Sốt ruột vì nhiều lãng phí

Trong các phát biểu của mình khi thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, diễn ra sáng nay (ngày 26/7), các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra nhiều hình thức lãng phí. Theo Văn phòng Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Đào Hồng Vận (Hưng Yên) nêu lên tình trạng chậm tiến độ, chậm triển khai, hoàn thành trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng... gây lãng phí không nhỏ, trong đó có lãng phí về tài chính do tăng giá, trượt giá, tăng vốn; lãng phí về cơ hội do không kịp thời đưa công trình vào sử dụng để phát huy hiệu quả; lãng phí về mặt xã hội do ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Nguyên nhân của những hạn chế này là do chưa có sự đồng bộ về cơ chế, chính sách, công tác chuẩn bị đầu tư còn hạn chế...

“Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai làm sao đồng bộ, thuận lợi trong quá trình triển khai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các khâu từ giao kế hoạch, thẩm định, quyết định đầu tư... Cần nâng cao phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản gắn với giao quyền, chịu trách nhiệm...”, ông Vận đề xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực rất trầm trọng
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề nghị Chính phủ làm rõ hơn tình trạng lãng phí về nguồn lực con người, lãng phí trong tiêu dùng. Ảnh: Quốc hội

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), cho rằng cử tri và nhân dân bức xúc về lãng phí trong đầu tư công. Chậm giải ngân đầu tư công là gây lãng phí. Khi huy huy động vốn và trả lãi cho vốn đó, nhưng số vốn này không giải ngân được, không đưa vào công trình, nên gây lãng phí qua việc trả tiền lãi. Khi công trình triển khai chậm tiến độ, làm chậm những công trình, hoạt động kinh tế - xã hội khác, thì gây ra những lãng phí cho ngành, lĩnh vực khác có liên quan...

“Nhiều dự án đầu tư công không có hiệu quả hoặc hiệu quả không cao cũng gây ra lãng phí rất lớn, không mang lợi ích xã hội. Những hoạt động đầu tư không chắc chắn, không ổn định là do không có sự phối hợp và tính toán chắc chắn về bước đi, lộ trình. Tình trạng lãng phí về nguồn lực con người, lãng phí trong tiêu dùng, cũng cần được Chính phủ nhấn mạnh thêm...”, ông Cường đề nghị.

Tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, kỷ luật kỷ cương tài chính ngân sách có tiến bộ, nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm như: Phân bổ giải ngân vốn đầu tư công chậm; chi thường xuyên cao hơn mục tiêu phấn đấu; vẫn còn tình trạng chi sai chế độ, định mức; một số giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa cao như đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo khắc phục việc chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao chất lượng báo cáo, khắc phục tình trạng báo cáo có một số mặt còn chung chung, không cụ thể số liệu. Các đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo Chính phủ cần chỉ rõ các bộ, địa phương chưa thực hiện tốt hoặc vi phạm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để chấn chỉnh...

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm hiện hành vào kỳ họp cuối năm tiếp theo làm cơ sở cho việc lập, phân bổ dự toán ngân sách năm sau, góp phần quản lý sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn lực tài chính ngân sách của nhà nước...”, ông Hải cho hay.

Về thu hồi tài sản do tham nhũng thất thoát, lãng phí, theo ông Hải, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hệ thống pháp luật và các định mức tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu chưa phù hợp thực tiễn. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị tập trung khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý khai thác sử dụng đất, tài nguyên; rà soát, thống kê lại diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, nhà ở, đất đô thị chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích…, để có giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí...

Phát hiện nhiều sai phạm

Báo cáo với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về chấp hành kỷ luật, kỷ cương, Bộ Tài chính luôn coi đây là vấn đề cốt lõi nếu lãnh đạo không kiểm tra thì xem như không lãnh đạo.

“Năm 2020, thanh tra cả nước đã tiến hành 6.199 cuộc thanh tra hành chính, 181.227 cuộc thanh tra chuyên ngành và đã phát hiện nhiều sai phạm. Từ đó, đã thu hồi nhiều tỷ đồng, thu hồi đất sai phạm, kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 97 vụ việc sai phạm...”, ông Phớc cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực rất trầm trọng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo với Quốc hội về công tác chống lãng phí. Ảnh: Quốc hội

Liên quan đến chấn chỉnh hoạt động của các quỹ ngoài ngân sách, ông Phớc thừa nhận, nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả. Bộ Tài chính đang đề nghị với Chính phủ, Quốc hội sẽ giảm khoảng 30 quỹ trong tổng số 52 quỹ ngoài ngân sách hiện nay...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Quốc hội bố trí thời gian để nghe trình bày báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cho thấy tầm quan trọng của công tác này. Đây là nội dung lớn cần đặt ra trong giai đoạn hiện nay, không để trở thành vấn đề cản trở sự phát triển, gây bức xúc cho nhân dân. Do đó, cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lãng phí.../.