Quy hoạch Tiền Giang 2021-2030: Kỳ vọng tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới
Chiều 12/7, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị |
10 điểm nghẽn chính trong phát triển
Tiền Giang có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch, nằm trên trục giao thông quan trọng, cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Nam và cách thành phố Cần Thơ 100 km về phía bắc, là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP. Hồ Chí Minh cả về đường thủy và đường bộ.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011-2020 đạt 6,55%/năm, cao hơn mức bình quân chung (vùng đạt khoảng 6,15%/năm; cả nước đạt 6,21%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã có sự tăng trưởng vượt bật đạt 7,02% so với 2021, đây là một tín hiệu tích cực phản ánh sự quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của tỉnh Tiền Giang đang cho thấy một số điểm nghẽn cần phải được giải quyết.
Thứ nhất, đó là tầm nhìn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, Tỉnh có thể trở thành một vùng mở rộng của TP. Hồ Chí Minh, có kết nối hiện đại, môi trường sống và làm việc hấp dẫn, cung cấp các sản phẩm chủ lực cho vùng TP. Hồ Chí Minh.
Thứ hai, Tiền Giang chưa thực sự là mũi nhọn về phát triển kinh tế trong cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Thứ ba, chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư quy mô, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hạn chế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Kinh tế đô thị phát triển chậm.
Thứ tư, chuyển dịch cơ cấu còn chậm, đặc biệt là các vùng động lực dọc hành lang kinh tế QL1, QL50… chưa kết nối được với nhau, nhiều năm qua, nông nghiệp và dịch vụ tỷ trọng cao, nhưng kinh tế nông nghiệp chưa phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo theo hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn chưa có kết quả rõ rệt.
Thứ năm, không gian kinh tế chưa gắn với không gian đô thị và môi trường, tính tích hợp còn yếu, thậm chí còn xung đột, nhiều giá trị cảnh quan chưa phát huy do quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn.
Thứ sáu, việc cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh chưa rõ nét, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chưa có liên kết thành khối ngành để nâng cao chuỗi giá trị, giảm ô nhiễm môi trường. Một số giải pháp về thủy lợi giúp khắc phục trong ngắn hạn, nay có thể không còn phù hợp và trở nên tốn kém.
Thứ bảy, việc kết nối hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế: giữa kết nối giao thông đối ngoại với nội tỉnh, kết nối giao thông đa phương thức, năng lực khai thác logistics để trở thành chuỗi chưa được chú trọng, đa phần chưa khai thác hết tiềm năng hiện có của Tỉnh.
Thứ tám, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu: chưa sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất và nước, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được quy hoạch theo hướng chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Thứ chín, một số cơ chế chính sách đặc thù chưa đi vào thực tiễn của từng khu vực, chưa tạo được lợi thế phát huy thế mạnh cho tăng trưởng các lĩnh vực trụ cột.
Thứ mười, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao: trong nhiều năm qua, dù được quan tâm, nhưng do mức độ đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030: Khơi thông các điểm nghẽn
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng.
“Công tác quy hoạch là cơ hội tốt để sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện”, ông Phương khẳng định.
Đối với tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, bối cảnh lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang có nhiều thuận lợi, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng ĐBSCL đã xác định rất rõ về vị trí, vai trò của tỉnh Tiền Giang đối với vùng ĐBSCL và cả nước.
Quy hoạch đề ra 22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2030 mang tính quyết định với tốc độ tăng trưởng đề ra khá cao là 8,0 - 9,0%/năm. Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 140 - 145 triệu đồng. Tỷ lệ đô thị hóa tính theo khu vực toàn đô thị đến năm 2030 là khoảng 45 - 47%. Tỉnh tiếp tục duy trì, giữ vững tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy kinh tế số phát triển đóng góp 15% vào năm 2025, và đạt 25% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn khoảng 1,1%; năm 2030 giảm còn 0,7%. |
Thứ trưởng cho rằng, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tỉnh Tiền Giang phải xây dựng một bản quy hoạch có chất lượng, trong đó đưa ra được các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định, Tiền Giang đang đứng trước nhiều cơ hội quan trọng cần nắm bắt để bứt phá phát triển trong bối cảnh thuận lợi là Trung ương đang quan tâm đầu tư lớn cho ĐBSCL.
