PATH là mô hình hồi quy tuyến tính bội với các biến độc lập tác động đến biến trung gian “Ý định tham gia du lịch xanh của người dân TP. Hồ Chí Minh”, được trình bày tại Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu
|
Nguồn: Tác giả đề xuất
H1: Thái độ của bản thân đối với môi trường tác động cùng chiều với ý định tham gia DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh
H2: Chuẩn chủ quan tác động cùng chiều với ý định tham gia DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh
H3: Nhận thức kiểm soát hành vi tác động cùng chiều với ý định tham gia DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh
H4: Nhận thức về DLX tác động cùng chiều với ý định tham gia DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh
H5: Nhận thức về môi trường tác động cùng chiều với ý định tham gia DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh
H6: Mối quan tâm về môi trường tác động cùng chiều với ý định tham gia DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh
H7: Truyền thông môi trường tác động cùng chiều với ý định tham gia DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh
H8: Ý định tham gia DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh tác động cùng chiều với quyết định tham gia DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng, thu thập dữ liệu bằng phiếu khảo sát trực tuyến thông qua google biểu mẫu. Kết quả khảo sát thu về là 461 phiếu. Sau khi sàng lọc các phiếu trả lời, có 11 bảng không hợp lệ do trả lời cùng một mức độ cho tất cả các câu hỏi hoặc bị thiếu nhiều thông tin. Kết quả là có 450 phiếu khảo sát hợp lệ.
Các câu hỏi sử dụng thang đo Likert 5 điểm từ đánh giá tiêu cực (Hoàn toàn không đồng ý) tới tích cực (Hoàn toàn đồng ý). Tac giả sử dụng phần mềm SPSS đánh giá độ tin cậy của các thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích mô hình hồi quy để xác định các yếu tố tác động và mức độ tác động của các yếu tố đó đến ý định tham gia DLX của người dân tại TP. Hồ Chí Minh.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Kiểm định độ tin cậy thang đo
Kết quả phân tích Cronbach's Alpha ở Bảng 1 cho thấy, có 1 thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha là YDDLX (0,664) có độ tin cậy chấp nhận được và các thang đo còn lại có độ tin cậy tốt (0,710 – 0,851). Sau khi đã đánh giá độ tin cậy của các thang đo (gồm 35 biến quan sát), các biến quan sát của biến độc lập sẽ được đưa vào phân tích nhân tố khám phá (EFA).
Bảng 1: Kết quả đánh giá độ tin cậy của các thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha
Thang đo | Số biến quan sát còn lại | Hệ số Cronbach's Alpha |
Thái độ (TD) | 5 | 0,790 |
Chuẩn chủ quan (CCQ) | 3 | 0,851 |
Nhận thức kiểm soát hành vi (NTKSHV) | 3 | 0,843 |
Nhận thức về DLX (NTDLX) | 6 | 0,820 |
Nhận thức về môi trường (NTMT) | 5 | 0,776 |
Môi quan tâm về môi trường (QTMT) | 3 | 0,731 |
Truyền thông môi trường (TTMT) | 3 | 0,789 |
Ý định tham gia DLX (YDDLX) | 3 | 0,664 |
Quyết định tham gia DLX (QDDLX) | 4 | 0,710 |
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu
Phân tích EFA
Các thang đo của biến độc lập đã đạt độ tin cậy tiếp tục được đưa vào phân tích EFA. Kết quả ở Bảng 2, 3 và 4 cho thấy, hệ số KMO = 0,834 > 0,5, kiểm định Bartlett có sig. < 0,05, các nhân tố đều có giá trị Eigenvalues > 1. Tổng phương sai trích đạt được 66,105%, trọng số nhân tố của các biến quan sát đều ≥ 0,5 và chênh lệch trọng số của tất cả các biến đều > 0,3. Vì vậy, ngoại trừ biến NTDLX1, NTDLX2 và NTDLX3 đã bị loại tất cả các biến quan sát đều thỏa điều kiện phân tích EFA.
