Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần thiết, nhưng cần thận trọng
Đó là nhấn mạnh của TS. Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) trong bài phát biểu khai mạc hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với VBA tổ chức vào sáng ngày 8/8/2024 tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm lớn và đón nhận ý kiến góp ý từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, đại diện từ các doanh nghiệp.
Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”, do VCCI phối hợp với VBA tổ chức vào sáng ngày 8/8/2024 tại Hà Nội (Ảnh: VBA) |
Hiện nay, Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng. Đối với ngành đồ uống, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ là đối tượng chịu tác động trực tiếp của đề xuất điều chỉnh của luật, với để xuất: (i) Tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và (ii) Bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Tại hội thảo sáng 8/8 do VCCI phối hợp với VBA tổ chức, các ý kiến đóng góp đều nhất trí rằng việc tăng thuế TTĐB đối với đồ uống là cần thiết, tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB cần được tiến hành hết sức thận trọng.
Đóng góp của ngành đồ uống và những khó khăn hiện tại
Theo ông Việt, trong những năm qua, Ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) đã có nhiều đóng góp cho kinh tế quốc gia, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN) với khoảng gần 60 nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong ngành chịu nhiều khó khăn do bối cảnh kinh tế thế giới trải qua nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, đứt gãy lớn chuỗi cung ứng toàn cầu…Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải tiến hành tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động…
Ngoài những khó khăn chung, theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, ngành đồ uống cũng phải đối diện với nhiều khó khăn đặc thù, như: không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế GTGT (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn; chi phí, giá nguyên vật liệu chính tăng từ 15-40%; tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng trôi nổi đối với rượu, bia khá phức tạp… Lợi nhuận của ngành đồ uống do đó đã giảm trung bình 10%/năm trong giai đoạn 2021-2023, riêng với năm 2024, hàng tồn kho tiếp tục tăng, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong ngành sụt giảm, các doanh nghiệp lớn trong ngành đều giảm doanh thu, lợi nhuận.
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Quỳnh Anh) |
Cần đánh giá kỹ tác động chính sách
Từ góc độ nghiên cứu, PGS.TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho rằng, phải đánh giá kỹ tác động chính sách trước khi ban hành, cần có phản biện từ các đối tượng liên quan, đánh giá cụ thể những hệ luỵ không mong muốn mà chính sách có thể mang lại và quan trọng nhất là cần có những đánh giá định lượng, với luận cứ, thông tin, dữ liệu công khai, xác thực. Việc giảm, giãn lộ trình tăng thuế cũng có thể coi là một cách để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng, tránh tạo ra những cú “sốc” không mong muốn cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) gợi ý, nếu chưa rõ mọi tác động tổng thể toàn diện, có thể tăng thuế vào năm 2026 rồi dãn cách 2-3 năm để có thời gian xem xét, đánh giá lại các mục tiêu lẫn tác động, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Đại diện cho VBA, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA đề nghị, tạm thời chưa bổ sung nước giải khát (NGK) theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB, bởi thực tế chưa có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và toàn diện tác động của sắc thuế đối với các đối tượng trực tiếp và gián tiếp về mặt kinh tế, xã hội.
Cần lộ trình phù hợp, tránh “sốc” cho doanh nghiệp
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, việc tăng thuế TTĐB có thể giúp tăng NSNN trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn còn là một ẩn số, “tổng hòa việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ ràng”. Chưa kể, việc tăng thuế với đồ uống có đường chưa chắc đã giảm tỷ lệ các bệnh như béo phì, tim mạch… xuất phát từ thực tế có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các bệnh lý này.
Với nhiều năm kinh nghiệm về thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, chuyên gia cao cấp về thuế, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) khẳng định, việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết. Tuy nhiên cần hướng đến chính sách thuế TTĐB hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế TTĐB đề ra. Việc tăng thuế TTĐB do đó cần có lộ trình từ từ.
Từ phía doanh nghiệp, những người trực tiếp tham gia sản xuất trên thị trường, đại diện nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ uống (rượu, bia, nước giải khát) đều cho rằng, việc tăng thuế TTĐB là cần thiết, tuy nhiên cần có những nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác, đồng thời cần có lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị phương án kinh doanh hợp lý; cũng như sau mỗi nhịp tăng thuế, nên có thời gian đệm để đánh giá lại, xem xét những ưu điểm, hạn chế để kịp thời điều chỉnh. Tăng thuế mạnh trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, sức mua suy giảm, các chi phí đều tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro như: giảm sản xuất kinh doanh, đóng cửa, cắt giảm nhân công./.
Bình luận