Sau 2 năm triển khai, xin ý kiến góp ý, đến nay, tỉnh đã có bản Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Tiền Giang dày gần 1.000 trang thể hiện tâm huyết, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh và đóng góp các bộ, ngành, các tỉnh lân cận, các sở, ngành, địa phương.
Theo dự thảo Quy hoạch, tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, là một trong những cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, giữ vai trò là cầu nối giữa ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ; nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đặc thù; phát triển tỉnh Tiền Giang trở thành một trung tâm du lịch cấp quốc gia. Kinh tế biển, kinh tế đô thị trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả, với trọng tâm là hội nhập quốc tế, tận dụng nguồn lực phục vụ phát triền kinh tể - xã hội. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, bền vững.
Quy hoạch đề ra 22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2030 mang tính quyết định với tốc độ tăng trưởng đề ra khá cao là 8,0 - 9,0%/năm. Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 140 - 145 triệu đồng. Tỷ lệ đô thị hóa tính theo khu vực toàn đô thị đến năm 2030 là khoảng 45 - 47%. Tỉnh tiếp tục duy trì, giữ vững tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy kinh tế số, phát triển đóng góp 15% vào năm 2025, và đạt 25% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn khoảng 1,1%; năm 2030 giảm còn 0,7%.
Các đột phá và động lực phát triển của Tiền Giang thời kỳ 2021-2030
Quy hoạch đưa ra các đột phá tập trung vào giải quyết các điểm nghẽn. Đặc biệt, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, với 3 vùng trọng điểm phát triển là vùng kinh tế ven biển, vùng công nghiệp lớn Tân Phước và vùng kinh tế dọc sông Tiền. Phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logicstics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp thay vì chỉ chú trọng từng ngành biệt lập. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn bị tốt hạ tầng kinh tế nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế của Tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển đô thị thông minh tại thành phố Mỹ Tho, một số thị xã, thị trấn và các khu đô thị mới, với mũi nhọn là khu Công viên phần mềm Mekong.
Đối với các khu vực động lực phát triển, ông Vĩnh cho biết, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung phát triển theo 7 hành lang kinh tế cấp vùng đi qua Tiền Giang, xác định 9 vùng công năng tương ứng với những chiến lược phát triển kinh tế và không gian khác nhau.
Tiền Giang cũng định hướng “Ba tâm” gồm: Trung tâm đô thị tổng hợp đa ngành Mỹ Tho; Trung tâm kinh tế biển Gò Công và Trung tâm công nghiệp lớn cấp vùng ở Tân Phước. Hình thành 3 vùng vùng kinh tế - đô thị là: (i) Vùng trung tâm: thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo; (ii) Vùng phía Tây: huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước; (iii) Vùng phía Đông: huyện Gò Công, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông.
Đặc biệt, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển mới dọc sông Tiền thành một trục đô thị quan trọng của vùng TP. Hồ Chí Minh, gắn với các điểm đô thị du lịch nhỏ và cù lao sông.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, “Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt sẽ tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho tỉnh Tiền Giang”.
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, thành viên Hội đồng; đánh giá cao tinh thần cầu thị của tỉnh Tiền Giang trong việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch.
Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cũng công bố kết quả, 100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Tiền Giang rà soát lại các quy định, chủ trương, xu thế mới trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, Quy hoạch tổng thể quốc gia, định hướng Quy hoạch vùng ĐBSCL... để tránh mâu thuẫn, xung đột.
Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh và cơ quan tư vấn hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia phản biện để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Bình luận