Nhằm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Tỉnh trước khi trình Hội đồng thẩm định thông qua, ngày 21/02/2023 tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo tham vấn ý kiến về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự Hội thảo có ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk; đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường và các ủy viên phản biện.

Tham vấn Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030
Ông Đinh Thanh Tâm cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch và Luật bảo vệ môi trường, tỉnh Đắk Lắk đã lập hồ sơ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng đồng thời Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo đúng quy định. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Thanh Tâm cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch và Luật Bảo vệ môi trường, tỉnh Đắk Lắk đã lập hồ sơ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng đồng thời Báo cáo ĐMC theo đúng quy định. Báo cáo ĐMC đã được tiến hành đồng thời với quá trình lập quy hoạch tỉnh.

Cơ quan thường trực tổ chức tham vấn ý kiến của thành viên là hội đồng thẩm định và các chuyên gia về kết quả đánh giá môi trường chiến lược.

Môi trường chịu nhiều tác động của các hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên quá mức

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu mối giao thông của Tây Nguyên, có các tuyến đường quan trọng đi qua như QL 14, QL 14C, QL 19C, QL 26, QL 29, QL 27, đường Trường Sơn Đông nối tỉnh với các trung tâm của vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ; có Cảng hàng không Buôn Ma Thuột nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nằm trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Tỉnh có quỹ đất phát triển nông nghiệp lớn, màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; khí hậu phù hợp với sự phát triển của các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, cao su, điều, tiêu... với quy mô sản xuất hàng hóa tập trung; có tiềm năng lớn về đất lâm nghiệp và trữ lượng gỗ, cùng nguồn lâm sản phong phú.

Tỉnh giàu tiềm năng về du lịch, với sự đa dạng cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn; có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, một số vùng có bức xạ mặt trời thuận lợi cho phát triển điện mặt trời ), tốc độ và sự ổn định của gió cho phát triển điện gió.

Dân cư và lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mang đặc điểm của nhiều vùng miền khác nhau tạo nên những nét văn hóa đa dạng, phong phú chứa đựng những yếu tố năng động, sáng tạo mới. Cộng đồng các dân tộc trong Tỉnh có truyền thống đoàn kết, cần cù và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề đa dạng, phong phú.

Tuy nhiên, Tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, như: Vị trí nằm xa các trung tâm phát triển của quốc gia (như hầu hết các tỉnh Tây Nguyên), điều kiện kết nối hạ tầng còn rất hạn chế làm giảm khả năng liên kết các hoạt động kinh tế, xã hội liên vùng thúc đẩy kinh tế nội vùng.

Môi trường chịu nhiều tác động của các hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên quá mức: Diện tích rừng giảm nhanh do xâm lấn, chuyển đổi từ các hoạt động canh tác nông nghiệp. Hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là khai thác nguồn nước ngầm, tăng hệ số sử dụng đất, ô nhiễm đất, nước do sử dụng phân bón và chất bảo vệ thực vật hóa chất, khai thác khoáng sản quá mức.

Hiện tượng xói mòn, rửa trôi diễn ra thường xuyên. Nguồn nước phân bố không đều theo mùa và theo vùng, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là không gian sinh tồn của loài voi đang bị thu hẹp và ảnh hưởng đến phát triển số lượng cá thể voi tự nhiên, mất đi nét độc đáo về sinh thái của Đắk Lắk trong tổng thể Tây Nguyên và cả nước.

Đặc biệt, cảnh quan tự nhiên các thác nước, hồ cảnh quan, rừng đặc dụng... có nguy cơ bị phá vỡ do các hoạt động khai thác làm thủy điện và nạn chặt phá rừng, đặc biệt là đối với rừng phòng hộ đầu nguồn.

