Quản lý nhà nước đối với phát triển bền vững làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Ngô Minh Phương
Ban Thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn
Tóm tắt
Thông qua các dữ liệu thứ cấp của Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh và kết quả khảo sát 380 người (cán bộ quản lý, chủ thể kinh doanh) tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh, bài viết nhằm đánh giá về thực trạng quản lý nhà nước (QLNN) đối với phát triển bền vững (PTBV) làng nghề tỉnh Bắc Ninh. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả QLNN đối với PTBV làng nghề tỉnh Bắc Ninh.
Từ khóa: phát triển làng nghề, quản lý nhà nước, yếu tố ảnh hưởng, phát triển bền vững
Summary
Through secondary data from the Department of Industry and Trade of Bac Ninh Province and the results of a survey of 380 people (managers, business entities) in craft villages in the province, the article aims to assess the current situation management status for sustainable development of craft villages in Bac Ninh Province. From there, the author proposes solutions to improve the effectiveness of state management for the sustainable development of craft villages in Bac Ninh Province.
Keywords: craft village development, state management, influencing factors, sustainable development
ĐẶT VẤN ĐỀ
Nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh là tỉnh phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp trong những năm gần đây. Bắc Ninh ngoài là địa phương tập trung các khu công nghiệp lớn, thì các công ty, xưởng chế xuất vừa và nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh, Bắc Ninh còn nổi tiếng với sự phát triển mạnh mẽ các làng nghề, như: đồ gỗ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, giấy Yên Phong, thép Đa Hội, tranh dân gian Đông Hồ, bún bánh Khắc Niệm, tái chế Nhôm Văn Môn, gốm Phù Lãng… Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã rất quan tâm đến PTBV làng nghề, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động QLNN đối với PTBV làng nghề nói chung và đối với PTBV làng nghề nói riêng mặc dù đã được quan tâm, song còn chung chung, nguồn lực thực hiện hạn chế, nên hiệu ứng của chính sách còn mờ nhạt, chất lượng phát triển làng nghề chưa cao. Vì vậy, việc nghiên cứu QLNN đối với PTBV làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là vấn đề cấp thiết có ý nghĩa về mặt thực tiễn.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Bài viết sử dụng kết hợp dữ liệu thứ cấp và sơ cấp để làm căn cứ để đánh giá thực trạng QLNN đối với PTBV làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nghiên cứu các bối cảnh mới hiện nay, qua đó giải quyết nhiệm vụ chính là đề xuất các giải hoàn thiện QLNN đối với PTBV làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Bài viết thực hiện khảo sát bằng bảng hỏi đối với 380 người, gồm các đối tượng cụ thể sau: cán bộ QLNN liên quan đến làng nghề (80 người) và các chủ thể sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (300 người). Kết quả khảo sát thu về được 321 phiếu hợp lệ. Thời gian khảo sát tiến hành từ ngày 01/3/2024 đến ngày 30/3/2024.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Bắc Ninh là tỉnh có sự phát triển nhanh chóng về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh những khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, thì Tỉnh có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề cơ bản đạt các tiêu chí về làng nghề, làng nghề truyền thống; trong đó có 21 làng nghề truyền thống và 9 làng nghề mới. Ngoài các làng nghề, tỉnh Bắc Ninh còn có 32 thôn, khu phố có 12 nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc sắc. Hoạt động làng nghề nông thôn đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho đại bộ phận dân cư và đóng góp đáng kể trong tổng sản phẩm của Tỉnh (Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, 2024). Làng nghề Bắc Ninh có sự phong phú và đa dạng, từ chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất các vật dụng gia đình đến các mặt hàng mỹ nghệ, các sản phẩm nghệ thuật giàu sáng tạo, thể hiện sự khéo léo, tài tình của người thợ, nghệ nhân làng nghề.
Bên cạnh sự đóng góp ngày càng lớn của các làng nghề vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, thì quá trình sản xuất tại đây cũng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn đến sự thiếu bền vững trong phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (Bảng 1).
Bảng 1: Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề tỉnh Bắc Ninh
Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, 2024 |
Trước thực trạng đó, hoạt động QLNN đối với PTBV làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện, thông qua hình thành hệ thống văn bản quản lý nhằm điều chỉnh các hoạt động phát triển làng nghề, như Quyết định 609/QĐ-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030”.
Bảng 2: Kết quả đánh giá về thực trạng QLNN đối với PTBV làng nghề tỉnh Bắc Ninh
Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả, 2024 |
Kết quả khảo sát đối với các chủ thể kinh doanh tại các làng nghề và các cán bộ quản lý tại các làng nghề đối với 7 nội dung tại Bảng 2 cho thấy, việc triển khai xây dựng hệ thống văn bản quản lý và việc QLNN đối với PTBV làng nghề trên địa bàn Tỉnh về xã hội được đánh giá cao với 3,55/5,00 điểm, tương ứng với mức đánh giá tốt, kết quả này thể hiện rõ trong việc bảo đảm việc làm và duy trì bảo tồn các giá trị văn hoá làng nghề nhằm phát triển du lịch của tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh đó, nội dung về kiểm tra, thanh tra trong công tác này chưa được đánh giá cao với 3,17/5,00 điểm.
