Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 6000/VPCP-CN ngày 30/8/2021 về ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (Hợp đồng BOT) (Dự án).

Sớm trình Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài 53,7 km. Ảnh Internet

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải căn cứ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rà soát nội dung Dự án, trình Thủ tướng Chính phủ.

Trong bối cảnh sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ đi vào khai thác sau hơn 4 năm nữa, việc đầu tư hệ thống giao thông kết nối giữa sân bay này với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã ở thời điểm “không thể trì hoãn”.

Tháng 10/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tờ trình gửi Thủ tướng bổ sung một số nội dung về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất Thủ tướng cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để tổ chức thực hiện dự án. Đồng thời, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, thời gian qua đã được nghiên cứu để triển khai thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Vừa qua, khi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực, Bộ này đã trình Chính phủ chủ trương đầu tư dự án.

Theo phương án mà Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, tổng vốn đầu dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 18 nghìn tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư xây dựng giai đoạn 1 là 12 ngàn tỷ đồng và 6 ngàn tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được đầu tư với quy mô 8 làn xe và thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ với quy mô này. Tuy nhiên, trước mắt, một số đoạn sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe. Riêng đối với các đoạn đi ngang sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được đầu tư với quy mô 8 làn xe.

Về phương án vốn, trong tổng vốn đầu tư nhà nước sẽ đầu tư khoảng 6 ngàn tỷ đồng và 12 ngàn tỷ đồng còn lại là thu hút nguồn vốn bên ngoài.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án này mang tính khả thi tốt hơn cả dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông vì Nhà nước chỉ đầu tư kinh phí giải phóng mặt bằng, còn vốn đầu tư xây dựng sẽ do nhà đầu tư cân đối trong phương án tài chính.

“Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ nỗ lực để có thể hoàn thành dự án vào năm 2025 nhằm thực hiện kết nối sân bay Long Thành với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh./.