Sách mới: Từ điển thống kê Việt Nam 2016
Thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1803/QĐ-TTg, ngày 18/10/2011, Tổng cục Thống kê đã biên soạn và xuất bản cuốn Từ điển Thống kê Việt Nam (Nhà Xuất bản Thống kê, tháng 4/2016).
40 năm qua, cùng với sự chuyển đổi từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự phát triển kinh tế xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập quốc tế thống kê nói riêng, nên Từ điển Thống kê năm 1977 không còn phù hợp với thực tế nữa. Chính vì vậy, Tổng cục Thống kê đã tổ chức biên soạn cuốn Từ điển Thống kê mới.
Việc biên soạn Từ điển Thống kê mới này được kế thừa có chọn lọc Từ điển Thống kê năm 1977. Bên cạnh đó còn được tham khảo các tài liệu: Oxford Dictionary of Statistics (2008), Glossary of Statistcal Terms, Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (2011), Giáo trình Thống kê,... Đặc biệt, đội ngũ các nhà khoa học chuyên ngành thống kê, thống kê toán, toán kinh tế, công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan khác ở Tổng cục Thống kê, một số trường đại học, học viện, viện khoa học,... cùng tham gia góp ý biên soạn.
Sau 4 năm (từ năm 2012), Từ điển Thống kê mới đã được phát hành tháng 4 năm 2016. Từ điển Thống kê 2016 đã được biên soan công phu, khoa học, bao gồm 2.300 thuật ngữ , chia thành ba phần:
Phần thứ nhất: Lý thuyết thống kê và toán, ứng dụng tin học trong thống kê với 500 thuật ngữ. Trong đó phần Lý thuyết thống kê gồm 330 thuật ngữ, đáng lưu ý đã đưa nhiều thuật ngữ liên quan đến mẫu (điều tra chọn mẫu ngày càng trở thành phương pháp thu thập thông tin thống kê chủ yếu trong các hình thức thông tin thống kê trong nền kinh tế thị trường ở tất cả các nước, Việt Nam cũng vậy), dự báo thống kê (đây là một mặt yếu của thống kê Việt Nam). Phần Toán ứng dụng trong thống kê gồm 90 thuật ngữ . Đặc biệt có tới 80 thuật ngữ liên quan đến Tin học ứng dụng trong thống kê.
Phần thứ hai: Thống kê kinh tế. Đây là phần có nhiều thuật ngữ nhất và nhiều thuật ngữ mới của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, với 950 thuật ngữ. Trong đó, Phần thống kê tài khoản quốc gia và kinh tế tổng hợp gồm 170 thuật ngữ, trong phần này có nhiều thuật ngữ mới thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) và nhiều chỉ số trước đây không có. Phần Thống kê tài chính, tín dụng, ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm gồm 230 thuật ngữ với rất nhiều thuật ngữ của nền kinh tế thị trường, đặc biệt các thuật ngữ về tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản trước năm 1975 gần như chưa phát sinh trong nền kinh tế ở miền Bắc. Tiếp theo còn 4 phần khác thuộc về các ngành kinh tế (Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp; Vốn đầu tư, xây dựng, bất động sản; Thương mại, giá cả, dịch vụ), đây là phần có nhiều thuật ngữ nhất với 250 thuật ngữ. Có nhiều thuật ngữ rất mới liên quan đến internet, đến các hoạt động nghiệp vụ của vận tải, bưu chính, viễn thông, du lịch.
Phần thứ ba: Thống kê xã hội và môi trường với 850 thuật ngữ, trong đó gồm rất nhiều thuật ngữ trước đây không có. Trong phần này gồm nhiều phần nhỏ về: Thống kê dân số, lao động và việc làm với 210 thuật ngữ (có nhiều thuật ngữ trước đây không có hoặc chỉ nêu để biết, vì nước ta không “công nhận” có hiện tượng này trong nền kinh tế, thí dụ: thất nghiệp, lạm phát,...); Thống kê giáo dục và đào tạo (110 thuật ngữ); Thống kê khoa học và công nghệ; Thống kê văn hóa; Thống kê y tế và chăm sóc sức khỏe và cộng đồng; Thống kê tư pháp và trật tự an ninh xã hội với 90 thuật ngữ; Thống kê bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ; Thống kê mức sống dân cư; Thống kê điều kiện tự nhiên và môi trường với 90 thuật ngữ thống kê liên quan đến phản ảnh môi trường và bảo vệ môi trường bền vững, tăng gấp nhiều lần nếu so với trước đây.
Trong cả ba phần lớn, đặc biệt ở Phần II và III, nhiều thuật ngữ được đưa vào bảo đảm tính so sánh quốc tế, một mặt vừa phản ảnh sự phát triển kinh tế-xã hội nước ta, một mặt vừa phản ảnh sự hội nhập quốc tế, thậm chí là những yêu cầu của các tổ chức quốc tế lớn mà nước ta là thành viên.
Phần cuối của Từ điển Thống kê 2016 là Bảng tra cứu thuật ngữ Việt - Anh sắp xếp theo vần tiếng Việt.
Có thể nói, Từ điển Thống kê 2016 đã được biên soạn công phu, nghiêm túc, khoa học, trình bày các thuật ngữ một cách ngắn gọn, đầy đủ, rõ ràng các khái niệm và nội dung cơ bản. Cuốn Từ điển này chắc chắn sẽ bổ ích đối với nhiều đối tượng, trước hết là đối với những người làm công tác thống kê và những người muốn tìm hiểu, học tập, nghiên cứu thống kê, nghiên cứu kinh tế-xã hội về cả lý thuyết và thực tiễn, những người sử dụng số liệu thống kê trong công việc của mình.
Tuy nhiên, Từ điển Thống kê 2016 vẫn còn thiếu một số thuật ngữ không nên bỏ qua, như: một số thuật ngữ thống kê đã được sử dụng trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (Hệ thống sản xuất vật chất (MPS), Tổng sản phẩm xã hội (Social product), Thu nhập quốc dân (National income)), hay thuật ngữ: Tổng cục Thống kê, Vụ Thống kê Liên Hơp Quốc, Ngày, Thống kê Việt Nam, Ngày Thống kê Thế giới, hay một số tổ chức quốc tế lớn liên quan đến kinh tế, đến thống kê như: IMF, WB, ADB,... Bởi ngay trong từ điển Oxford Dictionary of Statistics (2008) hay ngay trong cuốn Từ điển thuật ngữ thống kê Viêt-Pháp-Anh (Từ diển đối chiếu – Tổng cục Thống kê xuất bản 2007) vẫn có các thuật ngữ này.
Riêng Bảng tra cứu Việt- Anh đã được biên soạn rất công phu, tuy nhiên vẫn có một số ít thuật ngữ có lẽ chưa chính xác, như: thuật ngữ Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động (còn gọi là Tỷ lệ thất nghiệp của dân số hoạt động kinh tế) chuyển ngữ là: Unemployment rate không thể hiện được nội hàm của thuật ngữ tiếng Việt;...
Xin trân trọng giới thiệu với các Bạn đọc./.
Bình luận