“Siết” quản lý quỹ tài chính ngoài NSNN
Số lượng nhiều, làm phân tán nguồn lực NSNN
Tổng kết sơ bộ đến nay, có khoảng trên 20 quỹ/ loại quỹ tài chính nhà nước đã được thành lập ở Trung ương và địa phương, với quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động khá đa dạng. Trong đó, có một số quỹ được NSNN cấp hỗ trợ vốn thành lập ban đầu hoặc hỗ trợ vốn trong quá trình hoạt động.
Xét về quy mô, có một số quỹ tài chính nhà nước của Trung ương, như: Quỹ Bảo hiểm Xã hội bắt buộc, Quỹ Bảo hiểm Y tế, Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp, Quỹ cho vay giải quyết việc làm, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương, Quỹ tích lũy trả nợ và các Quỹ Đầu tư phát triển ở địa phương là có nguồn thu - nhiệm vụ chi lớn (chiếm trên 95% tổng số chi của các quỹ tài chính nhà nước); còn lại chủ yếu là các quỹ có quy mô vốn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp trong một lĩnh vực hoặc một địa phương...
Hiện nay, các quỹ tài chính nhà nước đều được thành lập theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đối với các quỹ tài chính nhà nước Trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và giao cho các bộ, cơ quan Trung ương quản lý, sử dụng cho các mục tiêu chung của quốc gia hoặc của ngành; các quỹ tài chính nhà nước địa phương do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, quản lý và sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong những năm qua, nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước (quỹ tài chính ngoài NSNN) được thành lập ở Trung ương và địa phương, góp phần tích cực trong huy động tập trung nguồn lực tài chính của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và cùng với ngân sách nhà nước giải quyết tốt hơn một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác quản lý nhà nước đối với các quỹ tài chính ngoài NSNN vẫn còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các quỹ. Điển hình như Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia.
Được thành lập theo quy định tại Nghị định số 122/2003/NĐ-CP, ngày 22/10/2003, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia áp dụng cơ chế tài chính thực hiện theo Thông tư số 129/2007/TTLT/BTC-BKHCN, ngày 2/11/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hàng năm NSNN bổ sung vốn điều lệ cho quỹ 200 tỷ đồng; quỹ còn huy động các nguồn ngoài NSNN để thực hiện các hoạt động tài trợ, cho vay để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Tổng kinh phí từ 2008-2011 là 354,7 tỷ đồng (NSNN cấp 300 tỷ đồng, tiếp nhận Quỹ Môi trường toàn cầu 35 tỷ đồng, Quỹ Flanders 16,2 tỷ đồng và thu sự nghiệp 3,5 tỷ đồng). Kinh phí đã sử dụng là 328,310 tỷ đồng (nguồn NSNN là 295,795 tỷ đồng; vốn đầu tư từ Quỹ Flanders là 16,200 tỷ đồng; bảo lãnh vay vốn 16,135 tỷ đồng).
Nếu quy chiếu theo các quy định tại Nghị định số 122/2003/NĐ-CP, thì đến nay Quỹ hoạt động chưa đáp ứng được đầy đủ về vai trò của Quỹ. Ngoài giải ngân nguồn vốn NSNN thì Quỹ mới chỉ huy động được rất ít nguồn vốn khác. Quỹ cũng mới chỉ thực hiện được 1 trong 3 hoạt động chính được giao.
Quỹ chưa thực hiện hết các hoạt động tài trợ được giao, chưa thực hiện được các hoạt động cho vay, bảo lãnh và hoạt động uỷ thác.
Thực tế thời gian qua số lượng các quỹ tài chính nhà nước tăng nhanh; đồng thời có xu hướng khi trình Quốc hội ban hành các luật quản lý chuyên ngành đều kèm theo các quy định về thành lập các quỹ tài chính nhà nước (Luật Giao thông đường bộ; Luật Hợp tác xã; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Bảo vệ môi trường....).
Mặc dù nguyên tắc tự bảo toàn vốn được đặt ra khi quyết định thành lập, nhưng nhìn chung, trừ các quỹ tài chính có hình thức huy động, đóng góp của đối tượng hưởng lợi (Quỹ Bảo hiểm Xã hội bắt buộc, Quỹ Bảo hiểm Y tế, Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp…) và một số quỹ tài chính có mục tiêu an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong xã hội, thì nhiều quỹ tài chính nhà nước nguồn vốn hoạt động chủ yếu là từ NSNN, nguồn huy động ngoài ngân sách rất hạn chế (Quỹ Phát triển Khoa học Quốc gia; Quỹ Bảo vệ môi trường; Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã...). Do đó, việc thành lập nhiều quỹ tài chính nhà nước, mà nguồn cân đối chủ yếu là từ NSNN sẽ dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực NSNN.
Kiên quyết giải thể các quỹ hoạt động không đúng tôn chỉ
Để chấn chỉnh những tồn tại, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính ngoài NSNN, trong đó tập trung rà soát các quy định hiện hành liên quan đến việc thành lập, hoạt động và quản lý đối với các quỹ tài chính ngoài NSNN trong phạm vi ngành, lĩnh vực và địa bàn được phân công phụ trách, nhất là các quy định về chế độ tiền lương, tiền thưởng và trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước đối với các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách; trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với pháp luật hiện hành.
Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh phải rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính ngoài NSNN.
Trên cơ sở đó, quyết định dừng hoạt động, hoặc cơ cấu lại các quỹ theo hướng đối với các quỹ hoạt động có hiệu quả, cần tiếp tục duy trì hoạt động để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đối với các quỹ có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ trùng lặp, nhất là các quỹ đầu tư có tính chất sinh lời, thì xây dựng phương án chuyển đổi mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ để phát huy hiệu quả.
Đối với các quỹ hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc hoạt động không hiệu quả, các quỹ đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao, thì kiên quyết cho dừng hoạt động, giải thể.
Chỉ thành lập quỹ mới trong trường hợp thật cần thiết và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động và việc chấp hành pháp luật của các quỹ tài chính ngoài NSNN, bảo đảm nguồn lực tài chính nhà nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch.
Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tài chính hàng năm; công khai rộng rãi hoạt động của các quỹ tài chính ngoài NSNN theo quy định.
Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý quỹ tài chính ngoài NSNN, thường xuyên nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý quỹ, trong đó tập trung củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý đối với các quỹ cần tiếp tục duy trì hoạt động theo hướng chuyên nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp, có chuyên môn sâu để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.
Bình luận