Tham vấn Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030
Mô hình phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng Tỉnh đến năm 2050

Đến năm 2050, Đắk Lắk trở thành tỉnh có "Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo"

Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ định hướng phát triển tỉnh Đắk Lắk dựa trên 3 nền tảng đặc trưng cơ bản: Nền tảng sinh thái "Đất- Nước- Rừng”; Nền tảng bản sắc văn hóa Tây Nguyên; Nền tảng kinh tế xanh, tuần hoàn. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với một không gian xanh - hiện đại - văn minh, đô thị thông minh - cửa ngõ của vùng Tây Nguyên hội nhập với khu vực và quốc tế.

Đắk Lắk trở thành tỉnh có "Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo". Đắk Lắk là điểm đến yêu thích, đáng sống, an ninh - an toàn.

Đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk có nền kinh tế điển hình theo mô hình tăng trưởng xanh-tuần hoàn, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển thịnh vượng của cả nước. Vị thế phát triển của Tỉnh trong cả nước được nâng lên rõ rệt, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước.

Người dân Đắk Lắk "Văn minh - Thân thiện - Hội nhập". Đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk định hình rõ nét các chức năng ở nhiều cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng Tây Nguyên. Tập trung phát triển xứng tầm trên một số chức năng riêng có của Tỉnh như sau: (1). Thành phố cà phê thế giới; (2) Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp quốc tế; (3) Trung tâm Văn hóa vùng Tây Nguyên; (4) Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào – Việt Nam; (5) Trung tâm Đô thị vùng Tây Nguyên.

Phương án phân vùng liên huyện, Tiểu vùng I (vùng Trung tâm) vùng tác động mạnh của đô thị hóa, trong mối liên kết, lan tỏa giữa TP. Buôn Ma Thuột và các huyện phụ cận; Tiểu vùng II (vùng phía Bắc) là tiểu vùng phía Bắc của Tỉnh (vùng kinh tế sản xuất nông lâm nghiệp) gồm: Thị xã Buôn Hồ và các huyện Krông Buk, Krông Năng, Ea Súp và Ea H' Leo; Thị xã Buôn Hồ là đô thị động lực phía Bắc của Tỉnh; Tiểu vùng III (vùng Đông Nam) gồm huyện: Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông, Lắk. Thị xã EaKar được xác định là trung tâm tiểu vùng. Đây sẽ là vùng kinh tế tổng hợp phát triển nông lâm nghiệp và phát triển du lịch.

Để thu hút nguồn lực, tư vấn đề xuất các đột phá phát triển về chính sách gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tài chính công; xây dựng chính sách đào tạo nhân lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.

Về liên kết phát triển, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm để thúc đẩy liên kết vùng, phát triển mạnh thương mại, du lịch, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, các tỉnh nam Lào, các tỉnh của Campuchia; xây dựng tuyến cao tốc qua các tỉnh Tây Nguyên đến TP. Hồ Chí Minh.

Mục tiêu hướng đến trong thời kỳ 2021-2030, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả Tỉnh 1,5%-2%/năm; riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hàng năm 3-4%. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021-2030 là 11%; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số tăng dần, bám sát chỉ tiêu cả nước, năm 2030 đạt 20%....

Tham vấn Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030
Nguồn: UBND tỉnh Đắk Lắk

Cần hết sức lưu ý đến các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực

Theo Báo cáo ĐMC quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường được Tỉnh lựa chọn đều phù hợp với một số định hướng, chiến lược lớn của đất nước như: Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Về vấn đề môi trường chính, Báo cáo đưa ra các vấn đề về suy giảm tài nguyên và chất lượng nước; suy giảm chất lượng môi trường do gia tăng chất thải rắn; suy giảm chất lượng không khí; ô nhiễm và suy thoái môi trường đất; suy giảm tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; biến động môi trường xã hội.

Báo cáo cũng dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính trong trường hợp không thực hiện quy hoạch Tỉnh (Phương án 0) và trong trường hợp thực hiện quy hoạch Tỉnh.

