Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho hộ kinh doanh
Theo đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn trung bình dao động từ gần 89% đến khoảng 93% trong giai đoạn 2007- 2014, các hộ kinh doanh cá thể được thành lập và hoạt động chủ yếu dựa trên năng lực tài chính tự thân, chưa sử dụng nhiều tới nguồn lực tài chính từ bên ngoài. Với nguồn vốn tự có hạn chế, khó tiếp cận với nguồn tài chính bên ngoài, khả năng tham gia vào khu vực sản xuất và các ngành đòi hỏi công nghệ tiên tiến của hộ kinh doanh còn rất hạn chế. Phần lớn các hộ hoạt động trong khu vực dịch vụ truyền thống như: thương mại, phục vụ cá nhân và cộng đồng.
Cần có những chính sách để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho hộ kinh doanh để mở rộng quy mô sản suất |
Theo Tổng cục Thống kê, số hộ có đủ khả năng vay tín dụng chính thức còn thấp, chỉ khoảng 28% tổng số hộ. Điều này cho thấy, các hộ phải tìm đến những nguồn vốn từ khu vực bán chính thức và phi chính thức. Tuy nhiên, nguồn vốn bán chính thức từ quỹ của hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên…, là không nhiều, lại không thể sử dụng lâu dài. Nguyên nhân của vấn đề này là tín dụng bán chính thức có số vốn nhỏ, lại phải dùng cho các nhu cầu thường xuyên như: hoạt động của các hội, hoặc khen thưởng. Do đó, với phần vốn còn thiếu, thì phải sử dụng từ tín dụng phi chính thức. Nguồn này đối với các hộ kinh doanh cá thể xuất phát chính từ một số nguồn như: vốn vay các cá nhân trên thị trường, vay từ các cửa hàng cầm đồ với lãi suất cao (tín dụng đen), vay từ các quỹ phi chính thức dưới dạng họ/hụi.
Với đặc điểm về cơ cấu nguồn vốn và nguồn vốn vay của hộ kinh doanh hiện nay, các hộ kinh doanh rất khó để có thể mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, vì khả năng tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế và mức độ rủi ro khi tiếp cận tín dụng phi chính thức là rất cao.
Trong những năm gần đây, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nhóm hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, tuy nhiên kết quả chưa được như kỳ vọng. Do những hạn chế về quy mô, phạm vi hoạt động của hộ kinh doanh và do không có pháp nhân, nên hộ kinh doanh bị hạn chế hơn trong việc vay vốn ngân hàng, hỗ trợ vốn của các hiệp hội ngành nghề. Hiện nay, đa số các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ của Chính phủ đều dành cho khu vực doanh nghiệp.
Vì vậy, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khuyến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần mở rộng các chính sách hỗ trợ đối với đối tượng này, nhất là việc tăng cường các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng, để khuyến khích phát triển và hỗ trợ khó khăn cho các hộ kinh doanh trong bối cảnh mới, thúc đẩy và cải tiến các điều kiện khuyến khích, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp kinh doanh.
Một thực trạng bất cập hiện nay là việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng cho các hộ kinh doanh rất khó khăn do đặc thù của mô hình kinh doanh này. Do hộ kinh doanh không độc lập với chủ sở hữu, các chủ hộ vay vốn tại các tổ chức tín dụng với tư cách cá nhân, vì vậy, hạn mức vay thấp và thời hạn vay cũng rất ngắn, nên không đáp ứng được với nhu cầu mở rộng kinh doanh hay đổi mới công nghệ đồng bộ, hiệu quả… dẫn đến hiệu quả kinh doanh của mô hình này không cao, không có khuynh hướng mở rộng quy mô để tiến lên chuyển sang doanh nghiệp, từ đó hưởng những điều kiện thuận lợi, những ưu đãi của Nhà nước, cũng như có cơ hội phát triển trở thành các doanh nghiệp.
