Cần giải pháp khai phá phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép các nội dung phát triển du lịch vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.
Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn cần được khai phá mạnh mẽ. Ảnh: Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hà Nam |
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Các sản phẩm du lịch nông thôn đang khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao… Hiện cả nước có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Thế nhưng, du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Hiện nay, mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát và chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Các chính sách phát triển chủ yếu hiện nay lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, trong 5 năm qua, vai trò của du lịch nông thôn thể hiện rõ trên ba khía cạnh: góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP và phát huy giá trị văn hóa của các vùng miền. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn vẫn tồn tại một số hạn chế như: công tác quy hoạch cho du lịch cộng đồng, làng nghề, trang trại sinh thái gần như chưa có; cơ chế quản lý mô hình du lịch nông thôn, hạ tầng và nguồn nhân lực (mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 hướng dẫn viên biết tiếng Anh) và đảm bảo chuỗi du lịch với các công ty lữ hành còn nhiều kẽ hở. Do đó, cần tiếp tục xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển du lịch trang trại. Điều này cần sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan...
Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đại diện Tổng cục Du lịch tán thành đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về xây dựng Đề án này trên cơ sở Đề án của năm 2019 đã trình lên Chính phủ và sẽ có sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế. Cần xây dựng nghị định về farmstay để trình Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian qua, mô hình du lịch farmstay tương đối phát triển song vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Tiêu chí về du lịch cộng đồng đã có cần áp dụng bài bản, rộng rãi hơn. Địa điểm du lịch cộng đồng phải đảm bảo các điều kiện như: có đăng ký kinh doanh; đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy; an toàn vệ sinh thực phẩm…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định mối quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực du lịch nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn phải được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển đa dạng, bền vững của du lịch.
Một khi hệ thống chính sách về phát triển du lịch nông thôn được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao sẽ mở ra cơ hội khai phá những tiềm năng đáng kể của lĩnh vực này, qua đó đóng góp cả cho sự phát triển của ngành Du lịch, lẫn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn./.
Bình luận