Bảng 2: Hệ số KMO và kiểm định Bartlett của biến độc lập lần cuối
Chỉ số KMO (Kaiser-Meyer-Olkin) | 0,834 | |
Kiểm định Bartlett | Giá trị Chi-Square | 4491,554 |
Bậc tự do | 300 | |
Sig. | 0,000 |
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu
Bảng 3: Tổng phương sai trích biến độc lập lần cuối
Thành phần | Hệ số Eigenvalues khởi tạo | Chỉ số sau khi trích | ||||
Tổng | % Phương sai | Phương sai tích lũy % | Tổng | % Phương sai | Phương sai tích lũy % | |
1 | 6,631 | 26,524 | 26,524 | 2,832 | 11,329 | 11,329 |
2 | 2,117 | 8,468 | 34,992 | 2,721 | 10,886 | 22,214 |
3 | 1,817 | 7,267 | 42,260 | 2,387 | 9,548 | 31,762 |
4 | 1,784 | 7,137 | 49,397 | 2,357 | 9,429 | 41,192 |
5 | 1,662 | 6,649 | 56,046 | 2,114 | 8,456 | 49,647 |
6 | 1,407 | 5,628 | 61,674 | 2,096 | 8,385 | 58,033 |
7 | 1,108 | 4,431 | 66,105 | 2,018 | 8,072 | 66,105 |
8 | 0,877 | 3,510 | 69,614 |
|
|
|
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu
Bảng 4. Ma trận xoay nhân tố
Biến quan sát | Nhân tố | ||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | |
TD4 | 0,736 |
|
|
|
|
|
|
TD1 | 0,722 |
|
|
|
|
|
|
TD5 | 0,709 |
|
|
|
|
|
|
TD2 | 0,701 |
|
|
|
|
|
|
TD3 | 0,641 |
|
|
|
|
|
|
NTMT4 |
| 0,786 |
|
|
|
|
|
NTMT2 |
| 0,721 |
|
|
|
|
|
NTMT3 |
| 0,681 |
|
|
|
|
|
NTMT5 |
| 0,664 |
|
|
|
|
|
NTMT1 |
| 0,604 |
|
|
|
|
|
CCQ2 |
|
| 0,885 |
|
|
|
|
CCQ3 |
|
| 0,809 |
|
|
|
|
CCQ1 |
|
| 0,785 |
|
|
|
|
NTKSHV1 |
|
|
| 0,880 |
|
|
|
NTKSHV3 |
|
|
| 0,873 |
|
|
|
NTKSHV2 |
|
|
| 0,799 |
|
|
|
TTMT2 |
|
|
|
| 0,787 |
|
|
TTMT3 |
|
|
|
| 0,787 |
|
|
TTMT1 |
|
|
|
| 0,748 |
|
|
NTDLX5 |
|
|
|
|
| 0,837 |
|
NTDLX6 |
|
|
|
|
| 0,748 |
|
NTDLX4 |
|
|
|
|
| 0,713 |
|
QTMT2 |
|
|
|
|
|
| 0,788 |
QTMT3 |
|
|
|
|
|
| .756 |
QTMT1 |
|
|
|
|
|
| .739 |
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu
Phân tích hồi quy
Các nhân tố sau khi được gom biến sẽ được đưa vào phân tích mô hình hồi quy đa biến. Kết quả phân tích thu được như sau: Hệ số Durbin – Watson = 1,631 nằm trong khoảng [1;3], cho thấy mô hình có phần dư không tự tương quan; tất cả các biến độc lập trong mô hình đều có hệ số Tolerance lớn hơn 0,5 và hệ số VIF nhỏ hơn 2, vì vậy mô hình không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến; hệ số R2 hiệu chỉnh = 0,626 có nghĩa là mô hình phù hợp với tập dữ liệu là 62,8% hay các biến độc lập giải thích được 62,6% ý định du lịch xanh của người dân TP. Hồ Chí Minh, còn lại là do sai số và các yếu tố khác.
Để kiểm định sự phù hợp của mô hình hồi quy đa biến, nghiên cứu dùng giá trị Sig. của phân tích ANOVA để đánh giá. Kết quả ở Bảng 5 cho biết, giá trị Sig. < 0,05 nên mô hình có ý nghĩa thống kê; phân tích ma trận tương quan cho thấy, các biến độc lập có tương quan trên mức trung bình (từ 0,346 trở lên), hệ số Sig. giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc đều < 0,01 nên mối tương quan tuyến tính giữa chúng là rất chặt chẽ.