Cụ thể, công tác QLNN đối với PTBV làng nghề thể hiện qua những kết quả sau:
Thứ nhất, kết quả PTBV làng nghề về kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thông qua các chỉ số chính thể hiện rõ sự thay đổi thông qua tổng doanh thu của các làng nghề, thu nhập bình quân của người lao động tại các làng nghề, tỷ trọng đóng góp của kinh tế làng nghề vào ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, cũng như giá trị xuất khẩu đối với các hàng hoá, dịch vụ tại các làng nghề. Có thể nói, sự tác động của dịch Covid-19 đã có những tác động mạnh đối với kinh tế làng nghề của Tỉnh. Theo Bảng 3, trong các năm 2020-20211, doanh thu, thu nhập bình quân, tỷ trọng đóng góp vào công nghiệp cũng như giá trị xuất khẩu của các làng nghề trên địa bàn Tỉnh đều sụt giảm.
Bảng 3: Kết quả PTBV làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh về kinh tế
Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, 2024 |
Thứ hai, Bảng 4 cho thấy, số lượng lao động làng nghề cũng như kết quả đào tạo, bồi dưỡng, chính sách nghệ nhân và phát triển thương hiệu của Bắc Ninh ngày càng tăng lên, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ cũng như đóng góp về mặt xã hội của các làng nghề.
Bảng 4: Kết quả PTBV làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh về xã hội
Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, 2024 |
Thứ ba, tỷ lệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh có áp dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và xử lý thải trong quá trình sản xuất ngày càng tăng lên (Bảng 5). Điều này cho thấy, công tác QLNN về PTBV làng nghề đã được những kết quả tích cực.
Bảng 5: Kết quả thực hiện mục tiêu của chính sách PTBV làng nghề về môi trường
Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, 2024 |
Bên cạnh những kết quả đạt được từ QLNN đối với PTBV làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, thì công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định trong xây dựng quy hoạch làng nghề (quy hoạch làng nghề chưa thật gắn bó với quy hoạch phát triển du lịch, lễ hội, những thế mạnh vốn có của Bắc Ninh); công tác tổ chức quản lý các nội dung PTBV làng nghề trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm liên quan đến làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chưa thường xuyên và xử lý chưa kịp thời.
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Nhằm nâng cao hiệu quả QLNN đối với PTBV làng nghề tỉnh Bắc Ninh, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện QLNN đối với PTBV làng nghề về kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trong giai đoạn tới tỉnh Bắc Ninh cần triển khai nâng cao chất lượng nguyên liệu, quy hoạch vùng trồng, vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết chuỗi trong sản xuất đang trở thành hướng đi mới tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Bắc Ninh cần có chính sách trợ giúp các cơ sở, các doanh nghiệp làng nghề trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng, như: giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ chi phí di dời cơ sở sản xuất; đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm… để các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh có thể sử dụng mặt bằng ở các khu, cụm công nghiệp làng nghề một cách có hiệu quả. Lồng ghép các nguồn vốn của Nhà nước với các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và đóng góp của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong làng nghề bảo đảm có thể huy động đa dạng các nguồn vốn cho hoạt động PTBV làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề theo Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình thương hiệu quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại - du lịch của các địa phương và Chương trình OCOP.
Hai là, hoàn thiện quản lý nhà nước đối với phát triển bền vững làng nghề về xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới. Đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống gắn với chương trình phát triển du lịch, văn hóa tại các địa phương; Tăng cường mở các tour, tuyến du lịch làng quê, làng nghề truyền thống, phố nghề vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm làng nghề truyền thống.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện quản lý nhà nước đối với phát triển bền vững làng nghề về môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh: Tăng cường đổi mới dụng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, kinh doanh và xử lý chất thải tại các làng nghề; Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề để các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề biết và thực hiện. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở về trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
Bốn là, đảm bảo các điều kiện quản lý nhà nước đối với phát triển bền vững làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh: Hoàn thiện công tác quy hoạch phát triển làng nghề tỉnh Bắc Ninh theo hướng phát triển bền vững; Nâng cao năng lực, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước đối với phát triển bền vững làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Nâng cao năng lực và nhận thức của các hộ gia đình và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đối với làng nghề.../.
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ (2018), Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn.
2. HĐND tỉnh Bắc Ninh (2021), Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 về quan điểm và nguyên tắc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh (2023), Báo cáo kết quả thực hiện Đề án 609 “Bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2023” năm 2023.
4. Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh (2023), Báo cáo kết quả thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bắc Ninh năm 2023 - Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp.
5. UBND tỉnh Bắc Ninh (2021), Quy hoạch làng nghề tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
6. UBND tỉnh Bắc Ninh (2021), Quyết định số 609/QĐ-UBND, ngày 31/12/2021 về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030”.
Ngày nhận bài: 03/11/2024; Ngày phản biện: 10/11/2024; Ngày duyệt đăng: 13/12/2024 |
Bình luận