Để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm, Quốc hội yêu cầu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn, tăng vai trò chủ đạo của Ngân sách trung ương.

Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, theo Văn phòng Quốc hội, đặt ra mục tiêu phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển hàng năm đạt 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Quốc hội yêu cầu trong tổ chức thực hiện, cần phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Riêng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 đặt kế hoạch đạt bình quân 3,7% GDP, nhưng trong tổ chức thực hiện phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống dưới 3,7% GDP.

Quốc hội muốn tăng chi cho đầu tư, giảm chi thường xuyên
Quốc hội yêu cầu giai đoạn 2021-2025 nợ công hàng năm không quá 60% GDP. Ảnh Quốc hội

Quốc hội cho phép tổng mức vay trong giai đoạn 2021-2025 của Ngân sách Trung ương khoảng 3,068 triệu tỷ đồng; nợ công hàng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Quốc hội yêu cầu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng số thu Ngân sách Nhà nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Để thực hiện thành công kế hoạch trên, Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn, tăng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt...

Quốc hội yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Cùng với đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, nợ công, quản lý tài sản công, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.../.