Nỗ lực vượt khó

Báo cáo về Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 7,01%. Trong đó, khu vực I tăng 4,75%, khu vực II tăng 6,34%, khu vực III tăng 9,54%. GRDP bình quân đầu người là 34 triệu đồng/năm (Nghị quyết đề ra là 34,10 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế khu vực I - II - III tương ứng là 40,21%-16,06%-43,73%. Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đạt 7,01%

Về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kết thúc năm lương thực 2017, toàn Tỉnh gieo trồng được 349.903 ha lúa, vượt 2,91% kế hoạch, giảm 2,08% so cùng kỳ. Diện tích nuôi thuỷ sản là 73.339ha, vượt 7,85% kế hoạch, tăng 5,54% so cùng kỳ; trong đó diện tích tôm nước lợ là 53.133 ha, vượt 18,07% kế hoạch, tăng 14,22% so cùng kỳ; diện tích cá tra là 52 ha, artemia là 694ha. Tổng sản lượng thủy hải sản được 253.362 tấn, vượt 11,12% kế hoạch, tăng 6,85% so cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng là 186.632 tấn, vượt 15,20% kế hoạch, tăng 8,94% so cùng kỳ; sản lượng khai thác biển là 63.160 tấn, vượt 1,06% kế hoạch, tăng 1,67% so cùng kỳ.

Trong năm 2017, toàn Tỉnh huy động được 1.140,81 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn từ ngân sách đầu tư vào Chương trình chiếm 12,13%, vốn lồng ghép chiếm 28,26%, vốn tín dụng 51,18%, còn lại là vốn đóng góp của cộng đồng. Tính đến nay, toàn Tỉnh có 23 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới chiếm tỷ lệ 28,75% đạt 88,46% kế hoạch, tăng 02 xã so cùng kỳ.

Về công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) là 27.236 tỷ đồng, vượt 0,87% kế hoạch, tăng 10,35% so cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa là 680 triệu USD, vượt 4,62% kế hoạch, tăng 2,34% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu thủy sản được 570 triệu USD, đạt 98,28% kế hoạch, giảm 5,47% so cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu là 100 triệu USD, đạt 66,67% kế hoạch, giảm 39,39% so cùng kỳ.

Thương mại và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội là 63.640 tỷ đồng, đạt 96,42% kế hoạch, tăng 11,66% so cùng kỳ. Doanh thu du lịch được 557 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch năm 2017.

Tình hình hoạt động của các ngân hàng tương đối ổn định. Lãi suất huy động tăng nhẹ từ 0,1%-0,2%/năm so với đầu năm 2017. Lãi suất cho vay không biến động nhiều so với đầu năm. Năm 2017, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 24.424 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ; doanh số cho vay là 55.800 tỷ đồng, tăng 8,2% so cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng là 27.609 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng tín dụng 10,97%; nợ xấu 865 tỷ đồng, chiếm 3% tổng dư nợ.

Về Xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế biển và ven biển. Năm 2017, Tỉnh đã tiếp xúc, giới thiệu cơ hội đầu tư cho khoảng 95 lượt nhà đầu tư; có 26 dự án đăng ký đầu tư (tăng 12 dự án so cùng kỳ) với tổng vốn đầu tư 3.960 tỷ đồng (tăng 7,2 lần so cùng kỳ), trong đó có hai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 21.76 triệu USD). Nhìn chung, tình hình đăng ký đầu tư năm 2017 có dấu hiệu khởi sắc, có nhiều dự án quan trọng như Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy điện gió Công Lý tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 1 (vốn đầu tư 1.683 tỷ đồng), Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Lạc Hòa giai đoạn 1 tỉnh Sóc Trăng (1.120 tỷ đồng)...

Năm 2017 có 360 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 6,19% so cùng kỳ) với tổng vốn điều lệ đăng ký là 3.400 tỷ đồng (giảm 1,44% so cùng kỳ); có 70 doanh nghiệp giải thể (tăng 16,6% so cùng kỳ). Toàn Tỉnh hiện có 2.650 doanh nghiệp đang tồn tại với tổng vốn đăng ký khoảng 22.000 tỷ đồng (trong đó thực tế có khoảng 80% doanh nghiệp đang hoạt động).

