Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm
“Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước…”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, tại Hội thảo chuyên đề 7 trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0, vừa được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với chủ đề: "Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", theo Ban Kinh tế Trung ương.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia còn chậm được triển khai. (Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương) |
Cũng theo ông An, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nước ta những năm qua có những phát triển mới, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn không ít những tồn tại như: hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển Internet vạn vật, thành phố thông minh, sản xuất thông minh… Hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia còn chậm được triển khai; cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ; hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn…
“Hạ tầng điện phục vụ cho hạ tầng viễn thông còn có những điểm chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp...”, ông An cho biết.
Ông Phan Hồng Tâm, Giám đốc hạ tầng, FPT Smart Cloud phát biểu tham luận. (Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương) |
Chia sẻ tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã làm rõ các nội dung về: phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; chuyển đổi số để hoàn thiện thể chế nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cả nước bảo đảm tính đồng bộ, kết nối trong nội bộ ngành, liên ngành, liên vùng trên phạm vi cả nước; sử dụng nền tảng số để phát triển bền vững, xây dựng hạ tầng kỹ thuật số đảm bảo an toàn, an minh mạng để ứng dụng nhiều hơn nữa các nền tảng công nghệ số...
Các chuyên gia cũng tập trung phân tích về hạ tầng cho phát triển bền vững - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam; ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực phục hồi sau đại dịch trong dài hạn; dẫn đầu chuyển đổi số ưu việt...
Kết luận hội thảo, Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng, Bộ Quốc phòng cho biết, sau hội thảo, các kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được báo cáo với Thủ tướng và các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước tại phiên toàn thể (diễn ra vào ngày 6/12 tới); đồng thời sẽ được Tổ biên tập Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022./.
Bình luận