Quý I/2021: Hà Nội đã thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”

Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội Thành phố 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021. Theo đó, thành phố Hà Nội triển khai tích cực các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, đạt được những kết quả nổi bật.

Thành phố Hà Nội thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

GRDP ước tăng cao hơn so với cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,13%); Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,7% - cao hơn so với cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,4%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 6,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%; khai khoáng tăng 3%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 6,8% - cao hơn so với cùng kỳ (quý I/2020 tăng 2,3%). Thành phố đã thực hiện tốt hoạt động kết nối, tiêu thụ nông, thủy sản các địa phương và quận, huyện trên địa bàn gặp khó khăn về tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm tăng 0,04% - thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,23%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,12 tỷ USD, giảm 1% (quý I/2020 giảm 18,1%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 6.988 triệu USD, tăng 4% (quý I/2020 giảm 21,3%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 72.745 tỷ đồng, đạt 29% dự toán, bằng 99% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương thực hiện 14.192 tỷ đồng, đạt 13,1% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 4.212 tỷ đồng, đạt 8,2% dự toán; Chi thường xuyên 9.980 tỷ đồng, đạt 21,1% dự toán.

Bên cạnh kết quả tích cực nêu trên, lãnh đạo Thành phố cũng cho biết, ngành du lịch vẫn khó khăn, khách du lịch giảm mạnh do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội là 280 nghìn lượt, giảm 87,7% (quý I/2020 giảm 47,2%), trong đó: khách quốc tế 50 nghìn lượt, giảm 92,5% (quý I/2020 giảm 36,9%); khách nội địa 230 nghìn lượt, giảm 85,7% (quý I/2020 giảm 48,2%).

Lãnh đạo Thành phố cho biết, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Đã kiểm tra công vụ đột xuất đối với 14 cơ quan, đơn vị, khảo sát 05 địa điểm tổ chức lễ hội. Hầu hết cơ quan, đơn vị đều chấp hành nghiêm thời gian làm việc theo quy định. Lực lượng chức năng đã chủ động triển khai đồng bộ biện pháp, lực lượng, phương tiện nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Trong quý I/2021, lãnh đạo Thành phố đã tổ chức làm việc với các quận, huyện, thị xã về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Tổ chức thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Xây dựng và hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP. Hà Nội, chiều nay, 28/3. Ảnh: VGP

Hà Nội đề nghị được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách

Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Thành phố đầu tư 455 dự án công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 207.000 tỷ đồng. Đây là các dự án quan trọng cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông Thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giải quyết ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường liên kết vùng và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Để thực hiện được nhiệm vụ, Thành phố đề nghị được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, hỗ trợ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm.

Về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh cho biết dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 đã được Thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ. Ban soạn thảo dự thảo Nghị định biên soạn, thực hiện các thủ tục, lấy ý kiến các tổ chức, nhân dân. Thành phố đã tổ chức hội nghị, các phiên thảo luận để tiếp tục rà soát, trao đổi, bổ sung đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình thẩm định và báo cáo giải trình với Hội đồng Thẩm định của Bộ Tư pháp theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Lãnh đạo Thành phố mong muốn Thủ tướng xem xét, sớm ký ban hành để Hà Nội triển khai thực hiện.

Ông Chu Ngọc Anh cũng báo cáo vừa qua, Thành phố đã phê duyệt 6 phân khu quy hoạch đô thị khu vực nội đô lịch sử (các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị từ 86% lên 96%. Thành phố đã báo cáo Chính phủ và Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Nhân dịp này, lãnh đạo UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn Thành phố lên 40% - 60%, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị Thành phố đặt trong mối quan hệ Vùng Thủ đô.

Đặc biệt tại đô thị trung tâm hoàn chỉnh phát triển cân đối, hài hòa tương xứng khu vực Bắc sông Hồng với Nam sông Hồng, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm. Nghiên cứu cấu trúc thành phố trong thành phố và thị xã trong thành phố cùng mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ.

Đề cập đến vấn đề chung cư cũ tại Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh cho biết hiện nay Thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng từ những năm 1960 đến 1992 tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử. Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, xuống cấp nghiêm trọng; từ năm 2014 đến nay mới thực hiện cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư, tiến độ thực hiện chậm do có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, về phương pháp tổ chức thực hiện.

Để thực hiện được chủ trương mang tính xã hội và yêu cầu tái thiết đô thị cao, lãnh đạo UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, chỉ đạo một số nội dung như cho phép thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù.

“Chúng ta có trách nhiệm làm cho “trái tim cả nước” mạnh khỏe”

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển Hà Nội để Hà Nội xứng đáng là “trái tim của cả nước” và chúng ta có trách nhiệm làm cho “trái tim cả nước” mạnh khỏe, nhịp đập đều và mạnh, góp phần đưa cả nước tiến bước vì Hà Nội là 1 trong 2 đô thị đặc biệt của Việt Nam và đóng góp của Hà Nội rất quan trọng.

Thủ tướng cũng nêu rõ có cơ chế, chính sách phù hợp để Hà Nội phát triển trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, đặc biệt là tạo điều kiện về nguồn lực để phát triển. Với tinh thần “cái gì làm được cho Hà Nội thì chúng ta nên làm”, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phát biểu, tập trung xử lý các kiến nghị của Hà Nội.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng ghi nhận các ý kiến đề xuất của Hà Nội và khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm giải quyết các kiến nghị của Hà Nội.

Từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp với Hà Nội, riêng Thủ tướng cùng các đồng chí Phó Thủ tướng có 4 cuộc làm việc về kinh tế - xã hội với Hà Nội; 4 lần dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của Thành phố. Đó là chưa kể rất nhiều cuộc thăm và làm việc của Thủ tướng tại đơn vị cơ sở về rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thủ tướng nhấn mạnh một số tồn tại như đến nay, Hà Nội vẫn chưa trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 hoặc tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm. Quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ.

Công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, môi trường có lúc, có nơi chưa làm tốt.

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm giao lưu quốc tế của cả nước; không chỉ đơn thuần về phát triển kinh tế, đô thị mà cả các yếu tố chính trị, văn hóa.

Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Thống nhất về tầm nhìn, quan điểm phát triển Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung phát triển Hà Nội là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ, là một thành phố đáng sống. Hà Nội có dày đặc di sản vật thể và phi vật thể, nên cần có kế hoạch đầu tư tôn tạo, giữ gìn, đặc biệt khu Hoàng thành Thăng Long.

Thủ tướng nhất trí quan điểm phát triển đối với Hà Nội là “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”, xây dựng thành phố năng động và hội nhập, thành phố kiến tạo phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống hướng đến các tiêu chuẩn OECD.

Thời gian tới, Hà Nội cần tập trung và huy động của cả hệ thống chính trị và nhân dân để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII. Đi đầu thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2021 của Chính phủ. Chuẩn bị tốt các công tác tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐNDcác cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hà Nội cần tiên phong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống, dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. “TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế, Hải Phòng có mô hình tăng trưởng mới, TP. Hồ Chí Minh có thành phố Thủ Đức mới, “thành phố trong thành phố”, vậy Hà Nội có mô hình nào để đóng góp vào sự tăng trưởng”, Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh Hà Nội cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị của Hà Nội trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển.

Về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Thủ tướng cho biết sẽ sớm có Nghị định về vấn đề này để Thành phố triển khai thực hiện./.