Ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) để các tổ chức này chủ động, quyết liệt tăng trưởng tín dụng và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Công văn số 1088/NHNN- CSTT, ngày 7/02/2024 của Ngân hàng Nhà nước về việc tăng trưởng tín dụng năm 2024 gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều đáng nói là tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp diễn ra trong bối cảnh khác với thông lệ các năm, ngay đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các tổ chức tín dụng.

Bước đi trên của Ngân hàng Nhà nước, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú thể hiện sự chủ động, quyết tâm, sáng tạo trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp về vốn, thúc đẩy tổng cầu. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng để sức hấp thụ vốn tốt phải phụ thuộc vào cả yếu tố chủ quan và khách quan, riêng ngành Ngân hàng không thể làm cầu tín dụng tăng. Yếu tố khách quan, từ môi trường kinh tế cải thiện mới kích cầu đầu tư, cầu tiêu dùng tăng. Còn yếu tố chủ quan, về phía doanh nghiệp cần nâng cao sức khoẻ, năng lực của mình. Ngân hàng phải tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông qua cắt giảm thủ tục không cần thiết và mạnh dạn hơn trong cho vay.

Tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 thấp, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu triển khai quyết liệt nhiều giải pháp
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm

Trước thực trạng trên, tại Công văn số 1088/NHNN- CSTT, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, ngày 15/01/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

(i) Quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, ngày 15/01/2024 của Ngân hàng Nhà nước và Nghị quyết số 103/2023/QH15, ngày 09/11/2023 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 và các Nghị quyết có liên quan).

(ii) Quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

(iii) Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa.

(iv) Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng để giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và qua đó góp phần thúc đẩy Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

(v) Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thiết thực, thực chất, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân...

Việc sớm đạt kết quả về tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng tín dụng, không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động, kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang đối mặt với không ít thách thức./.