TS. Nguyễn Thành Trung

Email: trungnt@hvnh.edu.vn

Học viện Ngân hàng

Tóm tắt

Trình độ phát triển của nguồn nhân lực là thước đo chủ yếu cho sự phát triển của quốc gia nói chung và mỗi lĩnh vực ngành nghề nói riêng. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tác động làm thay đổi phương thức sản xuất, nên đòi hỏi nhân lực ngành tài chính, ngân hàng phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp để ứng dụng công nghệ vào thực hiện công việc. Bài viết trên cơ sở phân tích thực trạng chất lượng nguồn nhân lực tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số ngành tài chính, ngân hàng nhằm tạo động lực và điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số cho nền kinh tế phát triển trong giai đoạn tới.

Từ khóa: nguồn nhân lực, ngân hàng thương mại, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số

Summary

The development level of human resources is a key measure for the development of the country in general and each industry sector in particular. In the context when the impact of the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) has changed production methods, it is required that human resources in the finance and banking sectors must be fully equipped with knowledge, skills, and professional qualifications to apply technology to perform work. The article analyzes the status of human resource quality at commercial banks in Vietnam, and based on that basis proposes solutions to improve the quality of digital human resources in the finance and banking industry to create motivation and conditions to promote digital transformation for the developing economy in the coming period.

Keywords: human resources, commercial banks, industrial revolution 4.0, digital transformation

ĐẶT VẤN ĐỀ

Phát triển nguồn nhân lực luôn là tất yếu trong quá khứ, hiện tại và tương lai, nên việc nâng cao nguồn nhân lực là yếu tố cần thiết, đặc biệt khi toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Cùng với đó, CMCN 4.0 với những công nghệ mới đã đặt ngành ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của ngân hàng. Theo đó, mô hình hoạt động của các NHTM đang dần thích ứng, tích hợp các công nghệ số mới, như: điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)... vào sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ nội bộ của mình. Như vậy, xu hướng các NHTM sẽ cung ứng nhiều dịch vụ ngân hàng đổi mới sáng tạo, cá nhân hóa cao hơn và tăng cường trải nghiệm xuyên suốt, liền mạch hơn cho khách hàng, do đó dẫn đến những tác động mạnh mẽ về cấu trúc lao động. Điều này đặt ra yêu cầu nhân lực ngành tài chính, ngân hàng cần được trang bị những kiến thức mới, thái độ tiếp cận, ứng dụng công nghệ, kỹ năng làm việc mới và phẩm chất nghề nghiệp. Phải nâng cao nhận thức, duy trì và phát triển các kỹ năng của đội ngũ nhân viên thông qua đào tạo, phát triển nghề nghiệp - những người sẽ dẫn dắt sự phát triển của ngân hàng trong tương lai. Vì vậy, việc đào tạo và đào tạo thường xuyên trở lên rất quan trọng trong chiến lược phát triển nhân lực ngành tài chính, ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số để hướng đến mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHUYỂN ĐỔI SỐ

Kết quả đạt được

Quyết định số 986/QĐ-TTg, ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh việc “chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng và của hội nhập kinh tế quốc tế”; “xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng, có trình độ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại”. Như vậy, có thể thấy, Nhà nước rất chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số. Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng Việt Nam đang có những hướng đi cụ thể nhằm xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự chất lượng.

Trong những năm gần đây, các ngân hàng đang ngày càng chú trọng vào công tác tuyển dụng, đào tạo nội bộ để mang lại cơ hội học hỏi và hoàn thiện bản thân trong quá trình làm việc cho mỗi nhân viên. Các trường đào tạo được trang bị không gian thiết bị công nghệ cao kết hợp với thư viện và các phòng chức năng hiện đại nhằm tạo động lực theo đuổi học tập lâu dài của mỗi nhân viên ngân hàng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn phát triển hệ thống học tập trực tuyến E-Learning nhằm giúp cán bộ nhân viên học tập mọi lúc, mọi nơi, như: NHTM cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) với hệ thống quản trị học tập VIB Learning dựa trên nền tảng SaaS với nguồn tư liệu nghiên cứu đa dạng và uy tín của các tổ chức trên thế giới. Techcombank cho biết, đã lựa chọn Amazon Web Service (AWS) làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nhằm giúp Techcombank nâng cao năng lực điện toán đám mây cho cán bộ nhân viên của mình, giúp cho họ có thể ứng dụng thành thạo dịch vụ đám mây, thúc đẩy hợp tác giữa đội ngũ công nghệ thông tin và bên kinh doanh cũng như thúc đẩy các chương trình sáng tạo và phát triển nhân lực số hóa.

