Nguồn năng lượng tái tạo phong phú, đa dạng

Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch, như: than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của con người, tuy nhiên năng lượng hóa thạch là nguồn nguyên liệu không bền vững. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong các nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và thậm chí làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Hơn nữa, các nguồn nhiên liệu nói trên đang dần cạn kiệt, vì vậy việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là một nhu cầu tất yếu.

Năng lượng tái tạo có nguồn phong phú nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao nhân dịp lễ ra mắt Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo ngày 21/6/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh chi phí công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm, việc chuyển đổi năng lượng sang một nền kinh tế xanh hơn sẽ đóng góp vào chống biến đổi khí hậu bằng việc giảm nồng độ khí phát thải nhà kính tới mức an toàn.

Việc sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là sử dụng năng lượng tái tạo sẽ nâng cao chất lượng không khí cho người dân, giảm rủi ro chính trị bằng việc hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như tạo ra phát triển xanh.

Dẫn lời TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trên Báo điện tử Chất lượng Việt Nam cho rằng, nước ta là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo phong phú, đa dạng, như: năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, rác thải…

Trong 4 nước tại khu vực Đông Nam Á được Ngân hàng thế giới khảo sát về năng lượng gió thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia. Không những thế, nước ta còn có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ tốt đến rất tốt để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn.

Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La (con số này bao gồm cả gió trên biển, gió ở thềm lục địa và gió trên đất liền).

Về năng lượng mặt trời, tính từ vĩ tuyến 17 trở vào phía Nam, bức xạ mặt trời nhiều và ổn định trong suốt thời gian của năm, chỉ giảm khoảng 20% trong mùa mưa. Số giờ nắng trong năm ở miền Bắc là vào khoảng 1.500-1.700 giờ, ở miền Trung và miền Nam, là vào khoảng 2.000-2.600 giờ. Ngoài 2 nguồn năng lượng tái tạo kể trên chúng ta còn những nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng sinh khối, khí sinh học, rác thải, địa nhiệt…

Như nguồn năng lượng về rác thải, tổng lượng rác thải toàn quốc khoảng gần 20 triệu tấn một năm, trong đó rác thải sinh hoạt chiếm 85% tương đương khoảng 15 triệu tấn/năm chủ yếu ở các khu đô thị và thành phố. Đây cũng là một nguồn đáng kể để chúng ta có thể sản xuất, biến đổi thành năng lượng.

Nhiều cơ chế ưu đãi

Không chỉ có những thuận lợi về tài nguyên, Việt Nam hiện còn có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp có hướng phát triển năng lượng tái tạo.

Theo đó, Chính phủ đã có nhiều quyết định về cơ chế chính sách hỗ trợ, như: Quyết định 130/2007/QĐ-TTg, ngày 02/08/2007 về cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch; Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Quyết định 24/2014/QĐ-TTg, ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam; Quyết định 31/2014/QĐ-TTg, ngày 05/05/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có các văn bản, như: Quyết định 18/2008/QĐ-BCT, ngày 18/07/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo; Quyết định 22/QĐ-ĐTĐL, ngày 02/04/2014 của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực ban hành biểu giá chi phí tránh được; hay Thông tư số 96/2012/TT-BTC, ngày 08/6/2012 của Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới.

Ngoài ra, tại lễ ra mắt Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo vào ngày 21/6/2017, đại diện Liên minh châu Âu cùng với Đức, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ai-len, Italia, Lucxambua, Xlovakia, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Việt Nam đã ký kết một Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững.

Tuyên bố chung trên sẽ giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là trong việc hỗ trợ các cam kết của Việt Nam trong việc cung cấp một cách hiệu quả năng lượng có chất lượng cao dành cho phát triển xã hội, đa dạng hóa trong đầu tư và mô hình kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, phát triển một thị trường năng lượng cạnh tranh và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.

Cần làm gì để thúc đẩy?