Cụ thể, thay mặt cho đơn vị tư vấn đánh giá ĐMC, TS. Nguyễn Công Mỹ cho biết, quy hoạch tỉnh Đắk Lắk sẽ tạo ra tác động tích cực về kinh tế - xã hội cho Tỉnh, cho vùng Tây Nguyên và cả nước, như: Nâng cao mức sống dân cư, thu nhập, việc làm, văn hóa cho nhân dân địa phương; giải quyết nhiều vấn đề xã hội; sức tải lãnh thổ được mở rộng do chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Đơn vị tư vấn nhấn mạnh, khi triển khai thực hiện Quy hoạch, cần hết sức lưu ý đến các giải pháp để giảm thiểu các tác động tích lũy tiêu cực, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến các vấn đề: Ô nhiễm và suy thoái chất lượng đất; áp lực gia tăng chất thải rắn; suy thoái các hệ sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học; suy giảm trữ lượng và chất lượng nước mặt, nước dưới đất; giảm chất lượng môi trường do ô nhiễm không khí; biến động mỗi trường xã hội. Các vấn đề khác cũng cần được quan tâm thỏa đáng như: Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ chất lượng không khí, đặc biệt là giao thông.

Về tác động của quy hoạch tới sắp xếp không gian các ngành khác, nhóm chuyên gia đánh giá ĐMC cho rằng, cần bổ sung về nội dung quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên; hạ tầng thu gom, xử lý chất thải (theo hướng dẫn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), thì không khuyến khích việc quy hoạch và xây dựng các bãi rác hoặc nhà máy xử lý, khu vực thu gom rác thải quanh cảng hàng không.

Việc thiết lập các khu bảo tồn thiên nhiên trong khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay có thể tạo ra yếu tố hấp dẫn mạnh đối với các loài chim, động vật hoang dã. Vì vậy, không quy hoạch bãi rác, xây dựng nhà máy xử lý rác thải hoặc khu vực thu gom rác thải trong phạm vi 13 km quanh vị trí cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Đối với khu vực bảo tồn thiên nhiên gần cảng hàng không, sân bay, cần nghiên cứu và di dời tới vị trí xa nhất có thể đúng theo hướng dẫn của ICAO.

Bên cạnh đó, cần cấm hoạt động khai thác khoáng sản sông Krông Nô tại khu vực giáp ranh 2 tỉnh Đắk Lắk với Đắk Nông. Đặc biệt, cần phân tích và làm rõ ảnh hưởng, tác động và các giải pháp về bảo tồn, phát huy bản sắn văn hóa dân tộc, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, cần hiện đại hóa công nghệ để giảm thiểu hao phí nhiên liệu, tài nguyên. Thực hiện việc chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật về nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng năng suất lao động. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai. Xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Các vấn đề môi trường từ chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nguy hại cần phải có ý thức và trách nhiệm trong việc giảm phát sinh và hạn chế ảnh hưởng của chất thải rắn gây ra. Vấn đề công nghệ xử lý và quản lý chất thải rắn cần được quan tâm đặc biệt.

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến tài nguyên nước tại tỉnh Đắk Lắk, gây ra những thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Các chuyên gia góp ý cho ĐMC quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất rằng, việc quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Triển khai thực hiện quy hoạch không thể tránh khỏi việc tác động đến môi trường và những tác động xã hội.

Báo cáo ĐMC quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát các quan điểm, định hướng, mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Đảng và Chính phủ đề ra.

Phương án phát triển trong dự án Quy hoạch Tỉnh đã được nghiên cứu trên cơ sở phân tích các nguồn lực, lợi thế, cũng như hạn chế của Tỉnh, vì vậy phương án phát triển được đề ra có tính khả thi. Khi quy hoạch này được thực hiện, đòi hỏi các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư phải chú trọng thực hiện đầy đủ tất cả các giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường đã được đề ra trong báo cáo ĐMC.

Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng đến công tác nâng cao năng lực quản lý môi trường cho các cơ quan quản lý theo chức năng. Đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm./.