Thay đổi tư duy để phá bỏ 3 “lời nguyền” của ngành nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh như vậy tại Tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” chiều 28/10 do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức.
Tham dự Tọa đàm có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm |
Nông nghiệp phát huy vai trò “trụ đỡ” trong mọi biến cố
Tại Tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định trong mọi biến cố của nền kinh tế- xã hội, nông nghiệp đều phát huy vai trò “trụ đỡ”.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nền nông nghiệp nước ta có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng đến nay vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công và phải nhập khẩu giống, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, có một số ngành 80-90% nhập khẩu từ nước ngoài nên giá trị gia tăng nông nghiệp không cao; thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh và chưa vào được phân khúc cao thị trường.
Điều kiện tự nhiên nước ta có các vùng khí hậu, thổ nhưỡng, nên cần phát triển đúng theo phương thức thuận thiên, tận dụng các điều kiện để có các sản phẩm chất lượng cao hơn.
Hiện tại, các DN FDI chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng như chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, nhưng lĩnh vực sữa thì các DN Việt chiếm lĩnh thị trường khá tốt. Vấn đề là tương quan với các DN FDI. Các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp trọng yếu phải chăng người Việt phải giữ vị trí tương xứng, thậm chí chủ đạo, mang lại giá trị tăng cao hơn cho Việt Nam.
Về xuất khẩu ra thế giới, công tác truyền thông tốt, nhưng chỉ qua vài hiện tượng nhỏ lẻ mà ảo tưởng là ta đã chiếm lĩnh thị trường thế giới, thương hiệu giá trị gia tăng, phẩm cấp cao là không đúng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ rằng: “Trong đại dịch COVID-19 ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo. Tôi hay nghĩ đến câu nói vui: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ””.
Không đồng tình với việc 9 tháng đầu năm, mọi người hay đánh giá thông qua các con số tỉ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch, đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan toả, chiều sâu của mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp.
“Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Từ câu chuyện trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác.
“Tôi nghĩ về sức sống của hàng chục triệu hộ nông dân. Đây là niềm tin để phát triển chiến lược “tam nông” căn cơ hơn”, Bộ trưởng nêu suy nghĩ.
Đồng tình rằng, trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp”.
Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động, sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này. Sau này, chưa rõ họ có quay lại khu vực công nghiệp hay không, nhưng giai đoạn này có thể khẳng định, nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn”.
"Tôi nghĩ về sức sống của hàng chục triệu hộ nông dân. Đây là niềm tin để phát triển chiến lược “tam nông” căn cơ hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu suy nghĩ |
Chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”
Mặc dù đang ở giai đoạn chống chọi với dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới, thiếu hut nhân lực…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp còn dư địa và chúng ta có niềm tin khi xuất khẩu sẽ đạt 42,5 tỷ USD trong năm 2021 cũng như cán đích mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành 2,5-2,8%, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đặc biệt với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự chủ động của các địa phương, chính là điểm tựa cho các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động lại.
“Chính phủ đã tạo ra một hào khí cho các doanh nghiệp trên cả nước, “trong nguy có cơ”, cái cơ ở đây là các doanh nghiệp đã thức tỉnh, bản thân doanh nghiệp cũng nhìn lại sức chống chịu rủi ro của mình để tích cực hơn, chủ động hơn”, ông Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ, hợp tác xã là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp. Chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.
“Chính hợp tác xã khi quần tụ với nhau mới đủ sức, là chỗ để Nhà nước hỗ trợ chứ Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể nữa mà qua kinh tế tập thể. Đến một ngày nào đó với một năng lực nào đó, hợp tác xã sẽ "ngồi ngang hàng" với các doanh nghiệp để đàm phán vấn đề liên kết. Còn từng hộ không thể ngồi đàm phán với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đang cần hợp tác xã nhưng nhiều khi bà con vẫn quen làm riêng lẻ”, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Trở lại câu chuyện này, Bộ trưởng mong muốn truyền thông đừng đẩy người nông dân thông qua hợp tác xã và các doanh nghiệp thành hai "chiến tuyến".
“Sự hợp tác của người nông dân thông qua hợp tác xã sẽ trở thành một bi kịch nếu hai bên xem nhau là đối trọng chứ không phải đối tác của nhau. Nông dân nói thương lái ép, ngược lại, thương lái nói nông dân bội tín… Thương lái - nông dân ép nhau mùa này sang mùa khác thì việc hợp tác liên kết không tồn tại được”, Bộ trưởng cảnh báo.