Bên cạnh việc chú trọng đào tạo chuyên môn, yêu cầu về kỹ năng mềm; chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và các chứng chỉ hành nghề theo từng vị trí công việc đối với ứng viên tuyển dụng để phát triển nhân lực bền vững cũng được chú trọng. Theo như thống kê về yêu cầu vị trí việc làm tại các công việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay, hầu như tất cả các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đều yêu cầu ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển tốt nghiệp trình độ đại học để đảm bảo trình độ nhận thức nhất định về chuyên môn và hiểu biết chung về kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, tại các vị trí việc làm, họ đều yêu cầu các ứng viên tuyển dụng phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và các chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, các ngân hàng lớn đều yêu cầu ứng viên nộp hồ sơ có chứng chỉ tin học (MOS, IC3,… hoặc sử dụng thành thạo phần mềm word, excel), chứng chỉ ngoại ngữ (B1, TOEIC 450…), thêm các chứng chỉ môi giới bất động sản (lĩnh vực bất động sản), chứng chỉ môi giới chứng khoán (lĩnh vực chứng khoán)… để đảm bảo nhân lực tham gia vào các vị trí công việc đều phải có kỹ năng về công nghệ thông tin ở mức độ cơ bản nhất định, cũng như hiểu biết về ngoại ngữ nhằm phục vụ cho việc sử dụng các phần mềm, máy tính trong quá trình làm việc, thao tác, hỗ trợ khách hàng…

Ngoài ra, mọi ứng viên đều phải có kỹ năng mềm, kỹ năng thiết kế công việc tốt như kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách hàng, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy tốt để hỗ trợ cho việc tư vấn, bán các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng và thích nghi nhằm theo kịp sự biến đổi, phát triển của công nghệ. Các ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính trong tương lai dần sẽ có thể hoạt động theo mô hình, môi trường giống với một công ty công nghệ. Môi trường làm việc tại các tổ chức trên sẽ không còn là một mô hình mang tính truyền thống, đơn thuần như trước đây, vì vậy đây là những yêu cầu bắt buộc để mọi tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những nhân sự chất lượng cao nhằm thực hiện các công việc đạt hiệu quả.

Để bắt nhịp và thích ứng tốt với quá trình chuyển đổi số một cách kịp thời, hiệu quả, các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã có sự chú trọng hơn trong việc tuyển dụng nhân lực và chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài. Có thể kể đến là HDBank đã đẩy mạnh công tác tuyển dụng nhân sự có thế mạnh về công nghệ lõi, như: trí tuệ nhân tạo, Big Data, Blockchain, kỹ năng làm việc trong bối cảnh chuyển đổi số và giỏi ngoại ngữ, đi kèm với yêu cầu về chuyên môn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Techcombank ưu tiên tuyển dụng những người có kinh nghiệm, có nhiều kiến thức và góc nhìn để khi gặp thách thức, đội ngũ nhân lực của họ có thể đưa ra tư vấn, giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, Techcombank hướng đến việc tuyển dụng những nhân tài người Việt đang làm việc tại các trung tâm tài chính công nghệ hàng đầu thế giới, như: Singapore, Anh, Mỹ… vào ngân hàng để làm việc. MBBank cũng đã ưu tiên tuyển dụng những nhân sự có năng lực công nghệ số để hỗ trợ quá trình số hóa toàn diện của ngân hàng. Đồng thời, MBBank cũng đã thực hiện thử nghiệm trao quyền để nhân viên chủ động tìm tòi, học hỏi; khuyến khích họ “dám nghĩ dám làm”, vượt ra khỏi lối tư duy cũ và cống hiến cho công việc đạt hiệu quả cao nhất. Các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng tăng cường tuyển dụng nhân lực có năng lực công nghệ số như MBBank hiện tại có đội ngũ nhân sự và chuyên gia công nghệ lên tới 1.200 người, chiếm hơn 10% nhân sự toàn ngân hàng. Và theo kế hoạch năm 2024, nhân lực công nghệ của MBBank sẽ chiếm tới 25% nhân sự toàn ngân hàng và trở thành lực lượng chủ chốt hỗ trợ MBBank mở rộng quy mô và hoạt động trong vai trò là một doanh nghiệp công nghệ. Hoặc như Techcombank đã tuyển mới 4.800 nhân sự trong hơn 1 năm qua, trong đó có khoảng 1.000 nhân sự làm việc trong bộ phận công nghệ thông tin, chuyển đổi kỹ thuật số…

