Tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài: Cách nào?
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong xe ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội |
10 tháng năm 2024: Nhà đầu tư nước ngoài đã rót 27,26 tỷ USD vào Việt Nam
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10/2024 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước (Hình 1).
Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới có 2.743 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 2,5% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 9,79 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,24 tỷ USD, chiếm 21,3%; các ngành còn lại đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 14,5%.
Hình 1: Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 10 tháng các năm giai đoạn 2020-2024
Đơn vị: Tỷ USD
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài |
Trong số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,98 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2,08 tỷ USD, chiếm 13,7%; Trung Quốc 2,07 tỷ USD, chiếm 13,6%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 1,69 tỷ USD, chiếm 11,1%.
Trong 10 tháng năm 2024, vốn đăng ký điều chỉnh có 1.151 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 8,35 tỷ USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 16,39 tỷ USD, chiếm 69,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 4,41 tỷ USD, chiếm 18,7%; các ngành còn lại đạt 2,78 tỷ USD, chiếm 11,8%.
Trong 10 tháng năm 2024, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.669 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,68 tỷ USD, giảm 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 966 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,87 tỷ USD; 1703 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,81 tỷ USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 815,8 triệu USD, chiếm 22,2% giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 691,2 triệu USD, chiếm 18,8%; các ngành còn lại 2,17 tỷ USD, chiếm 59,0%.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2024 ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80,7% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,56 tỷ USD, chiếm 8,0%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 801,7 triệu USD, chiếm 4,1%.
Việt Nam hiện vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. |
Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang rất tích cực
Bức tranh thu hút FDI vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 cho thấy, cơ cấu và dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng lên, đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80,7% tổng vốn FDI thực hiện trong 10 tháng năm 2024. Đặc biệt, có nhiều dự án của các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư như công nghệ cao và đó là những tín hiệu hết sức đáng khích lệ.
Điều này cho thấy, Việt Nam hiện vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều tổ chức quốc tế có những đánh giá tích cực với kết quả phát triển kinh tế Việt Nam, ví dụ như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá Việt Nam thuộc 10 điểm đến hấp đối với các nhà đầu tư châu Âu; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có sự phục hồi nhanh sau Covid-19.
"Điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy rằng, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể kỳ vọng thu hút đầu tư vốn FDI cả năm 2024 cố gắng đạt khoảng 39-40 tỷ USD, tương đương hoặc cao hơn chút so với cùng kỳ năm 2023", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024.
Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài lớn cũng có động thái cho thấy niềm tin vào Việt Nam. Sau khi Samsung công bố kế hoạch đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào Nhà máy Samsung Display ở Bắc Ninh, với kế hoạch không chỉ sản xuất màn hình OLED cho điện thoại di động, mà còn sản xuất cả các sản phẩm OLED dành cho thiết bị IT, ô tô, thì đến lượt “người đồng hương” LG cũng tăng tốc đầu tư vào mảng sản xuất này.
Trước đó, vào tháng 9/2024, khi gặp Tổng Bí thư Tô Lâm tại New York (Mỹ), ông Tim Hughes, Phó chủ tịch cấp cao SpaceX cho biết, SpaceX có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam trong thời gian tới.
Để gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài
Để nâng cao chất lượng thu hút FDI, GS. Nguyễn Thị Xuân Thúy Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất rằng, Việt Nam cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, chuyển từ ưu đãi trước đầu tư sang ưu đãi sau đầu tư kết hợp với đa dạng hoá nhà đầu tư, tránh phụ thuộc quá mức vào một (vài) nhà đầu tư lớn.
Không những thế, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính chống chịu, bền vững thông qua việc liên kết FDI với doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp xanh, chuyển đổi năng lượng; phát triển năng lực công nghệ sản xuất cơ bản để có thể phục vụ mô hình kinh tế tuần hoàn; và môi trường chính sách minh bạch, dài hạn dễ dự báo...
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đã đến lúc mà Việt Nam cần chủ động chọn và sẵn sàng từ chối những dự án FDI không phù hợp, không đáp ứng các tiêu chí do Việt Nam đặt ra. “Đồng thời, Việt Nam cũng cần thiết lập các tiêu chuẩn về môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ khi đầu tư vào Việt Nam”, bà Lan bổ sung thêm.
PGS, TS. Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong dài hạn, Việt Nam cũng cần xây dựng một lộ trình thu hút FDI cụ thể cũng như có các chương trình cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo, có trình độ cao. Người lao động cần có một trình độ nhất định để thực sự học tập được kỹ thuật, ý thức kỷ luật, thái độ lao động từ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong doanh nghiệp FDI. Nguồn lao động giá rẻ, trình độ thấp sẽ không còn là lợi thế của Việt Nam trong tương lai gần khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra ngày càng mạnh mẽ với những máy móc hiện đại thay thế lao động thủ công. Mặt khác, nếu chỉ dựa vào nguồn lao động trình độ thấp để thu hút FDI, thì việc thông qua thành tựu của chủ nghĩa tư bản nhà nước để nâng cao trình độ, kỹ thuật lao động trong nước khó có thể đạt được. Do đó, việc tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cần được chú trọng và thực hiện một cách hiệu quả.
Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng các cam kết sử dụng hàng hóa, nguyên liệu Việt Nam để phát triển công nghiệp phụ trợ. Việt Nam cần “khéo léo” lồng ghép các điều khoản sử dụng nguyên liệu trong nước vào hợp đồng với doanh nghiệp FDI. “Bên cạnh đó, để doanh nghiệp FDI sử dụng nguyên liệu, hàng hóa của Việt Nam, chúng ta cũng cần xây dựng, hoàn thiện thị trường hàng hóa, nguyên liệu đầu vào với chất lượng, số lượng bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế”, PGS, TS. Bùi Văn Huyền đề xuất./.
Bình luận