Bảng 5: Kết quả phân tích hồi quy (Path 1)
Mô hình | Hệ số chưa chuẩn hóa | Hệ số chuẩn hóa | t | Sig. | Thống kê đa cộng tuyến | |||
B | Sai số chuẩn | Beta | Hệ số Tolerance | Hệ số VIF | ||||
1 | Hằng số | 0,360 | 0,116 |
| 3,105 | 0,002 |
|
|
TD | 0,060 | 0,023 | 0,087 | 2,612 | 0,009 | 0,746 | 1,341 | |
CCQ | 0,235 | 0,028 | 0,278 | 8,445 | 0,000 | 0,768 | 1,303 | |
NTKSHV | 0,075 | 0,020 | 0,113 | 3,683 | 0,000 | 0,880 | 1,136 | |
NTDLX | 0,147 | 0,024 | 0,206 | 6,039 | 0,000 | 0,713 | 1,402 | |
NTMT | 0,106 | 0,025 | 0,142 | 4,218 | 0,000 | 0,739 | 1,353 | |
QTMT | 0,140 | 0,021 | 0,223 | 6,741 | 0,000 | 0,761 | 1,313 | |
TTMT | 0,127 | 0,026 | 0,173 | 4,963 | 0,000 | 0,686 | 1,457 | |
Biến phụ thuộc: YDDLX |
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu
Giá trị Sig. của tất cả các biến độc lập đều < 0,05 chứng tỏ các hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê. Phương trình hồi quy chuẩn hóa được xác định như sau:
YDDLX = 0,278*CCQ + 0,223*QTMT + 0,206*NTDLX + 0,173*TTMT + 0,142*NTMT + 0,113*NTKSHV + 0,087*TD
Phân tích PATH
Nghiên cứu sử dụng mô hình Path để phân tích tác động của chuẩn chủ quan, sự quan tâm về môi trường, nhận thức về DLX, Truyền thông môi trường, Nhận thức môi trường, nhận thức kiểm soát hành vi và thái độ (biến độc lập) đến quyết định DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh (biến phụ thuộc) thông qua ý định DLX (biến trung gian) của họ. Mối qua hệ giữa ý định DLX và quyết định DLX được xem xét cũng bằng hồi quy tuyến tính trong đó biến độc lập là ý định DLX và biến phụ thuộc là quyết định DLX.
Bảng 6: Kết quả phân tích hồi quy (Path 2)
Mô hình | Hệ số chưa chuẩn hóa | Hệ số chuẩn hóa | t | Sig. | Thống kê đa cộng tuyến | |||
B | Sai số chuẩn | Beta | Hệ số Tolerance | VIF | ||||
1 | Hằng số | 0,342 | 0,046 |
| 7,398 | 0,000 |
|
|
YDDLX | 0,902 | 0,013 | 0,953 | 66,883 | 0,000 | 1,000 | 1,000 | |
a. Biến phụ thuộc: QDDLX |
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu
Kết quả ở Bảng 6 cho biết, hệ số Durbin – Watson = 2,001 nằm trong khoảng [1;3] cho thấy mô hình có phần dư không tự tương quan; hệ số R2 hiệu chỉnh = 0,909 có nghĩa là mô hình phù hợp với tập dữ liệu là 90,9%, hay ý định DLX giải thích được 90,9% quyết định du lịch xanh của người dân TP. Hồ Chí Minh, còn lại là do sai số và các yếu tố khác. Giá trị Sig. của phân tích ANOVA < 0,05 nên mô hình có ý nghĩa thống kê.
Hệ số phù hợp của mô hình Path như sau:
R2M = 1 - (1 – R21)* (1 – R22) = 1 – (1 – 0,632)*(1 – 0,909) = 0,9665 (96,65%)
Như vậy, hệ số phù hợp tổng hợp của mô hình Path rất cao. Dựa vào bảng 6, phương trình hồi quy thể hiện mối quan hệ giữa ý định DLX và quyết định DLX như sau:
QDDLX = 0,953*YDDLX
Như vậy, ý định DLX có tác động cùng chiều và mạnh mẽ đến quyết định DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh. Có nghĩa là ý định DLX càng cao, thì khả năng quyết định DLX càng tăng.