Để giải quyết các vấn đề này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh kiến nghị cần có các chính sách triệt để, quy định rõ ràng và các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Theo đó, trước hết, cần mở rộng quy mô, đối tượng nhận hỗ trợ tiếp cận tín dụng. Hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ kinh doanh chỉ mới tập trung vào một số đối tượng đặc biệt hoặc trong một lĩnh vực cụ thể, vì vậy, đối tượng được tiếp cận chính sách hỗ trợ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số hộ kinh doanh đang hoạt động trong nền kinh tế. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận tín dụng là những vấn đề chung và nhu cầu tiếp cận vốn hỗ trợ từ Chính phủ là rất lớn, đến từ phần lớn các hộ kinh doanh. Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung các chương trình, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng theo hướng mở rộng quy mô, đối tượng thụ hưởng để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, vừa góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, hỗ trợ hộ kinh doanh thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu tài sản đảm bảo của hộ kinh doanh. Mặc dù các tổ chức tín dụng theo quy định không yêu cầu tài sản đảm bảo cho bất cứ một khoản tín dụng (kể cả cho vay, bảo lãnh), nhưng gần như các hộ kinh doanh không thể tiếp cận được vốn nếu không có tài sản bảo đảm. Tài sản này đang là một trở ngại lớn đối với các chủ hộ gia đình khi muốn tiếp cận tín dụng chính thức, do có nhiều chủ hộ với số năm kinh doanh hạn chế cùng lượng tài sản tích trữ chưa đủ lớn, nên khó lòng đáp ứng được quy định về tài sản đảm bảo tại các tổ chức tín dụng hiện nay như: giá trị tài sản đảm bảo phải tương đương khoảng 75% tổng giá trị của khoản vay.
Để giải quyết khó khăn này, theo khuyến nghị của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Chính phủ có thể xây dựng các chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc giảm chi phí và rủi ro trên những khoản vay của hộ gia đình như: giảm thuế trên doanh lợi từ các khoản vay không yêu cầu tài sản đảm bảo; yêu cầu ngân hàng nhà nước ở địa phương cùng các cơ quan quản lý thương mại, cơ quan thuế địa phương cần phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình với các ngân hàng thương mại, để ngân hàng có được các thông tin xác thực, từ đó phê duyệt các khoản vay một cách dễ dàng hơn mà không cần thông qua tài sản thế chấp; có các chính sách khuyến khích tiếp nhận các loại hình tài sản hình thành trong tương lai hoặc tài sản vô hình như: sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế,….
Cùng với đó, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với hộ kinh doanh. Hiện nay, việc thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại Việt Nam còn rất hạn chế, lý do chính là những bất tiện trong việc thanh toán khi rất nhiều hàng hóa, dịch vụ không chấp nhận hình thức thanh toán này, điển hình là những hàng quán, tiệm tạp hóa đường phố... Chi phí duy trì hoạt động quá lớn chính là yếu tố khiến các chủ hộ này e ngại việc lắp đặt hệ thống thanh toán thẻ. Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ giảm chi phí, có các khoản ưu đãi đối với các chủ hộ gia đình. Việc thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh sẽ là một bước tiến lớn trong việc minh bạch hóa các khoản thu chi, giúp cho việc kê khai và kiểm soát doanh thu được dễ dàng hơn. Các tổ chức tín dụng cũng có thể tận dụng những nguồn này để việc xét duyệt tín dụng được nhanh chóng và chính xác, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ gia đình nói riêng và các chủ thể trong nền kinh tế nói chung.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả triển khai gói hỗ trợ tín dụng. Nghị định số 31/2022/NĐ-CP vừa được ban hành là một chính sách với quy mô lớn, đối tượng thụ hưởng của chính sách này rất đa dạng và phong phú, dự kiến sẽ tạo hiệu ứng tích cực hơn cho việc tăng trưởng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giúp những đối tượng này mạnh dạn hơn trong triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, góp phần vào quá trình phục hồi nền kinh tế.
Để triển khai hiệu quả chính sách, đảm bảo các hộ kinh doanh nói riêng và các đối tượng thụ hưởng có thể tiếp cận được nguồn vốn này, thời gian tới, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại để hướng dẫn, kịp thời giải đáp vướng mắc về điều kiện, đối tượng thụ hưởng chính sách và các thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất, giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ và sớm tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống ngân hàng thương mại./.
Bình luận