Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Bộ Tài chính cần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh
Tập trung gỡ khó cho kinh doanh
“Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khoá, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh...”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo như vậy, tại Hội nghị sơ kết ngành Tài chính 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (ngày 16/7).
| |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư. Ảnh: Tạp chí Tài chính |
Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành Tài chính phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích, dự báo; rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý Bộ Tài chính rà soát vấn đề thể chế, nhất là những điểm chồng chéo, tạo rào cản cho sản xuất - kinh doanh, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững. |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý Bộ Tài chính rà soát vấn đề thể chế, nhất là những điểm chồng chéo, tạo rào cản cho sản xuất - kinh doanh, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững. Bộ Tài chính cần đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử; mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số hóa trong cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Định kỳ đối thoại với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
“Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh...”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với chỉ đạo Bộ Tài chính đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá thoái vốn theo tiến độ, đảm bảo dự toán thu cho cả giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính chú trọng công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trên cơ sở các chỉ tiêu, số liệu kinh tế xã hội, nguyên tắc điều chỉnh phân bổ dự toán ngân sách thường xuyên, tỷ lệ điều tiết, bổ sung cân đối ngân sách phù hợp cho các địa phương, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Kiên quyết chống thao túng giá chứng khoán
Ông Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên nhiên phụ liệu đầu vào đã tăng giá mạnh trong các tháng đầu năm, để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, Bộ cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm.
“Tăng cường quản lý, giám sát chứng khoán, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền nóng, đảm bảo phát triển ổn định thị trường, khắc phục tình trạng nghẽn lệnh do lỗi kỹ thuật. Kiên quyết chống thao túng giá trong hoạt động chứng khoán và xử lý nghiệm các hành vi vi phạm...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến kỷ cương của ngành Tài chính nói chung, ông Lê Minh Khái yêu cầu ngành Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên...; thực hiện các kết luận của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán; chuyển đổi cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa các chế tài xử lý đảm bảo đủ mức độ răn đe; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm./.
Bình luận