Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay, số lượng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị bắt giữ đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2010, số tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm, bị bắt giữ là 223 tàu/1.748 người; năm 2014 là 260 tàu/1.998 người; năm 2015 là 361 tàu/2.688 người và năm 2016 là 364 tàu/2.689 người. Đáng chú ý, từ năm 2015, tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tăng đột biến, diễn biến phức tạp. Hiện tượng này đã gây bức xúc trên các diễn đàn quốc tế và dư luận các quốc gia trong khu vực.

Khai thác thủy sản trái phép ở các vùng biến nước ngoài là một trong những nguyên nhân khiến UE rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên là bởi các địa phương chưa thực sự quyết liệt xử lý các vi phạm và chế tài chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, các chủ nậu, vựa, người môi giới đã khuyến khích, tiếp tay đưa tàu cá và ngư dân tham gia khai thác trái phép ở các vùng biển nước ngoài. Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động thực hiện và tham mưu cho Chính phủ từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá và triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng chống khai thác IUU, song hiệu quả của việc ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU đạt hiệu quả thấp. Cụ thể, cơ quan quản lý chưa ngăn chặn và chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác trái phép ở nước ngoài; chưa kiểm soát hiệu quả, thiết thực sản lượng thủy sản khai thác lên bến kể cả sản phẩm nhập khẩu; chưa kiểm soát được hoạt động khai thác hải sản sai quy định ở các vùng biển nước ta và chưa ngăn chặn hiệu quả tàu cá nước ngoài xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam.

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.

Theo đó, ngay trong năm 2017, ngoài việc trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản sửa đổi, trong đó có nội dung về nạn đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý IUU, các văn bản liên quan đến khai thác IUU theo hướng tăng cường hiệu quả kiểm soát khai thác IUU, phù hợp với một số khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) và thực tiễn quản lý Việt Nam sẽ được ban hành; đồng thời rà soát, bổ sung nghề, vùng biển, loài thủy sản cấm khai thác, cấm có thời hạn.

Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống khai thác IUU, đồng thời thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát nguyên liệu thủy sản khác nhập khẩu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ chế chứng nhận xuất xứ thủy sản khai thác trong nước sẽ được điều chỉnh và vận hành hiệu quả. Các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép sẽ được điều tra, xác minh, phát hiện, xử lý nghiêm.

Bên cạnh việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống khai thác IUU, trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đối thoại với Phái đoàn EU tại Việt Nam và Ủy ban châu Âu (EC) về các vấn đề liên quan đến giải quyết 6 khuyến nghị của DG-MARE và các tổ chức quốc tế, quốc gia khác về nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý nghề cá Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng đàm phán song phương với các nước trong khu vực để đưa tàu cá ra nước ngoài khai thác hợp pháp, thiết lập đường dây nóng để xử lý các sự cố, tình huống trên biển...

Về cơ chế chính sách, theo kế hoạch, điểm đáng chú ý là địa phương sẽ được phân cấp, phân quyền quản lý, giám sát, kiểm soát khai tác IUU tại địa phương và cộng đồng; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp không kiểm soát được tàu cá khai thác IUU tại địa phương; quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương các tỉnh ven biển, đặc biệt là các địa phương không ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả tình trạng tàu cá đi khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài. Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác chọn lọc, thân thiện môi trường và chuyển đổi sinh kế sang cá nghề khác sẽ được tạo ra nhằm giảm áp lực cho nguồn lợi và môi trường thủy sinh.

Để có thể triển khai toàn bộ Kế hoạch hành động Quốc gia một cách hiệu quả, dự kiến, kinh phí gồm nguồn ngân sách nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và nguồn vốn nước ngoài cũng như các nguồn vốn khác. Nhà nước tạo cơ sở pháp lý, ban hành cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân để thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia và Kế hoạch hành động của các bộ, ngành, chính quyền các cấp để tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật phòng chống khai thác IUU./.