Tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực để tỉnh Nghệ An phát triển bứt phá
Ngày 26/02/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập hồ sơ xây dựng nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban Soạn thảo phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Nghệ An đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển
Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội ban hành; Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo rà soát, ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, 04/11/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 162/NQ-CP phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Trong đó, Chính phủ giao UBND tỉnh Nghệ An chủ trì xây dựng Đề án đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Nghệ An xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội ban hành.
Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An đã xây dựng Đề án đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh. Dự thảo Đề án gồm 04 phần chính, gồm: sự cần thiết, cơ sở, quan điểm; Đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội; Nội dung đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Đánh giá tác động, dự kiến nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Nghệ An đề xuất xây dựng Nghị quyết mới bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù gồm 05 nhóm lĩnh vực với 22 chính sách, trong đó có 12 chính sách áp dụng tương đồng với các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội ban hành và 10 chính sách tỉnh đề xuất mới. Cụ thể về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (07 chính sách); quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên và môi trường (06 chính sách); quản lý đầu tư (04 chính sách); phát triển kinh tế biển (02 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (03 chính sách).
Quan điểm xây dựng Nghị quyết là các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An phải bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; bám sát mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 39-NQ/TW; phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng huy động, cân đối nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị; Tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm; Các cơ chế, chính sách đặc thù giúp tỉnh Nghệ An có điều kiện huy động thêm nguồn lực, phát huy tiềm năng lợi thế, từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức, tạo đột phá cho phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Toàn cảnh Cuộc họp. Ảnh: MPI |
Xây dựng Nghị quyết: Phải giải quyết các điểm nghẽn, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư để phát triển
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến nguyên tắc, yêu cầu, ý nghĩa cũng như các yếu tố thuận lợi trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An như đã có các Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 04/11/2023 Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Cùng với đó, đến nay các quy hoạch cơ bản đã hoàn thành, từ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành. Đây là những cơ sở chính trị quan trọng, nền tảng để đưa ra các cơ chế, chính sách trúng, đúng, chính xác, kịp thời, phù hợp với bối cảnh, đặc thù, đặc điểm của tỉnh Nghệ An, phù hợp chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn trong việc xây dựng Nghị quyết, đặc biệt là làm thế nào để đưa ra được hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ trong hệ thống chính sách chung của đất nước, nhưng cũng phải có những đặc điểm riêng để phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, vượt qua thách thức, giải quyết các điểm nghẽn, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư để phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu “Rà soát theo các Nghị quyết của Trung ương để xem cần tập trung vào vấn đề gì? Từ đó đưa ra các cơ chế, chính sách tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực để tỉnh Nghệ An phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Duy Đông, Phó Trưởng Ban Soạn thảo phát biểu. Ảnh: MPI |
Tại cuộc họp, thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập là đại diện của các bộ, ngành có liên quan cơ bản đồng tình với sự cần thiết xây dựng, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An cũng như một số nội dung được đề xuất; các cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với chính sách pháp luật chung, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh Nghệ An. Đồng thời đề nghị đánh giá, làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế và đưa ra các cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh Nghệ An có thêm nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tổng hợp các ý kiến, Thứ trưởng Trần Duy Đông, Phó Trưởng Ban Soạn thảo cho biết cho biết, đại biểu đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Nghệ An trong việc phối hợp với các bộ, ngành trong quá trình xây dựng hồ sơ Nghị quyết; đánh giá cao các ý kiến trách nhiệm, bày tỏ rõ quan điểm và gợi mở thêm một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh đến các nội dung được quy định tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức và để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng tỉnh phát triển toàn diện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh Nghệ An đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, góp phần quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao;…
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định, tỉnh Nghệ An sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo tính khả thi, mang lại hiệu quả./.
Bình luận