Quy hoạch Hải Dương 2021-2030: Sắp xếp lại không gian phát triển để khơi thông, giải phóng nguồn lực
Chiều ngày 20/6/2023, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Minh Trang |
Hải Dương chưa phát huy hết vai trò, vị thế trong mối quan hệ, liên kết với vùng
Hải Dương có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và thuộc hai hành lang kinh tế quan trọng với Trung Quốc. Tỉnh có vị trí tương đối thuận lợi giữa các khu cảng biển và các cảng hàng không quốc tế chính của miền Bắc, nên có khả năng kết nối trong và ngoài nước khá toàn diện, có vị trí chiến lược về giao thương kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh ở khu vực các tỉnh Bắc Bộ.
Đánh giá về quá trình phát triển của tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian vừa qua, Tỉnh đã đạt được nhiều kết quả phát triển tích cực, nằm ở vị trí thuận lợi trên các hành lang kinh tế phát triển, có giao thông đồng bộ đi qua.
Tỉnh có quy mô kinh tế lớn, đứng thứ 5 toàn vùng với khả năng thu hút FDI đứng thứ 4 trong vùng, dư địa phát triển doanh nghiệp lớn. Cơ cấu kinh tế của Tỉnh đang chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp. Điều kiện sống của người dân thuộc nhóm cao (top 10) cả nước với chênh lệch khoảng cách giàu nghèo trong Tỉnh không lớn.
Tuy nhiên, Hải Dương vẫn chưa phát triển khi thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp; là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế đứng thứ 8/11 tỉnh của vùng ĐBSH; thu ngân sách không bền vững; thu hút đầu tư thấp.
Mặc dù Hải Dương có vị trí địa lý thuận lợi, song chưa phát huy hết vai trò, vị thế của Tỉnh trong mối quan hệ, liên kết với vùng ĐBSH, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các hành lang kinh tế trong các hoạt động kinh tế như thu hút đầu tư, liên kết sản xuất đa ngành, hình thành chuỗi giá trị
Phát triển kinh tế chưa xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn qua tuy có cao hơn so với trung bình cả nước, nhưng chỉ đứng thứ 6 trong vùng ĐBSH. GRDP bình quân đầu người vẫn thuộc nhóm trung bình – thấp của vùng ĐBSH. Tỷ lệ đô thị hóa của Tỉnh trong những năm gần đây tuy có sự tăng trưởng, nhưng vẫn còn diễn ra chậm, thấp hơn bình quân của vùng và cả nước.
Quy mô doanh nghiệp ở mức vừa và nhỏ, thâm dụng lao động và hạn chế trong đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Tuy thu hút được nhiều vốn FDI, nhưng chủ yếu là các dự án có quy mô vốn chỉ ở mức khá và trung bình nên chưa tạo được đột phá cho Tỉnh. Các sản phẩm vẫn chủ yếu là hàng giá trị thấp và chưa có tính phân hóa cao do sản xuất tập trung ở khâu gia công, lắp ráp, sơ chế, dịch vụ giản đơn. Tỷ lệ nội địa hóa thấp. Về cơ bản, hiệu quả kinh tế thu được thấp hơn so với các Tỉnh nằm trong top đầu cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang |
Tổ chức sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất, vốn. Chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, đặc biệt là khâu chế biến, chế biến sâu chưa phát triển dù vùng nguyên liệu rộng lớn, có tính liên kết với các tỉnh lân cận. Liên kết 4 nhà còn yếu, đặc biệt giữa doanh nghiệp và nông dân, dẫn đến tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn, bị đứt gãy, chuỗi giá trị chưa mở rộng. Mức độ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tự động hóa, cơ giới hóa tuy có thành tựu, nhưng chưa cao.
Hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ mới ở quy mô nhỏ, chưa phổ biến, chưa tạo được tác động đáng kể đối với nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm của Tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương phải chỉ rõ được điểm nghẽn ở đâu, cản trở lớn nhất là gì?
Mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và địa phương nói riêng, giúp chúng ta có con đường đi, định hướng cho phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới, không gian mới, tạo động lực mới cho phát triển.
