“Siết” quản lý đầu tư, xây dựng các dự án ven biển
Hiện tượng phân lô bãi biển rồi giao cho tư nhân đầu tư resort, khách sạn… đã và đang diễn ra khá phổ biến
Những hiện tượng đáng quan ngại
Dự án Saigon Atlantis Hotel ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn 4,1 tỷ USD, dù được cấp phép đã 7 năm, nhưng đến nay vẫn "đắp chiếu".
Theo dự kiến, Dự án khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Dự án Saigon Atlantic Hotel được quy hoạch xây dựng trên diện tích 297ha ở phường 11 và 12 của thành phố Vũng Tàu và hơn 600ha diện tích mặt nước biển.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ gồm: khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, các khu vui chơi người lớn, trẻ em, sân gôn, khu mua sắm cao cấp, trung tâm hội nghị, khu thể dục thể thao, biệt thự cao cấp...
Đây chỉ là một trong rất nhiều điển hình về dự án “treo,” gây lãng phí đất đai và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, hiện tượng phân lô bãi biển rồi giao cho tư nhân đầu tư resort, khách sạn… đã và đang diễn ra khá phổ biến.
Như ở Mũi Né (Bình Thuận), người dân vạn chài ven biển phải nhường đất, không gian bờ biển cho các ông chủ xây khách sạn, resort. Ở Lăng Cô (Thừa - Thiên Huế), ngư dân muốn ra biển hành nghề phải đi “nhờ” qua đất dự án khu du lịch. Còn ở Nha Trang, Đà Nẵng… người dân khó tiếp cận những vị trí đẹp nhất của bờ biển vì resort, khách sạn đã án ngữ.
Việc cho thuê bờ biển ở nhiều địa phương đang phá vỡ không gian nhiều bãi biển đẹp. Như dự án phát triển bãi biển Phoenix của Công ty TNHH Dewan International Việt Nam (đang bị dư luận lên án) như muốn “nuốt chửng” không gian bãi biển Nha Trang; resort ở Mũi Né thì lấn sát ra mép biển, xóa sổ không gian công cộng…
Theo số liệu báo cáo Bộ Xây dựng của bảy tỉnh, thành có tình trạng quản lý dự án ven biển bất cập hiện nay là: Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang cho thấy, có 780 dự án ven biển với tổng diện tích theo quy hoạch là 37.598ha.
Tuy nhiên, hiện mới có 455 dự án đã và đang triển khai với diện tích được phê duyệt theo quy hoạch đạt 12.769ha; trong khi vẫn còn tới 310 dự án chưa triển khai tương đương với diện tích được phê duyệt theo quy hoạch là 24.798ha.
Đây là những con số đáng quan ngại, bởi dù số lượng dự án chưa thực hiện ít hơn số dự án đã và đang thực hiện, nhưng diện tích đất tính theo quy hoạch được phê duyệt từ 310 dự án “đắp chiếu” lại cao gần gấp hai lần.
Ngoài 15 dự án đã bị thu hồi có diện tích theo quy hoạch là 719ha, thì số các dự án có khả năng bị thu hồi theo số liệu báo cáo của các địa phương tính đến hết năm 2014 là 267 dự án, tương ứng diện tích 19.757ha.
Riêng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hết năm 2014, có 77 dự án du lịch ven biển, tổng diện tích theo quy hoạch là 2.835ha, tổng vốn đầu tư 23.986 tỷ đồng và hơn 10 tỷ USD.
Trong số này, mới 21 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một phần hoặc toàn bộ, 24 dự án đang triển khai; có tới 29 dự án chưa triển khai và 3 dự án đã bị thu hồi.
Do bất cập trong quản lý
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, những vấn đề tồn tại và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do buông lỏng công tác quản lý về các mặt quy hoạch, đầu tư, sử dụng đất.
Dù số lượng dự án chưa thực hiện ít hơn số dự án đã và đang thực hiện, nhưng diện tích đất tính theo quy hoạch được phê duyệt từ 310 dự án “đắp chiếu” lại cao gần gấp hai lần. |
Trên thực tế, một số dự án chưa có phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng đã được phép đầu tư xây dựng dự án.
Hơn nữa, nhiều dự án không có chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể và quy hoạch bị điều chỉnh. Thậm chí, một số dự án không có quy hoạch chi tiết 1/2000 để khớp nối trong, ngoài của các dự án, cũng như bố trí không gian công cộng, không gian vui chơi giải trí, cây xanh vườn hoa, khu tắm biển cho nhân dân, các tuyến đường đi xuống biển…
Thực trạng này khiến công tác quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến ven biển không thể đảm bảo tính kết nối liên vùng, nên khó phát huy được thế mạnh của khu vực ven biển.
Trong khi đó, chất lượng lập, phê duyệt các quy hoạch, thẩm tra, thẩm định kế hoạch sử dụng đất còn thiếu đồng bộ; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai tại các dự án ven biển còn chưa đủ mạnh để ngăn chặn các vi phạm vể sử dụng đất đai ven biển.
Ngoài ra, tính dự báo và định hướng sử dụng đất đai, phát triển không gian chưa sát với thực tiễn phát triển tại khu vực ven biển đang là hiện tượng phổ biến.
Quy hoạch xây dựng khu vực ven biển chưa được triển khai đồng bộ theo các cấp độ từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan trong phạm vi dự án và toàn khu vực ven biển.
Và, có một thực tế nữa là việc triển khai đầu tư của các dự án ven biển đều bị chậm do thiếu nguồn lực, chính sách về quản lý đất đai, đầu tư còn chồng chéo; tình trạng một số nhà đầu tư năng lực tài chính yếu, nhưng vẫn được giao thực hiện dự án có quy mô lớn khá phổ biến.
Quyết tâm thiết lập lại trật tự
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bờ biển và chính quyền đô thị các cấp tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển.
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bờ biển rà soát công tác lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng để kịp thời kiến nghị điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của khu vực ven biển.
Đồng thời, rà soát công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, phát triển đô thị trên cơ sở các quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị và theo chức năng, nhiệm vụ của mình để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng, tạm dừng để điều chỉnh cho phù hợp hoặc thu hồi; cũng như kiến nghị về giải pháp đối với từng nhóm dự án và một số dự án có tính chất đặc biệt nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong việc quản lý quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, quản lý đầu tư xây dựng tại dự án ven biển, đặc biệt là công tác công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng để người dân địa phương cùng tham gia kiểm tra, giám sát.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, đặc biệt chú trọng các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc phải thu hồi để thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, bàn giao đất nhưng không triển khai thực hiện; dự án triển khai cầm chừng, chậm tiến độ, chậm nộp tiền thuê đất; dự án được cấp ưu đãi không đúng quy định; dự án không thực hiện đúng nội dung Giấy chứng nhận đầu tư; dự án chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển đảm bảo hài hòa giữa phát triển vùng nội địa và vùng biển, ven biển, hải đảo phù hợp Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bờ biển kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; khai thác sử dụng không gian ven biển hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bờ biển phải xử lý cương quyết và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng không đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; xây dựng không đúng với quy hoạch, xây dựng không phép hoặc xây dựng sai giấy phép; tự ý điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền và không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển dự án ven biển./.
Bình luận