Sẽ bãi bỏ nhiều điều kiện trong kinh doanh gas
Ngày 22/03/2017, Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp về Nghị định kinh doanh gas (Nghị định 19/2016/NĐ- CP) đang được sửa đổi.
Điều kiện kinh doanh “hành” doanh nghiệp gas
Nghị định số 19 về kinh doanh gas được ban hành ngày 22/03/2016 với mục đích góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và minh bạch từ đầu nguồn đến khâu bán lẻ gas gắn liền với các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn về an toàn. Tuy nhiên, sau khi triển khai áp dụng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, nhất là về các điều kiện kinh doanh.
Đại diện cho nhiều doanh nghiệp nhỏ cùng hoạt động trong lĩnh lực kinh doanh khí, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Đồng Tùng (Hà Giang) đã lên tiếng: “Hôm nay tôi đến cùng với nhiều doanh nghiệp nhỏ khác. Trước khi Nghị định 19 ban hành, có 43 người cùng ngồi với tôi. Giờ chỉ gần 30. Nếu chờ thêm 1 năm nữa chắc còn lại vài người”.
Các doanh nghiệp kinh doanh gas quy mô nhỏ đang chật vật với các điều kiện kinh doanh |
Nêu lên khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh gas, ông Tùng cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phá sản sau khi Nghị định 19 về kinh doanh khí được ban hành. Theo Nghị định 19, các doanh nghiệp kinh doanh gas phải có 100.000 vỏ bình, cùng với bồn chứa 300m3. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhiều doanh nghiệp đã phải vay ngân hàng, cầm cố tài sản. Nếu chỉ tính riêng vỏ bình, mỗi doanh nghiệp sẽ cần ít nhất 25 tỷ để đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo Nghị định 19. Không những thế, doanh nghiệp còn phải chi trả tiền thuê kho chứa.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn "đánh đố" doanh nghiệp với cách làm chính sách theo kiểu "con gà và quả trứng". Muốn có được giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai thì cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG. Tuy nhiên, điều kiện để làm thương nhân phân phối LPG lại yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai.
Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Hữu, Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cũng cho biết, các quy định hiện hành về kinh doanh khí còn tồn tại sự chồng chéo liên quan tới các quy định về điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ… gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cũng như các lực lượng quản lý thị trường.
Chính vì thế, đang có tình trạng “loạn” thị trường kinh doanh khí gas, gian lận thương mại, vi phạm về sở hữu tài sản (vỏ bình gas)… Đó là chưa kể, nhiều tổ chức, cá nhân còn lợi dụng kẽ hở để chiếm dụng hay thu giữ tài sản của các doanh nghiệp khác đang kinh doanh gas; tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng.
Ở góc độ cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cũng phải thừa nhận, Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí đang tồn tại nhiều bất cập; nhiều quy định bộc lộ rõ sự bất hợp lý.
Cụ thể, điều kiện đối với thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG; điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí; quy định về thiết lập hệ thống phân phối; quy định về an toàn trong hoạt động cấp khí cũng như nhiều quy định khác về thủ tục hành chính…
Sẽ sửa đổi theo hướng thị trường hơn
Nhận thức được những tồn tại về chính sách kinh doanh gas, Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định về kinh doanh khí gas thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ hàng loạt quy định trong Nghị định này.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hệ thống phân định các doanh nghiệp đã có đôi chút thay đổi. Không còn quy định thương nhân tổng đại lý, đại lý, đầu mối. Dự thảo được biên soạn theo hướng trao quyền tiếp nhận hệ thống cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể lập hệ thống theo quy định của Luật thương mại. Quy mô đầu tư lớn hay nhỏ là quyền tự do của doanh nghiệp, nghị định mới sẽ không yêu cầu về điều kiện kinh doanh như trước.
“Dự thảo này đã tạo được sự đồng thuận tương đối cao. Vấn đề ở đây là làm rõ, để quá trình thực thi được thuận lợi, minh bạch và rõ ràng hơn. Và nhà quản lý cùng doanh nghiệp hiểu nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Điều này cũng phù hợp với tinh thần đổi mới”, ông Tân khẳng định.
Góp ý cho dự thảo, ông Trần Trọng Hữu cho biết, năm 2009 đến nay, Nghị định về kinh doanh gas đã sửa đổi 3 lần. Trong khi đó, doanh nghiệp cần thời gian, quy định ổn định để kinh doanh và bản thân các sở ngành địa phương cũng khó thực hiện khi quy định thay đổi liên tục. Chính vì vậy, ông Hữu đề nghị cần xây dựng Nghị định một cách một cách kỹ lưỡng để thời gian thực hiện được lâu dài.
"Cần cân nhắc việc thay đổi chính sách, bởi chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm đã phải sửa đổi và điều chỉnh các quy định hiện hành về kinh doanh khí sẽ có thể gây khó cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần những chính sách ổn định để yên tâm làm ăn", ông Hữu lưu ý.
Ngoài ra, ông Hữu còn cho biết, do người làm luật còn thói quen làm việc "ngồi bàn giấy", nên có những quy định không đúng với thực tiễn. Chính vì vậy, theo ông Hữu, ban soạn thảo cần khảo sát thực tế để biết được những khó khăn của doanh nghiệp, vướng chỗ nào, vướng ra sao?
Góp ý cụ thể về nội dung, ông Hữu cho rằng cần điều chỉnh quy định về niêm yết giá. Việc công khai, niêm yết giá áp dụng đối với hình thức bán lẻ, tới tay người tiêu dùng là cần thiết.
Song, lại không phù hợp với những trường hợp bán theo hợp đồng thương mại đối với các công ty khác. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó bảo mật thông tin như hiện nay.
Quy định về tập huấn và đảm bảo 100% nhân viên kinh doanh khí gas phải có chứng nhận đã qua đào tạo về an toàn phòng chống cháy nổ cũng có điểm chưa phù hợp.
Về quy định này, ông Hà Thanh Tùng cũng cho rằng, nên sửa đổi quy định này theo hướng chỉ những bộ phận trực tiếp, nhân viên làm trực tiếp hay lãnh đạo quản lý phải đảm bảo có chứng nhận; đồng thời cần nêu rõ việc đơn vị có thể tự tổ chức việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên hay không để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, sửa đổi Nghị định cần theo hướng thị trường hơn, Nhà nước không thể đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp được. Cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ là các doanh nghiệp làm ăn minh bạch thì có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, ngược lại doanh nghiệp nào không kinh doanh đứng đắn thì sẽ chịu quản lý pháp luật”./.
Bình luận