Trong năm, có 20 hợp tác xã thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh là 130 hợp tác xã với 28.107 thành viên và 58.627 lao động thường xuyên; có 01 liên hiệp hợp tác xã với 04 hợp tác xã thành viên gồm 256 lao động; có 1.250 tổ hợp tác đã đăng ký theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ, với 57.500 thành viên.

Về tài chính, đầu tư công. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2017 ước đạt 3.369,2 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa có tính cân đối là 2.819,2 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được quan tâm; tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã giao các đơn vị triển khai thực hiện năm 2017 là 2.275,95 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh quản lý là 1.391,44 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện quản lý là 884,51 tỷ đồng. Ước giải ngân đến 30/11/2017 đạt khoảng 70% kế hoạch, đến 31/01/2018 đạt khoảng 95% kế hoạch.

Ngoài ra, trong năm 2017, công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan thực hiện như chính sách đối với người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số... tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 95,60% đạt 100% kế hoạch. Đồng thời, giải quyết việc làm mới cho 25.579 lao động, vượt 8,85% kế hoạch, tăng 7,42% so cùng kỳ; trong đó, có 450 lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài, đạt 100% kế hoạch.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7%-7,5%

Năm 2018, với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chú trọng chất lượng, năng suất và hiệu quả. Tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế của tỉnh. Phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội gắn với thực hiện dân chủ và công bằng xã hội; quan tâm thực hiện các chính sách về an sinh xã hội. Ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7%-7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế khu vực I - II - III tương ứng là 39,31% - 16,50% - 44,19%. Có thêm 10 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt 19 tiêu chí là 33/80 xã; có thêm 04 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, nâng tổng số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí là 20 xã. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt từ 30.500 tỷ đồng trở lên. Giá trị xuất khẩu hàng hoá 710 triệu USD; trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản 585 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 73.000 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trong cân đối 2.766 tỷ đồng... Để đạt được những mục tiêu này, năm 2018, Tỉnh cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, gắn với thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển lúa đặc sản với diện tích là 200.000 ha, sản lượng 1.100.000 tấn, dự kiến đầu tư từ ngân sách khoảng 5,1 tỷ đồng; mở rộng thêm 134 ha đất trồng cỏ nuôi bò, nâng tổng diện tích trồng cỏ khoảng 1.200 ha; cải tạo và trồng mới 250 ha cây ăn trái với vốn ngân sách dự kiến 6,5 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, khuyến cáo lịch thời vụ; vận hành, điều tiết thủy lợi linh hoạt phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm nhẹ thiệt hại nếu có hạn mặn xảy ra.

Hai là, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh doanh, thương mại; nâng cao vai trò kinh tế tập thể; tiếp tục phát triển vùng kinh tế biển và ven biển. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 06/02/2017 và Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 của Chính phủ; trong đó tập trung mục tiêu tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cấp để tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ. Triển khai thực hiện tốt Chương trình số 20-CTr/TU, ngày 31/07/2017 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/06/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 17/07/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Kêu gọi đầu tư đối với các đề án phát triển hạ tầng khu - cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch và các cơ sở hạ tầng thuận lợi để thu hút các dự án sản xuất công nghiệp.

Ba là, tăng cường quản lý thu, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước và sử dụng vốn đầu tư công. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều hành ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán. Thực hiện các biện pháp đảm bảo cho người dân thực hiện nghĩa vụ thuế được nhanh chóng, thuận lợi; xử lý nghiêm các trường hợp trốn và gian giận thuế.

Công tác quản lý vốn và triển khai các dự án đầu tư công thực hiện nghiêm theo Luật đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án nhất là các công trình trọng điểm, với dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 là 2.727,773 tỷ đồng.

Bốn là, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, các hoạt động văn hóa; quan tâm phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; chủ động phòng, chống dịch bệnh; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Đảm bảo hoạt động báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; thực hiện tốt các chuyên mục tiếp xúc, đối thoại về cơ chế, chính sách gắn với sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền cổ động, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phát triển hoạt động thể dục, thể thao quần chúng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống, khắc phục thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển.

Năm là, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật và phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch số 48/KH-UBND, ngày 04/07/2016 của UBND Tỉnh về thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát văn bản các cấp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; phát huy vai trò hòa giải trong dân. Phấn đấu 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.