Sửa đổi NĐ 61, tăng hiệu quả giám sát vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Nghị định 61 bộc lộ nhiều bất cập
Bộ Tài chính cho biết, việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn nhà nước được thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định số 61/2013/NĐ-CP, ngày 25/6/2013 và các thông tư hướng dẫn.
Qua rà soát, một số nội dung quy định tại Nghị định số 61 cần điều chỉnh để phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Trong năm 2014 và đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã tổ chức khảo sát trực tiếp và lấy ý kiến đánh giá bằng văn bản của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và các tập đoàn/tổng công ty về tình hình triển khai Nghị định số 61.
Bên cạnh những mặt tích cực, Nghị định số 61 còn tồn tại một số hạn chế . Điển hỉnh là cơ chế cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính chỉ thực hiện giám sát đối với công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, sẽ không đảm bảo việc giám sát toàn diện và kịp thời đối với các doanh nghiệp là công ty con.
Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc tổ chức giám sát; thời gian để các tập đoàn hoàn thành báo cáo giám sát còn ngắn so với thực tế của doanh nghiệp.
Theo Nghị định số 61, các doanh nghiệp có thể hạ thấp kế hoạch năm để dễ hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch; tiêu chí xếp loại doanh nghiệp về tính tuân thủ pháp luật chưa phù hợp với thực tế.
Ví dụ như, việc doanh nghiệp bị phạt hành chính 10 triệu đồng trở lên bị xếp loại C; các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá, xếp loại phải quy định từ quý đầu tiên của năm kế hoạch là chưa phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tình hình tài chính thuộc chỉ một trong các trường hợp: kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định; có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5... và phải lập phương án tái cơ cấu dù thuộc trường hợp nào là chưa phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, Nghị định số 61 cũng chưa có cơ chế giám sát công tác công khai thông tin…
Khắc phục những hạn chế của Nghị định số 61
Để khắc phục những tồn tại trên, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước nhằm đánh giá việc tuân thủ quy định về vi phạm vi, quy trình, thủ tục, thẩm quyền và hiệu quả đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
Đồng thời, giúp Nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Nghị định quy định cụ thể về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện việc giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Nội dung giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 51 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thực hiện bằng phương thức giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong, giám sát sau, trong đó tập trung việc giám sát trước và giám sát sau.
Quý IV năm trước, Bộ Tài chính lập Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, công bố trước ngày 31 tháng 1 hằng năm. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đã được công bố.
Trường hợp phát hiện vi phạm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về phạm vi đầu tư vốn, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật./.
Bình luận