"Quy hoạch phải khai thác được hết các tiềm năng, giúp phát triển nhanh, nhưng quy hoạch cũng phải thực hiện được, tính thực tiễn cao", Bộ trưởng lưu ý
Bộ trưởng cho biết, công tác lập quy hoạch đang được triển khai với tốc độ nhanh hơn; phấn đấu trong năm nay phải hoàn thành xong tất cả các quy hoạch tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, Quy hoạch tỉnh Hải Dương phải chỉ rõ được điểm nghẽn ở đâu, cản trở lớn nhất là gì, cần tranh thủ sắp xếp lại không gian phát triển để làm sao khơi thông, giải phóng các nguồn lực để có thể tăng tốc được nhanh; có thể tạo động lực mới để bứt phá trong phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ủng hộ quan điểm phát triển khu kinh tế tại Hải Dương đã được nhấn mạnh trong Dự thảo Quy hoạch Tỉnh, bởi đây là địa phương không có lợi thế giáp biển, không có cảng, không có sân bay. Các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn đang tích cực khảo sát, tìm hướng đầu tư tại Việt Nam thông qua việc đầu tư vào các khu kinh tế…
"Đây là cơ hội quý để Tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển, có chính sách tốt để thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này", Bộ trưởng lưu ý.
Hải Dương đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 9,7%/năm trong giai đoạn 2021-2030
Tại Hội nghị, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, Hải Dương xác định rõ Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một trong số các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và là sản phẩm chung của cả nước, làm tốt Quy hoạch tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của Vùng và khu vực.
Với cách tiếp cận mới, biện chứng, khoa học và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong công tác lập quy hoạch đã đánh giá đầy đủ, khách quan hiện trạng phát triển của Tỉnh; làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; từ đó xây dựng tầm nhìn, định hướng, mục tiêu, đưa ra các phương án phát triển và các giải pháp để tổ chức thực hiện.
Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, làm tốt Quy hoạch tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của Vùng và khu vực. Ảnh: Minh Trang |
Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh định hướng sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Trong đó, đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ; tiếp tục chuyển dịch kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Tăng GRDP thực tế bình quân đầu người ở mức cao hơn cả nước.
Tới năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng ĐBSH. Ngoài ra, Tỉnh đặt một số tiêu chí cơ bản để Hải Dương trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát triển theo 4 trục phát triển, 5 cực tăng trưởng và 5 vùng phát triển
Theo dự thảo Quy hoạch, không gian phát triển tỉnh Hải Dương trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ theo 4 trục phát triển, 5 cực tăng trưởng và 5 vùng phát triển.
Một số mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế được Dự thảo Quy hoạch Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2025 là 9%; giai đoạn 2026 - 2030 là 10,1% và xuyên suốt giai đoạn 2021 - 2030 là 9,5%/năm. Trong cơ cấu nền kinh tế, tỷ trọng nông nghiệp - công nghiệp xây dựng - dịch vụ - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm sẽ đạt lần lượt là 7,6% - 56,2% - 29,0% - 7,2% tính đến năm 2025 và sẽ đạt tương ứng 5,1% - 58,5% - 30,7% - 5,7% tính đến năm 2030. Mức GRDP bình quân đầu người của tỉnh Hải Dương theo giá hiện hành sẽ đạt khoảng 100 triệu đồng (tương ứng khoảng 4.247 USD) vào năm 2025 và đạt 180 triệu đồng năm 2030 (tương ứng với khoảng 6.887 USD). Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ Quy hoạch khoảng 582 nghìn tỷ đồng. |
Trong đó, Trục phát triển Bắc - Nam theo tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 38, là trục kết nối 2 đô thị lớn của Tỉnh là TP. Hải Dương và TP. Chí Linh và các thị trấn trung tâm huyện nằm trên trục, có tuyến đường Vành đai 5 vùng thủ đô, sẽ tăng cường kết nối các đô thị trong Tỉnh và với các đô thị trong vùng Thủ đô, hình thành nên trục phát triển mới cho Tỉnh.
Trục phát triển Đông - Tây trung tâm Tỉnh dọc theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5, đi qua TP. Hải Dương. Đây là trục phát triển mạnh mẽ trước mắt cũng như lâu dài, đi qua đô thị trung tâm Tỉnh, đã có nhiều khu công nghiệp được xây dựng dọc theo tuyến Quốc lộ 5 và một số dự án khu công nghiệp đã được xác định.
Trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của Tỉnh, đi qua đô thị lớn thứ 2 là TP. Chí Linh, với Quốc lộ 18 đang kết nối với khu vực sân bay Nội Bài, TP. Bắc Ninh, các đô thị của Quảng Ninh đến cửa khẩu Móng Cái. Tuyến đường cao tốc mới Nội Bài - Hạ Long đã được định hướng xây dựng đến năm 2030 sẽ tăng cường hơn nữa giao lưu kinh tế trong khu vực, phát huy tuyến du lịch kết nối các trung tâm du lịch lớn như vùng núi Tây Bắc, thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, qua đó phát triển hơn nữa hoạt động du lịch của TP. Chí Linh.
Trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông với trọng điểm là trục dọc sông Thái Bình. Phát triển không gian đô thị gắn kết với không gian sông, hài hoà với thiên nhiên và phòng chống thiên tai. Phát huy vận tải thuỷ để thu hút và phát triển công nghiệp. Là không gian phát triển nông nghiệp và du lịch.
5 cực tăng trưởng chính được nêu ra trong Quy hoạch Tỉnh gồm: 1 đô thị trung tâm là TP. Hải Dương; 4 đô thị động lực (TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn, Bình Giang, Thanh Miện). Ngoài ra có 5 đô thị vệ tinh là thị trấn Gia Lộc, thị trấn Nam Sách, thị trấn Lai Cách, thị trấn Thanh Hà, thị trấn Tứ Kỳ và 2 đô thị chức năng chuyên biệt là thị trấn Ninh Giang và thị trấn Phú Thái.
Hội đồng thẩm định thông qua Dự thảo Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung
Sau khi lắng nghe ý kiến của Hội đồng thẩm định và các chuyên gia tại Hội nghị, Bộ trưởng đánh giá, Quy hoạch của Tỉnh được triển khai theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và môi trường; Tỉnh thực hiện nghiêm túc quy trình lập quy hoạch; nội dung khá rõ về tư duy mới, với cách tiếp cận mới, tầm nhìn mới, đặc biệt là khát vọng phát triển trong thời gian tới; thể hiện được sự liên kết đồng bộ. Về cơ bản nội dung Quy hoạch được nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh theo các ý kiến góp ý, đáp ứng quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương nghiêm túc, Hội đồng thẩm định đã hoàn thành chương trình đề ra và tiến hành biểu quyết bằng phiếu đánh giá với kết quả 100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.
Để hoàn thiện quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện quy hoạch; trong đó, tập trung làm rõ vị thế và vai trò của Tỉnh với vai trò trung tâm trung chuyển, đầu mối trọng điểm về giao thương.
"Đây là lợi thế cạnh tranh nhưng cũng là thách thức của Tỉnh. Xác định rõ, làm nổi bật được điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển; tại sao tốc độ tăng trưởng chưa đạt; tính liên kết chưa tốt mà có vị trí lợi thế; chưa thu hút đầu tư hiệu quả, trong khi rất có tiềm năng", Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, UBND Tỉnh rà soát các quan điểm mục tiêu kịch bản phát triển đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 30; quy hoạch tổng thể quốc gia; định hướng phát triển quy hoạch vùng; đặc biệt là các quy hoạch ngành, kể các ngành đã và đang lập.
Bộ trưởng cũng gợi ý, mô hình tăng trưởng, phát triển phải khẳng định ngay là kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn. Đây là xu thế và cũng phù hợp với Tỉnh.
Về quan điểm, Bộ trưởng cho rằng, không nên quá coi trọng vào tốc độ tăng trưởng mà phát triển theo hướng bền vững, cân bằng giữa y tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Quản lý sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai; phát huy được các giá trị về văn hóa, con người; liên kết vùng gắn với các địa phương, vành đai, các hành lang như thế nào để đảm bảo lựa chọn các động lực tăng trưởng.
Bộ trưởng cũng gợi ý về các ngành mà Tỉnh cần ưu tiên, định hướng để tạo nên đột phá. Đó là chuyển đổi số phát triển nhanh và tạo đột phá; công nghiệp; đô thị; dịch vụ. Trong công nghiệp, sử dụng ít đất, ít thâm dụng lao động. Các khu công nghiêp, cụm công nghiệp, nên điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng đồng tình về định hướng phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt tại trung tâm vùng động lực công nghiệp ở hai huyện Bình Giang và Thanh Miện.
Cụ thể, Hải Dương xác định khu kinh tế chuyên biệt sẽ phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ; trung tâm logistics; trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng; đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại, cung cấp quỹ nhà ở cho công nhân và hỗ trợ công nghiệp. Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương sẽ tạo động lực phát triển và kết nối kinh tế không chỉ nội tỉnh mà còn liên kết với các các tỉnh, thành phố lân cận.
"Đây có lẽ là đột phá, thu hút mạnh đầu tư, chuyển dịch đầu tư sang công nghiệp, thu hút lao động, phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái", Bộ trưởng nhấn mạnh và lưu ý về việc không vi phạm đất lúa, đất cấm.
Để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ, ý kiến các chuyên gia phản biện, ý kiến của các cơ quan tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định./.
Bình luận