Nhấn mạnh thêm về mô hình nông nghiệp đa giá trị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Tôi vẫn tâm đắc với mô hình nông nghiệp đa giá trị, đó là các sản phẩm nông nghiệp gắn với các tài nguyên bản địa, văn hoá địa phương… Việc tích hợp các thành tố đó để tạo ra giá trị sẽ giúp đồ thị tăng trưởng có thể đi theo chiều thẳng đứng chứ không mãi đi ngang”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, vẫn cần làm lớn, quy mô lớn nhưng chỗ nào làm nhỏ thì chúng ta tìm giá trị cho những cái nhỏ. Ví dụ ruộng bậc thang, lúa ở Mù Cang Chải, Mường Nhé, sản lượng không thể bằng đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, nhưng giá trị vô cùng lớn vì tích hợp các giá trị thiên nhiên, thổ nhưỡng, văn hóa các dân tộc và bán gấp nhiều lần giá lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
“Nông nghiệp phải biết tích hợp giá trị. Nhiều khi chỉ nhìn vào một giá trị đơn thuần mà quên đi những giá trị còn lại. Nhưng muốn làm được điều này thì Nhà nước phải ra tay. Nhiều khi bà con nông dân bi quan bởi bản thân nếu các cơ quan Nhà nước không nhìn thấy những giá trị này thì làm sao bà con nhìn ra được. Nên phải có sự “khai tâm”. Khi những thửa ruộng bậc thang được hết hợp với du lịch, những hình ảnh múa xoè đẹp đẽ thì những nông sản của địa phương có giá trị rất lớn vì tích hợp yếu tố văn hoá”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phải “khai tâm” để người dân thay đổi
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định, chúng ta đã đưa ra chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với triết lý xây dựng nông thôn mới là xây dựng người nông dân mới, tinh thần làm chủ của người nông dân. Cái đó mới quyết định cho sự thay đổi chất lượng sống của người nông dân chứ không phải hạ tầng.
“Trong chương trình nông thôn mới, chúng tôi sẽ có đội ngũ huấn luyện nông dân khuyến nông. Bây giờ phải thay đổi suy nghĩ của người nông dân trước. Chúng ta không phải đưa giống cây trồng, vật nuôi xuống trước để giúp cho người nông dân cải thiện năng suất mà làm thay đổi tổ chức cộng đồng. Nhìn nông nghiệp dưới khía cạnh xã hội, văn hóa là ở chỗ đó”, Bộ trưởng nói.
Đồng tình với Bộ trưởng, ông Vũ Tiến Lộc cũng chỉ rõ, phải thay đổi tư duy của người nông dân.
“Tôi nghĩ, tất cả nông dân bây giờ cũng đều phải đứng trước nhu cầu khởi nghiệp. Khi chúng ta quan niệm rằng nền nông nghiệp không phải là sản xuất nông nghiệp mà là kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp thì chủ thể của kinh tế đó phải có tinh thần của người kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc nêu suy nghĩ.
Người nông dân bây giờ cũng phải tính đầu tư vào đâu, sản xuất kinh doanh cái gì, bán đi đâu mới hiệu quả? Vì vậy, người nông dân cần phải có tinh thần của người kinh doanh. Đó là doanh nhân hóa nông dân, chứ không phải doanh nhân chỉ là nhà máy, xí nghiệp. Hộ nông dân cũng phải tiến hành sản xuất kinh doanh trên tinh thần của doanh nhân, bản chất là đầu tư để tìm lợi nhuận, để làm giàu cho mình.
“Đó là tinh thần doanh nhân. Vì vậy, nông dân phải có tinh thần khởi nghiệp”, ông Lộc nói.
Hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực đang rất yếu, chỉ khoảng 4% nông dân có đào tạo về kỹ thuật chuyên môn. “Hãy về nông thôn, hãy làm nông nghiệp, nhưng với tinh thần của một nhà doanh nghiệp và làm với kiến thức, với trình độ khoa học, với chuyển đổi số…”, ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, ở nước ngoài, người dân nói chuyện như một nhà khoa học, không ai biết họ là nông dân, vì vậy, không có con đường nào khác là phải chuyên nghiệp.
“Ngành nông nghiệp cũng đang hướng tới việc người nông dân khởi nghiệp trong chương trình nông thôn mới, tức là không để người nông dân xoay sở trong một “ốc đảo tri thức””, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Khuyến nông như ngày trước được hiểu là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật xuống. Theo Bộ trưởng, giờ chúng ta nên nghĩ khác đi, trước tiên là “khai tâm” cho người nông dân nghĩ khác đi; sau đó là “khai trí”, đưa kiến thức và từ đó, người nông dân bằng sáng kiến và năng lực của mình họ sẽ làm.
“Không phải chúng ta chỉ cung cấp giống má mà còn cung cấp tri thức, kiến thức mới, chế biến, công nghệ, tìm kiến thị trường, xây dựng thương hiệu… Cho nên rất nhiều mô hình khuyến nông làm được một thời gian thì biến mất. Chúng ta phải tổ chức lại, tìm điều mới cho cộng đồng. Phải “khai tâm” để người dân thay đổi”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Bình luận