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý
Kết quả nghiên cứu cho biết, Chuẩn chủ quan (0,278) là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định DLX. Điều này cho thấy, quan điểm của gia đình, bạn bè và cộng đồng có tác động lớn đến ý định thực hiện DLX. Như vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ý thức bảo vệ môi trường đang dần trở thành xu hướng phổ biến, dẫn đến việc DLX có thể nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Kế đến là yếu tố sự quan tâm môi trường (0,223) và nhận thức về DLX (0,206) cũng có ảnh hưởng đáng kể. Khi người dân quan tâm đến các vấn đề môi trường và có nhận thức rõ ràng về lợi ích của DLX, họ có xu hướng cao hơn trong việc hình thành ý định DLX. Tiếp sau đó là Truyền thông môi trường (0,173) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy ý định DLX. Các chiến dịch truyền thông về bảo vệ môi trường và du lịch bền vững có thể giúp thay đổi thái độ và hành vi của du khách, đặc biệt trong thời đại công nghệ số với mạng xã hội phát triển mạnh. Cuối cùng, Nhận thức môi trường (0,142), nhận thức kiểm soát hành vi (0,113), và thái độ (0,087) tuy có ảnh hưởng thấp hơn nhưng vẫn có tác động đến ý định DLX. Khi người dân nhận thức được tác động tiêu cực của hoạt động du lịch không bền vững và cảm thấy họ có khả năng kiểm soát hành vi của mình, họ sẽ có xu hướng lựa chọn DLX nhiều hơn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tương đồng với các nghiên cứu trước khi xác nhận tác động tích cực của "chuẩn chủ quan", "nhận thức DLX" và "quan tâm môi trường" đến ý định DLX, phù hợp với các nghiên cứu của Ibnou-Laaroussi và cộng sự (2020), Nguyễn Đình Thanh và Nguyễn Thị Thùy Vinh (2021), Đỗ Đình Thanh và Lã Như Hải (2024). Tuy nhiên, nghiên cứu này phát hiện vai trò đáng kể của "Truyền thông môi trường" và "Nhận thức môi trường", hai yếu tố chưa được đề cập trực tiếp trước đây. Đặc biệt, "Thái độ" có tác động thấp hơn so với các nghiên cứu trước, trong khi "Truyền thông môi trường" và "Chuẩn chủ quan" lại ảnh hưởng mạnh đến ý định DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh, khác biệt so với kết luận của Cheng và cộng sự (2018) hay Ibnou-Laaroussi và cộng sự (2020).
Từ kết quả nghiên cứu, tác giả cho rằng, để nâng cao quyết định DLX của người dân TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần đẩy mạnh truyền thông số, tận dụng sức ảnh hưởng của KOLs và cộng đồng để lan tỏa thông điệp về DLX một cách hiệu quả. Đồng thời, chính quyền nên xây dựng các chính sách hỗ trợ như ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch bền vững hoặc tạo điều kiện thuận lợi để du khách tiếp cận các dịch vụ DLX. Việc nâng cao nhận thức môi trường thông qua giáo dục và các chiến dịch truyền thông liên tục cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hành vi DLX lâu dài. Những chiến lược này không chỉ góp phần phát triển du lịch bền vững mà còn giúp ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu trong tương lai./.
Tài liệu tham khảo
1. Chakraborty, S., Soodan, V., & Saha, S. (2022), Going green on the go: are Indian travellers ready to embrace travel responsibilities?, International Journal of Management Practice, 15(6), 731-747.
2. Cheng, J. C. H., Chiang, A. H., Yuan, Y., & Huang, M. Y. (2018), Exploring antecedents of green tourism behaviors: A case study in suburban areas of Taipei, Taiwan, Sustainability, 10(6).
3. Đỗ Hải Hưng, Nguyễn Thị Thanh Hồng và Hán Đức Duy (2024), các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn các tour du lịch xanh tại Hà Nội của sinh viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hùng Vương, 35(2), 3-13.
4. Đỗ Việt Phương Linh, Phạm Thị Hạnh (2024), Đánh giá ý định du lịch xanh của du khách Việt Nam theo lý thuyết hành vi hoạch định mở rộng, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/danh-gia-y-dinh-du-lich-xanh-cua-du-khach-viet-nam-theo-ly-thuyet-hanh-vi-hoach-dinh-mo-rong-29883.html.
