Tài sản trí tuệ chưa được bảo vệ hiệu quả
Chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo
“Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 92 điều và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách…”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, khi trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội đang diễn ra, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ là yêu cầu cấp thiết. Ảnh: Quốc hội |
Theo ông Đạt, sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Trải qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam…
Nhiều quy định còn chung chung
“Nội dung sửa đổi về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại các điều 72, 73 và 74 chưa bảo đảm tính cụ thể, đồng bộ và khả thi…”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết khi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị dự thảo Luật cần có các quy định đặc thù, để điều chỉnh loại nhãn hiệu này nhằm bảo đảm hiệu lực thực thi trên thực tế. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng của dự thảo Luật còn mang tính chất tùy nghi, chưa bảo đảm rõ ràng, nên đề nghị biên tập lại nội dung này. Việc dự thảo Luật chỉ kiểm soát an ninh đối với sáng chế “tạo ra toàn bộ ở Việt Nam”, mà không áp dụng với sáng chế “được tạo ra một phần tại Việt Nam” là chưa bảo đảm chặt chẽ, dễ bị lợi dụng để tránh việc kiểm soát an ninh, vì vậy đề nghị chỉnh lý lại quy định này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, quy định về văn bằng bảo hộ còn chung chung... Ảnh: Quốc hội |
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị rà soát, chỉnh lý về thời điểm có hiệu lực của một số quy định trong dự thảo Luật để phù hợp hơn với cam kết trong Hiệp định EVFTA (có hiệu lực từ ngày 1/8/2020) và Hiệp định CPTPP (sẽ có hiệu lực từ ngày 14/01/2022) |
“Quy định về văn bằng bảo hộ còn chung chung, chưa thể hiện rõ thông tin về tình trạng kỹ thuật của đối tượng được bảo hộ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp). Do đó, đề nghị sửa đổi theo hướng văn bằng bảo hộ ghi nhận thông tin cơ bản về tình trạng kỹ thuật của đối tượng được bảo hộ, bảo đảm tính minh bạch, đầy đủ về thông tin sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân xác định phạm vi bảo hộ khi xảy ra tranh chấp, xung đột quyền sở hữu trí tuệ…”, ông Tùng cho biết.
Về tính mới của giống cây trồng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, quy định tại dự thảo Luật chưa tương thích với Điều 6 của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV). Do đó, đề nghị giữ nội dung này như quy định của Luật hiện hành. Về hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của quy định này, bởi quy định của Luật hiện hành vẫn phù hợp với quy định của Công ước UPOV về giữ giống cây trồng của nông dân. Đây cũng là quy định có tác động lớn đến nông dân và ngành nông nghiệp của Việt Nam, nhưng nội dung đánh giá tác động trong hồ sơ dự án Luật còn chung chung, chủ yếu bằng phương pháp định tính, chưa có các số liệu, thông tin cụ thể để chứng minh sự hợp lý, cần thiết của nội dung sửa đổi…/.
Bình luận