Mục tiêu của Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra là, tỷ lệ đóng góp của nguồn điện năng lượng tái tạo như sau: “Khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050”.

Tuy nhiên, trong những năm qua, dù đã có nhà đầu tư tham gia vào phát triển điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam nhưng cho đến nay công suất của nguồn điện này được phát lên lưới quốc gia vẫn còn hạn chế. Theo Bộ Công Thương, điện gió đến nay chỉ đạt xấp xỉ 100 MW, điện mặt trời trên dưới 15 MW, điện sinh khối cũng chỉ khoảng 10 MW… Những con số này thực sự là quá thấp so với tiềm năng.

Đánh giá về thực trạng này, trên Báo điện tử Công Thương, GS, TSKH. Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, trở ngại lớn nhất khiến các dự án năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn các nhà đầu tư là do giá mua điện gió của Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với giá thành đầu tư. Bên cạnh đó, do đây là những dự án mới, nên trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, thách thức; chi phí đầu tư sản xuất khá lớn.

Nói rõ hơn về những tồn tại này, ông Tăng Thế Hùng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, suất đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn cao. Bên cạnh đó, cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời hiện mới chỉ áp dụng đến ngày 30/6/2019, sắp tới Bộ Công Thương xây dựng cơ chế mới, nên chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư.

Chia sẻ về khó khăn khi tham gia đầu tư phát điện sinh khối tại Việt Nam, ông Trương Đồng Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Vàng nhìn nhận, Chính phủ vẫn thiếu chính sách hỗ trợ cần thiết đối với các nhà đầu tư điện sinh khối khiến cho lĩnh vực này chưa phát triển đúng với tiềm năng.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài gòn Online, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, để đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo thì cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, cần sớm tổ chức lập quy hoạch về phát triển năng lượng tái tạo với sự tham gia của các nhà tư vấn, các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu. Cơ quan tư vấn này sẽ hỗ trợ lập quy hoạch, đo gió, đo bức xạ mặt trời, tính toán năng lượng sinh khối.

Thứ hai, Việt Nam cũng cần có chủ trương xây dựng một đến hai khu công nghệ cao sản xuất chế tạo thiết bị công nghiệp và các thiết bị năng lượng, đặc biệt là thiết bị về năng lượng tái tạo.

Thứ ba, các địa phương có dự án năng lượng tái tạo cần tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có quỹ đất sạch. Việc hỗ trợ quỹ đất cho các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ về thuế, có thể miễn hoặc giảm những năm đầu, và điều chỉnh giá điện gió, điện sinh khối, sẽ giúp có thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này, giúp nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong các năm tới.

Thứ tư, việc hỗ trợ nguồn vốn để hình thành các khu công nghệ cao này là cần thiết vì khi tự sản xuất được vật tư, thiết bị với quy mô đủ lớn sẽ giúp chủ động về vật tư, thiết bị đồng thời giảm giá thành suất đầu tư. Khi đó, giá thành điện của năng lượng tái tạo sẽ giảm.

Thứ năm, nhà đầu tư năng lượng tái tạo cần được miễn giảm thuế để tăng tính khuyến khích; tổ chức nghiên cứu tiềm năng tổng thể, giao nhiệm vụ chỉ tiêu cho các đơn vị, doanh nghiệp lớn phát triển về năng lượng, như: ngành điện, dầu khí, than khoáng sản…/.

Tham khảo từ các nguồn:

https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/lam-the-nao-de-phat-trien-cac-nguon-nang-luong-sach-3664256.html

http://vietq.vn/vi-sao-nen-phat-trien-nang-luong-tai-tao-o-viet-nam-d123754.html

http://www.thesaigontimes.vn/163097/Viet-Nam-can-phat-trien-nhanh-nang-luong-tai-tao.html

http://baocongthuong.com.vn/phat-trien-nang-luong-tai-tao-yeu-cau-tu-thuc-tien.html