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản trị và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang đối mặt với một số vấn đề, như:

Thứ nhất, do yêu cầu chuyển đổi số, các ngân hàng Việt Nam đang chịu nhiều áp lực trong việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là các vị trí phát triển công nghệ, ứng dụng; quản trị và phân tích dữ liệu; marketing và kinh doanh trên nền tảng số. Những cán bộ ngân hàng có bằng cấp và năng lực khoa học - công nghệ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ và chủ yếu làm việc tại hội sở trong một số mảng nghiệp vụ nhất định, nên nhóm nhân sự này tại các ngân hàng hiện nay đang thiếu khá nhiều.

Thứ hai, mặc dù những vị trí nghiệp vụ chuyên gia dữ liệu, kỹ sư tài chính hay lập trình viên máy tính là nhân sự được các ngân hàng tìm kiếm nhiều nhất, với mức lương cao, nhưng lại thiếu hụt nguồn cung. Hiện tại, chuyên viên công nghệ thông tin ngân hàng có mức lương trung bình là 40,5 triệu đồng/tháng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Báo cáo lương IT 2023 - 2024), còn với những người có kinh nghiệm làm việc và trình độ chuyên môn tốt, mức lương thậm chí có thể cao hơn (đây là mức thu nhập rất cao so với mặt bằng chung của xã hội và của ngành Ngân hàng). Tuy nhiên, dù cho mức đãi ngộ, lương, thưởng hấp dẫn để thu hút, nhưng các ngân hàng vẫn không thể tuyển dụng được nhân lực đáp ứng yêu cầu, do nguồn cung ứng thiếu nhân lực được đào tạo chính quy và đào tạo nội bộ ở lĩnh vực này còn chậm hoặc nhân lực có trình độ chưa được như kỳ vọng.

Thứ ba, đội ngũ nhân lực của các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn nhiều hạn chế về kỹ năng, năng lực về công nghệ số, tư duy mở và khả năng thích nghi. Điều này dẫn đến một số tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng khó tuyển được đội ngũ nhân lực chất lượng cao do bị khống chế bởi quy định, quy chế về tiền lương và thu nhập.

Thứ tư, khả năng khủng hoảng thiếu nhân lực ngành tài chính, ngân hàng của Việt Nam trong nền kinh tế số. Do yêu cầu chuyển đổi số, các tổ chức tài chính, ngân hàng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều nhu cầu về những vị trí việc làm đòi hỏi sự thích nghi với công nghệ và nhân lực ở trình độ cao. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực cấp cao trong ngành tài chính, ngân hàng. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2023), 95% ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng đã triển khai các bộ phận chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, sáng kiến đổi mới sáng tạo. Dự báo trong giai đoạn 2024- 2025, nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm khoảng 15.000 ÷16.000 người với hơn 56% là nhân lực tốt nghiệp từ đại học trở lên. Giai đoạn 2026-2030, con số này dự đoán vào khoảng 16.000÷17.500 người (Trường Thịnh, 2024). Xu thế chuyển đổi số của các ngân hàng đang tạo ra những thay đổi to lớn về lực lượng lao động trong lĩnh vực này.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Đề nguồn nhân lực ngành tài chính, ngân hàng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành, cũng như đáp ứng yêu cầu của thời đại kinh tế số, xã hội số, thì đòi hỏi cần có sự phối kết hợp của các bên liên quan để thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Một là, các trường đại học, cao đẳng cần có chương trình đào tạo phù hợp với sinh viên trong bối cảnh CMCN 4.0. Đặc biệt, các trường có ngành/chuyên ngành đào tạo về tài chính, ngân hàng cần có sự cập nhật và thay đổi để đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi sinh viên ra trường. Đồng thời, phải tăng cường liên kết với các NHTM để tạo điều kiện cho các sinh viên được thường xuyên thực tập và trải nghiệm trong môi trường làm việc thực tế, giúp các sinh viên hạn chế những bỡ ngỡ và sớm bắt nhịp với công việc khi ra trường.

Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường vai trò trong việc thúc đẩy và bồi dưỡng nhân tài, có những chính sách hỗ trợ đặc biệt với các ngân hàng để bồi dưỡng nhân sự chất lượng cao; thường xuyên tổ chức các khóa học, hội thảo, diễn đàn... trong nước và quốc tế để các ngân hàng thường xuyên trao đổi, học tập về kiến thức và công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng.

