Sửa Bộ luật Tố tụng hình sự để thực hiện cam kết trong CPTPP
“Phạm vi sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự lần này chỉ tập trung sửa đổi một số điều để đảm bảo thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, không mở rộng đến các nội dung khác mà chưa được nghiên cứu, đánh giá, tổng kết đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, khi giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội đang diễn ra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo ông Trí, những ý kiến góp ý đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, việc tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác nằm ngoài phạm vi trên sẽ được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục ghi nhận và nghiên cứu, tổng kết toàn diện để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm sau khi thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ảnh: Quốc hội |
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phân tích, tại điều khoản của Hiệp định CPTPP về công nhận chỉ dẫn địa lý có quy định rằng các bên thừa nhận chỉ dẫn địa lý có thể bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu; hoặc một hệ thống riêng; hoặc các biện pháp pháp lý khác. Như vậy, có thể hiểu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng tương tự như việc bảo hộ nhãn hiệu. Ở Việt Nam, từ trước đến nay chính sách bảo hộ đối với hai đối tượng này đều có sự tương đồng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 155 và Khoản 8 Điều 157 bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự là đảm bảo sự thống nhất về chính sách pháp luật, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chính sách xử lý hành vi xâm phạm quyền.
“Thời gian tới, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới và Việt Nam sẽ ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc chú trọng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP là thể hiện Việt Nam coi trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi, an toàn. Do đó, việc sửa đổi cả bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp…”, ông Trí giải trình. |
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, ông Trí cho biết, qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc dự luật sửa đổi theo hướng bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã. Nguồn năng lực của Công an xã dù đã được chuyển biến nhiều, nhưng thời gian tới cần tiếp tục tính toán về nhân sự, tái đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất với một lộ tình khẩn trương, tích cực. Đồng thời, khi Công an xã được bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm thì Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ để kiểm sát chặt chẽ hoạt động này của Công an xã, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
“Để bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn hiện nay, Cơ quan soạn thảo đã trình dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sẽ có hiệu lực thi hành từ kể từ ngày được Quốc hội thông qua. Quy định này bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...”, ông Trí cho biết./.
Bình luận