5. Đồng Thị Thu Huyền và cộng sự (2024), Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn điểm đến xanh của du khách tại khu vực Đông Nam Bộ, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/cac-yeu-to-anh-huong-den-hanh-vi-lua-chon-diem-den-xanh-cua-du-khach-tai-khu-vuc-dong-nam-bo-30087.html.
6. Đỗ Đình Thanh và Lã Như Hải (2024), Nghiên cứu hành vi lựa chọn sản phẩm du lịch xanh của giới trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/nghien-cuu-hanh-vi-lua-chon-san-pham-du-lich-xanh-cua-gioi-tre-o-tp-ho-chi-minh-30466.html.
7. Ibnou-Laaroussi, S., Rjoub, H., & Wong, W. K. (2020), Sustainability of green tourism among international tourists and its influence on the achievement of green environment: Evidence from North Cyprus, Sustainability, 12(14).
8. Hà Duyên (2024), TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy phát triển du lịch xanh, truy cập từ https://baotainguyenmoitruong.vn/tp-ho-chi-minh-thuc-day-phat-trien-du-lich-xanh-383127.html.
9. Hoàng Thơ (2024). TP. Hồ Chí Minh cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu, truy cập từ https://moitruong.net.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-cap-bach-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-79554.html.
10. Hu, H., Zhang, J., Wang, C., Yu, P., & Chu, G. (2019), What influences tourists' intention to participate in the Zero Litter Initiative in mountainous tourism areas: A case study of Huangshan National Park, China, Science of the Total Environment, 657, 1127-1137.
11. Ninerola, A., Sánchez-Rebull, M. V., & Hernández-Lara, A. B. (2019), Tourism research on sustainability: A bibliometric analysis, Sustainability, 11(5), 1377.
12. Nguyễn Đình Thanh và Nguyễn Thị Thùy Vinh (2021), Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn du lịch xanh ở Việt Nam, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, 142, 102 -121.
13. Nguyễn Văn Đính (2021). Bảo tồn và phát triển du lịch xanh ở Việt Nam, truy cập từ https://tapchimoitruong.vn/chuyen-muc-3/phat-trien-du-lich-xanh-viet-nam-22974.
14. Phạm Thị Tú Uyên, Phan Hoàng Long (2020), Ứng dụng lý thuyết hành vi dự định (TPB) trong nghiên cứu ý định lựa chọn khách sạn xanh của du khách tại thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, 129(5C), 81–95.
15. Thái Anh (2024), Khí hậu toàn cầu biến đổi thế nào trong 100 năm qua, truy cập từ https://vnexpress.net/bien-doi-khi-hau-4796505.html.
16. Sanjaya D., Arief M., Setiadi N.J., Heriyati P. (2023), Research on Green Tourism Intention: A Bibliometric Analysis, Journal of System and Management Sciences, 13(6), 159-185.
17. Scem (2024). Kiểm soát phát thải từ hoạt động giao thông tại TP. Hồ Chí Minh - Kỳ 1: SOS!, truy cập từ https://scem.gov.vn/vi/tin-tuc-trung-tam/van-de-moi-truong/kiem-soat-phat-thai-tu-hoat-dong-giao-thong-tai-tp-ho-chi-minh-ky-1-sos-1341.html.
18. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2019), Nghiên cứu trao đổi về Du lịch Xanh tại Việt Nam hiện nay: Bài học kinh nghiệm của Thái Lan và triển vọng trong tương lai, truy cập từ https://itdr.org.vn/nghien_cuu/nghien-cuu-trao-doi-ve-du-lich-xanh-tai-viet-nam-hien-nay-bai-hoc-kinh-nghiem-cua-thai-lan-va-trien-vong-trong-tuong-lai/.
19. Zhang X. V., Chan S. H. G. (2021), Do Knowledge and Experience Value affect tourism activity participation and buying decision? A case study of natural dyeing experience in China, Sustainability, 13(15), 1-18.
Ngày nhận bài: 20/12/2024; Ngày phản biện: 20/01/2025; Ngày duyệt đăng: 19/02/2025 |
Bình luận