Ba là, ngành ngân hàng cần chủ động đào tạo và quản trị nguồn nhân lực hiện có. Thực tế tại nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có nguồn nhân lực khá yếu về năng lực chuyên môn, đặc biệt là năng lực về tin học, ngoại ngữ, kỹ năng tư duy, thích ứng, trong đó tập trung chủ yếu vào đội ngũ nhân sự lớn tuổi hoặc nhân sự tuyển dụng không qua quá trình sàng lọc kỹ càng. Vì vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra một cách mạnh mẽ, mọi tổ chức chưa thể tuyển dụng được ngay số lượng đội ngũ nhân lực có kỹ năng, kinh nghiệm về công việc, năng lực công nghệ số thì việc thực hiện, tổ chức các hoạt động đào tạo và đào tạo lại tại mọi cấp từ nhân viên tới cán bộ quản lý nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc là điều hết sức cần thiết. Trong đó, chú trọng tới các kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng thích nghi, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng công nghệ nhằm thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ và quá trình chuyển đổi số.

Bốn là, ngành ngân hàng sớm hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng. Để có thể tuyển dụng được những nhân sự chất lượng cao, mỗi ngân hàng cần hoàn thiện quy trình tuyển dụng một cách khoa học nhất nhằm tìm ra những ứng viên, tài năng tốt nhất cho các vị trí tuyển dụng. Đảm bảo cho mọi ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển đều phải được sát hạch một cách chính xác, đảm bảo đủ mọi tiêu chuẩn mà tổ chức đã đề ra phù hợp với yêu cầu về vị trí việc làm của ứng viên đó đăng ký. Đảm bảo, mỗi đợt tuyển dụng, đều có nhiều ứng viên xuất sắc ứng tuyển tạo điều kiện cho nhà quản trị có thể lựa chọn được ứng viên phù hợp nhất.

Năm là, ngành ngân hàng cần phối kết hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu xây dựng các cơ chế đãi ngộ nhằm thu hút và giữ chân các nhân tài. Nhân sự chính là nền tảng để xây dựng và gia tăng sức mạnh nội bộ, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu không có các chính sách thu hút nhân tài, doanh nghiệp sẽ trở nên yếu thế với các đối thủ cùng ngành sở hữu nhân sự giỏi. Vì vậy, đưa ra cơ hội việc làm và các đãi ngộ hấp dẫn nhằm thu hút ứng viên. Thông qua các kênh tuyển dụng các nhà tuyển dụng cần chiêu mộ được ứng viên có năng lực, có thể đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi của doanh nghiệp trong quá trình làm việc. Các ngân hàng, doanh nghiệp cần chú trọng đến phục vụ đẩy mạnh quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ số để phục vụ khách hàng còn phải chú ý đến nhân lực trong quá trình xây dựng, quản trị công tác số hóa nhằm đảm bảo sáng tạo, tiếp tục phát triển công tác số hóa và đảm bảo an toàn thông tin trong thời đại chuyển đổi số.

Sáu là, trong mỗi tổ chức của ngành ngân hàng cần tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát triển các kỹ năng số cho cán bộ, nhân viên. Các tổ chức thuộc lĩnh vực ngân hàng cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện, tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội cọ xát với các sản phẩm số, các ứng dụng số hay môi trường làm việc số. Trên cơ sở đó tạo cho họ một động lực (áp lực) cần thiết phải thay đổi, phải trau dồi kiến thức, kỹ năng số để đảm bảo bản thân họ có thể tiếp tục tham gia vào hoạt động của tổ chức mình./.

Tài liệu tham khảo:

1. Itviec (2024), Báo cáo lương IT 2023-2024, truy cập từ https://itviec.com/blog/bao-cao-luong-it/.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2023), Báo cáo khảo sát chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023.

3. Richa Chaudhary (2020), Green Human Resource Management and Employee Green Behavior: An Empirical Analysis, Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 27(2), 630-641.

4. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 986/QĐ-TTg, ngày 08/8/2018 về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

5. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

6. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 về phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

7. Trường Thịnh (2024), Nhu cầu nhân lực số tăng cao ở ngành ngân hàng, truy cập từ https://dantri.com.vn/giao-duc/nhu-cau-nhan-luc-so-tang-cao-o-nganh-ngan-hang-20240527064644845.htm.

Ngày nhận bài: 10/6/2024; Ngày phản biện: 25/6/2024; Ngày duyệt đăng: 09/7/2024